Sau ba ngày đêm nghe tin chồng, con gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa, bà Nguyễn Thị Năng (51 tuổi, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên.
Theo kế hoạch, tối 12/7, thuyền trưởng Võ Văn Lựu cùng bốn ngư dân gặp nạn được tàu ông Huỳnh Văn Khanh (cùng quê) đưa từ Hoàng Sa về đến quê nhà. Tuy nhiên do sóng lớn, tàu đi chậm nên dự kiến đến trưa 13/7 năm ngư dân gặp nạn mới có thể đoàn tụ cùng gia đình.
Cả gia đình cùng ra Hoàng Sa
Bà Năng cho hay, nối nghiệp từ đời ông cha, chồng là ông Lựu từng đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa hơn 30 năm. Biển đã mang lại cho gia đình bà cuộc sống sung túc, sáu người con lần lượt ra đời lớn lên, học hành tử tế. Tuy nhiên những năm gần đây, "biển dậy sóng" khiến chồng ra khơi liên tục gặp nạn, kinh tế gia đình khó khăn chồng chất, lâm cảnh kiệt quệ.
Bà Năng (vợ thuyền trưởng Lựu) nghe ngóng tin chồng, con trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Xót xa cảnh tàu sơn nước, bảo dưỡng xong mà cứ nằm bờ, ông Lựu cùng cha là lão ngư Võ Bông (70 tuổi), em ruột Võ Thanh Hương, con trai Võ Văn Cầu (17 tuổi) cùng con rể Nguyễn Trung Hậu cùng thẳng tiến ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt thủy sản.
"Do nhóm bạn thuyền ở Khánh Hòa cứ xin khất vì bận việc gia đình, thanh niên trẻ thì lo chuyện cưới vợ nên chưa trở lại ra biển. Thấy tàu sơn nước nằm bờ lâu quá, chồng tôi sốt ruột nên cùng các thành viên gia đình cùng ra Hoàng Sa đánh bắt thủy sản trong phiên biển này", người vợ thuyền trưởng nói.
Nghe tin tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa, bà Năng rụng rời tay chân, lo cho tính mạng 5 người thân ruột thịt của gia đình. Bà thương nhất cậu con trai Võ Văn Cầu (17 tuổi), thành viên nhỏ tuổi nhất lâm nạn. Dù gia đình không cho Cầu đi biển nhưng cậu cứ nài nỉ cha để vừa học nghề biển vừa kiếm ít tiền trang trải mua sách vở, quần áo cho năm học mới.
Chị Võ Thị Nỷ bên con gái 3 tháng tuổi ngóng đợi chồng từ Hoàng Sa trở về. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cùng tâm trạng với mẹ, nghe tin cha, chồng và những người thân trong gia đình gặp nạn, suốt ba đêm qua chị Võ Thị Nỷ bần thần, thao thức.
Hai vợ chồng Nỷ dạy học cùng trường THCS Sơn Dung, huyện vùng cao Sơn Tây. Cô giáo trẻ đang nghỉ chế độ thai sản sinh con đầu lòng. Dịp nghỉ hè, chồng thủ thỉ nguyện vọng đi theo tàu cá cùng cha ra vùng biển Hoàng Sa thế là chị đồng tình.
"Nghe tin tàu cá bị đâm chìm, nhìn con gái chào đời vừa tròn 3 tháng, lòng cứ lo sợ lỡ chồng có bề gì, hai mẹ con biết sống sao", người vợ tròn 30 tuổi lo âu.
Vị thuyền trưởng nhiều lần cứu người
Nhắc đến tên vị thuyền trưởng Võ Văn Lựu, đi đến đâu ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cũng hết lời ca ngợi can trường, tốt bụng.
Lão ngư Nguyễn Hà (ngụ xã Bình Châu) kể lại, năm 1994, thuyền trưởng Lựu lái tàu cá vượt qua giông bão cứu 18 ngư dân Đà Nẵng hành nghề câu mực trôi dạt ở vùng biển Hoàng Sa. Gần đây, tháng 6/2014, vị thuyền trưởng này lại cứu 11 thuyền viên đi trên tàu ông Nguyễn Nhị (cùng quê) bị phá nước, chìm trên biển.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, từ lâu, ông Lựu là người tốt bụng, cần cù chịu khó làm ăn, gắn bó bám biển hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa và cứu sống nhiều ngư dân gặp nạn.
"Những năm gần đây, nhiều lần tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc tấn công, rượt đuổi, cướp tài sản nhưng ông Lựu vẫn can trường vươn khơi bám biển Hoàng Sa vừa phát triển kinh tế biển vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước", ông Hùng nói.
Tối 12/7, ông Nguyễn Văn Trúc - Trưởng đài trực canh Gành Cả điện Icom nắm bắt thông tin tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh đưa 5 ngư dân gặp nạn của tàu ông Lựu từ Hoàng Sa trở về Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước đó, khoảng 11h ngày 9/7, tàu cá QNg 90497 công suất 430 CV do ngư dân Võ Văn Lựu làm chủ đang đánh bắt tại toạ độ 16,06 độ vĩ Bắc - 113,06 độ kinh đông (cách Đà Nẵng khoảng 290 hải lý) thì bất ngờ bị tàu Trung Quốc đâm chìm. 5 thuyền viên bị rơi xuống biển sau đó được tàu cá QNg 95001 đến ứng cứu.
Lúc 13h ngày 11/7, các ngư dân được tàu cá QNg 95001 của ông Huỳnh Văn Thanh (xã Bình Châu) đưa về bờ. Do sóng to nên tàu chạy tốc độ 3 hải lý/giờ.
Trước đó, trưa ngày 9/7, hai tàu cá của ông Huỳnh Văn Khanh và Lựu đang hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi. Một số người trên tàu của Trung Quốc thả xuồng cao su, lên tàu đánh ông Lựu, dồn 5 thuyền viên về trước mũi tàu.
Những người này tiếp tục lấy tàu của ông Võ Văn Lựu rượt đuổi tàu của ông Khanh. Đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc làm chìm tàu của ông Lựu khiến 5 ngư dân bám mũi tàu chới với giữa biển. Tàu Trung Quốc đã ngăn cản các tàu khác đến cứu các ngư dân gặp nạn. Đến tối 9/7, tàu của ông Khanh mới có thể tiếp cận ứng cứu.
Hành vi vô nhân đạo
Trước đó, ngày 11/7, Hội nghề cá Việt Nam gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
Hội nghề cá Việt Nam cực lực lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của 2 tàu Trung Quốc. Hành động này đe dọa trực tiếp đến tính mạng, gây thiệt hại lớn đến tài sản của ngư dân đang khai thác thủy hải sản trên biển.
Cơ quan chức năng Việt Nam cần có biện pháp phản đối mạnh mẽ hành động của tàu Trung Quốc. Các cơ quan này cần yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ngư dân, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân; kiên quyết phối hợp ngăn chặn và xử lý những hành động tương tự để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển sản xuất.