Bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Bà Thái Anh Văn, ứng viên đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đối lập, tuyên bố chiến thắng đêm 16/1. Từ trụ sở của đảng DPP, bà Thái yêu cầu giới chức đảo Đài Loan phải kiên định để bảo vệ độc lập, tự chủ của hòn đảo. Bà Thái giành chiến thắng trong thời điểm cử tri Đài Loan bày tỏ sự lo lắng với nền kinh tế đang gặp khó khăn cũng như sự cải thiện quan hệ với Trung Quốc đại lục trong thời gian ông Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng nắm quyền, DW đưa tin.
Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu là người khá nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ với đại lục thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại giữa đôi bờ eo biển Đài Loan. Sự phụ thuộc vào kinh tế kéo theo các mối quan hệ gần gũi khác giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các cử tri phàn nàn họ không có nhiều lợi ích trong bối cảnh nền kinh tế Đài Loan đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 22 tới 24 ở Đài Loan đang ở mức 12%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của 23 triệu dân sống trên đảo. Trong năm 2014, số lượng lớn sinh viên Đài Loan đã biểu tình và chiếm tòa nhà quốc hội nhằm phản đối việc đàm phán hiệp định thương mại với đại lục của chính quyền ông Mã Anh Cửu. Nó khiến DPP và bà Thái có thêm nhiều sự ủng hộ.
Chiến thắng của bà Thái Anh Văn không chỉ giúp bà trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của đảo Đài Loan mà còn phản ánh sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các cử tri không muốn gần gũi hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Thái cũng đứng trước những thách thức lớn, trong đó có việc cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh.
Trung Quốc luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ trong khi đảng của bà Thái có quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, khi trở thành lãnh đạo của Đài Loan, bà Thái khẳng định ưu tiên của bà trong quan hệ với đại lục là “duy trì hiện trạng hòa bình và ổn định” dù bà từng cảnh báo mọi hành động khiêu khích từ phía Trung Quốc đại lục sẽ không được chấp nhận.
Bà Thái và đảng DPP từ chối công nhận quan điểm “một Trung Quốc” để thống nhất Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Trong khi đó, phía Bắc Kinh cảnh báo họ sẽ không làm việc với bất cứ nhà lãnh đạo nào không thừa nhận nguyên tắc này.
Có nhiều cách để giải thích chính sách “một Trung Quốc” nhưng Bắc Kinh coi nó là sự lý giải của “đồng thuận năm 1992”, thỏa thuận nhằm làm nền tảng cho sự ấm lên của mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Bà Thái không tỏ ra đồng tình nhưng cũng chưa phủ nhận “đồng thuận năm 1992” dù luôn tuyên bố độc lập của đảo Đài Loan.
Trên thực tế, đại lục cũng nắm giữ nhiều “phương tiện” có thể gây áp lực với chính quyền của bà Thái như kinh tế, ngoại giao hay ảnh hưởng chính trị nếu không muốn nhắc đến hàng trăm tên lửa đang hướng về phía đảo Đài Loan. Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Đài Loan.
Theo các nhà phân tích, khủng hoảng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục khó có thể nổ ra. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ khó dự đoán và xen lẫn nhiều căng thẳng hơn so với 8 năm qua, thời gian ông Mã Anh Cửu nắm quyền.