Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đi 7 quãng đồng nhậu rồi mang bệnh có đáng?

"Ăn nhậu vui nhưng không đáng gì với nỗi buồn phải tiễn người thân ra đi vì dịch. Đi 7 quãng đồng ăn nhậu rồi mang theo Covid-19 về có đáng không?", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Kiểm soát dịch và kinh doanh ăn uống tại chỗ là hai chủ đề được đưa ra bàn luận tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 29/10. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, tham gia trả lời câu hỏi của người dân liên quan chủ đề trên.

Tại chương trình, người dân đặt câu hỏi về việc bộ tiêu chí yêu cầu nhà hàng, quán ăn ở các quận, huyện (trừ quận 7 và TP Thủ Đức) không được bán rượu, bia có đang làm khó các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan trả lời chủ trương của thành phố là nới lỏng từng bước một nhưng không chủ quan. Trong giai đoạn dịch, TP cấm hết các loại hình kinh doanh ăn uống, sau đó cho mở dần để bán mang về và giờ cho bán tại chỗ với các điều kiện như hoạt động 50% công suất, đảm bảo 5K...

"Khi Ban Quản lý an toàn thực phẩm tham mưu cho TP về việc cấm bán rượu, bia thì cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng tôi muốn người dân hiểu rằng giai đoạn này vẫn phải đề cao cảnh giác, nhất là khi uống rượu, bia, người dân có xu hướng tụ tập, không ai uống một mình", bà Lan nói.

quan nhau mo cua o TP.HCM anh 1

Nhiều người ở các quận, huyện khác rủ nhau sang quận 7 và TP Thủ Đức ăn nhậu sau khi hàng quán ở hai địa phương này được cho phép bán rượu, bia. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng thời, bà cho biết trong giai đoạn giãn cách vừa qua, TP.HCM ghi nhận một trường hợp đầu tiên bị ngộ độc rượu. Sau khi điều tra, lực lượng chức năng phát hiện đây là rượu không rõ nguồn gốc và người dân đã lạm dụng cồn công nghiệp để chế biến thành rượu.

"Nếu bạ đâu nhậu đó thì người dân không chỉ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh mà còn có thể mất mạng", bà Lan khuyến cáo.

Về việc cho phép thí điểm hàng quán ở quận 7 và TP Thủ Đức được bán rượu, bia, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết việc này nhằm đáp ứng mong mỏi của một bộ phận người dân. Nhưng nếu không cẩn thận, sau 2 tuần thí điểm mà con số ca nhiễm tại hai khu vực này tăng cao, cơ sở kinh doanh ăn uống trên toàn thành phố có thể không được bán rượu, bia nữa.

Trả lời câu hỏi về việc nhiều người dân ở quận khác sang quận 7 và TP Thủ Đức để ăn nhậu, bà Lan cho biết việc này không thể cấm nhưng người dân cần có ý thức để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người khác. Mặc dù đã yêu cầu 5K và quét mã QR khi đến quán, người trên cùng một bàn rất khó đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch.

"Uống rượu thì vui nhưng không đáng gì so với nỗi buồn khi phải tiễn người thân ra đi vì dịch bệnh. Đi 7 quãng đồng tới nơi ăn nhậu, rồi về 'khuyến mãi' thêm Covid-19 thì liệu có đáng không?", bà Lan đặt câu hỏi và cho biết nếu người dân chủ quan, thành quả chống dịch thời gian qua của TP sẽ "đổ sông đổ bể".

Đồng thời, bà cho biết việc hàng loạt quán nhậu ở quận 7 và TP Thủ Đức mở cửa "tưng bừng" hai ngày qua là không đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Theo đó, TP giao cho UBND quận 7 và TP Thủ Đức xác định cấp độ dịch của từng địa bàn của mình để cho phép có bán rượu, bia hay không, chứ không phải cứ quán ở hai địa phương này là được bán đồ uống có cồn.

Do đó, việc người dân cần làm là xác định mức độ dịch ở địa bàn có quán mình đến ăn uống, để tự đảm bảo an toàn cho bản thân.

Đêm đầu ăn nhậu tại quán, nhiều người bị CSGT TP.HCM xử phạt

Tối 28/10, một số phường ở TP Thủ Đức và quận 7 (TP.HCM) cho phép nhà hàng, quán ăn bán đồ uống có cồn tại chỗ, nhiều người vi phạm bị CSGT xử phạt.

Người dân TP.HCM hẹn qua quận 7, TP Thủ Đức uống bia

Sau 5 tháng ngừng hoạt động, ngày 28/10 một số hàng quán có phục vụ rượu, bia ở quận 7 và TP Thủ Đức mở cửa đón khách trở lại.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm