Dù chỉ là tạm thời, động thái này đánh dấu sự chệch hướng đầu tiên của Đức trong chính sách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân khởi động từ năm 2000, đồng thời cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng năng lượng, vì 3 nhà máy này chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức là Isar 2 ở phía nam bang Bavaria, Neckarwestheim 2 ở Baden-Wurttemberg và Emsland ở Lower Saxony.
Quyết định này vẫn chưa được nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức thông qua và có thể sẽ cần một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Một số chi tiết vẫn đang được thảo luận, ba quan chức chính phủ cấp cao cho biết. Để đưa ra quyết định chính thức, các nhà lãnh đạo cũng sẽ cần phải chờ kết quả đánh giá nhu cầu năng lượng của Đức - dự kiến có trong những tuần tới, nhưng các quan chức cho biết đây là điều có thể đoán trước.
Dù quá trình có thể mất vài tuần, chính phủ tin rằng hai điều kiện chính cho phép kéo dài tạm thời hoạt động của ba nhà máy đã được đáp ứng: Đức thiếu khí đốt, và hoạt động của lò phản ứng không gây nguy cơ mất an toàn. Theo kế hoạch trước đây, các nhà máy sẽ bị đóng cửa vào ngày 31/12.
“Các lò phản ứng vẫn an toàn cho đến ngày 31/12 và rõ ràng là chúng sẽ vẫn an toàn sau ngày 31/12”, một quan chức cấp cao cho biết.
Sự xáo trộn bên trong nước Đức
Kế hoạch này một lần nữa nhấn mạnh sự xáo trộn không chỉ trong kinh tế mà còn cả trong chính trị Đức kể từ cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.
Chỉ ít lâu sau khi Nga tấn công, Thủ tướng Scholz đã chuyển sang tăng cường chi tiêu quân sự và giao vũ khí cho Ukraine, phá vỡ chủ nghĩa hòa bình nhiều năm cũng như lệnh cấm giao vũ khí tấn công trong các khu vực xung đột. Động thái duy trì 3 nhà máy hạt nhân, dù có giới hạn và tạm thời, sẽ phá vỡ điều cấm kỵ thứ ba lâu nay trong chính trị Đức.
Một trạm khí của đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters. |
Ông Scholz đã ám chỉ về quyết định này vào tuần trước, cũng là lần đầu tiên ông tính đến việc giữ lại những lò phản ứng hạt nhân cuối cùng của nước này.
Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế, cơ quan giám sát năng lượng, nói rằng việc đưa ra quyết định sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá liên tục về nhu cầu điện của Đức.
Quyết định này sẽ không phải là “liều thuốc” hiệu quả cho tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng của Đức vào mùa đông năm nay. Đất nước này chủ yếu thiếu khí đốt tự nhiên, được sử dụng phần lớn để sưởi ấm và sản xuất.
Bằng cách duy trì các nhà máy, chiếm khoảng 6% sản lượng điện của đất nước, Berlin sẽ tránh được việc sử dụng điện than hoặc khí đốt để thay thế cho điện hạt nhân tại một số nhà máy. Điều này cũng cho phép tiết kiệm hơn phần nào khí đốt để sử dụng ở những khu vực chưa thể thay thế bằng nhiên liệu khác.
Các nhà máy than đá cũng đã được mở cửa trở lại để ngăn chặn tình trạng thiếu điện sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt hồi tháng 6. Quyết định trên đang làm phức tạp hóa kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính và giảm ô nhiễm không khí của Berlin theo cam kết chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2030, đồng nghĩa cắt giảm ít nhất 65% lượng khí thải so với mức của năm 1990.
Chính phủ cũng đã soạn thảo hai sắc lệnh hành pháp vạch ra các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt và điện năng ở nước này trong hai năm tới, bao gồm việc hạ nhiệt độ sưởi trong các tòa nhà công cộng. Cơ quan quản lý năng lượng của quốc gia này ước tính sẽ cần phải cắt giảm 20% mức tiêu thụ khí đốt nếu Đức muốn tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông năm nay và năm tới.
Nhà máy điện ở Bexbach, Đức, đang tích trữ than để chuẩn bị quay trở lại sản xuất năng lượng hết công suất. Ảnh: Washington Post. |
Hiện vẫn chưa rõ các lò phản ứng sẽ được gia hạn hoạt động trong bao lâu. Ba quan chức cho biết việc gia hạn sẽ chỉ kéo dài trong vài tháng. Các nhân vật hàng đầu trong đảng Dân chủ Tự do, một trong các bên của liên minh cầm quyền, cho biết nhà máy có thể hoạt động đến năm 2024.
Một số quan chức nói kế hoạch chỉ áp dụng cho 3 nhà máy cuối cùng còn hoạt động, Berlin không xem xét mở lại các nhà máy đã ngừng hoạt động trước đó.
Rào cản
Việc mở rộng lại hoạt động sản xuất điện hạt nhân đầy rẫy những rào cản về kỹ thuật, luật pháp và chính trị. Chính phủ có thể cần sửa đổi luật nhằm cho phép các lò phản ứng hoạt động và thu mua các thanh nhiên liệu mới. Có thể cần phải có chứng nhận phức tạp cũng như bảo hiểm và các thủ tục xử lý chất thải hạt nhân.
Việc này cũng nhạy cảm về mặt chính trị. Chính sách loại bỏ hạt nhân do đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh - hai đảng đứng đầu trong liên minh cầm quyền hiện tại - khởi xướng và đã trở thành một phần bản sắc của các đảng, đặc biệt là đối với đảng Xanh, vốn ra đời từ phong trào chống hạt nhân.
Các chính trị gia hàng đầu của đảng Xanh đã chấp nhận gia hạn ngắn hạn việc sản xuất điện hạt nhân. Ludwig Hartmann, lãnh đạo nghị viện của đảng Xanh ở bang Bavaria, nói rằng hoạt động của các lò phản ứng có thể kéo dài trong “vài tháng” nếu khu vực này đối mặt với nguy cơ thiếu điện.
Những người bảo thủ đối lập, đảng của cựu Thủ tướng Angela Merkel, người đã thúc đẩy rất nhiều việc loại bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, hiện cũng ủng hộ việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy.
Dù việc thoát khỏi năng lượng hạt nhân được rất nhiều người ủng hộ, một cuộc khảo sát gần đây của nhóm thăm dò Forsa Institut cho thấy 75% người dân Đức muốn hoãn kế hoạch đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng.
Nhà máy điện hạt nhân ở Gundremmingen, Đức, đã bị dừng hoạt động vào cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả liên minh châu Âu (EU) cũng đang tạo áp lực để Đức hoãn đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân, như một phần nỗ lực chung của khối nhằm quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập.
Tuy nhiên, Bộ Kinh tế và Môi trường, do Robert Habeck thuộc đảng Xanh đứng đầu, đã tiến hành một cuộc thử nghiệm căng thẳng hồi đầu năm nay. Kết quả cho thấy các lò phản ứng hạt nhân sẽ không giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn.
Sau khi Nga cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang Đức tới 80% vào tháng trước, ông Habeck đã yêu cầu một phân tích thứ hai, rộng hơn, có tính đến khả năng thiếu khí đốt trong mùa đông này.
Bên cạnh đó, một số nhóm môi trường đã thông báo họ sẽ có hành động pháp lý chống lại quyết định hoãn đóng cửa nhà máy.