Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì nguy cơ thiếu điện, người Đức xem xét lại nguồn năng lượng 'cấm kỵ'

Năng lượng hạt nhân là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất ở Đức suốt ba thập kỷ. Nhưng với việc Nga cắt nguồn khí đốt, người Đức buộc phải xem xét lại những điều "cấm kỵ".

Khi cựu Thủ tướng Angela Merkel quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima (Nhật Bản), bà đã đưa nước Đức vào con đường trở thành nền công nghiệp hàng đầu duy nhất trên thế giới từ bỏ loại năng lượng này.

Từ thời điểm đó, Berlin đã sử dụng khí đốt của Nga và lên kế hoạch tự cung cấp nhiên liệu thông qua quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, 11 năm sau, với nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt, người kế nhiệm của bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz, đang phải cân nhắc khả năng đảo ngược quyết định quan trọng này.

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các tính toán địa chính trị của châu Âu đã bị đảo lộn. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa tham vọng dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của châu Âu, theo New York Times.

Nghị viện châu Âu gần đây đã thực hiện một bước đi gây tranh cãi - phân loại một số năng lượng khí đốt và điện hạt nhân là năng lượng “xanh”. Ở Hà Lan, quá trình khai thác khí đốt cũng đang được xem xét lại. Tại Bỉ và Đức, cuộc tranh luận đã chuyển sang duy trì hoạt động của các nhà máy hạt nhân - điều từng là không tưởng chỉ vài tháng trước đây.

Khơi lại cuộc tranh luận

Tuần này, Thủ tướng Scholz lần đầu công khai thừa nhận kế hoạch đóng cửa 3 nhà máy hạt nhân cuối cùng của Đức - đỉnh điểm lời hứa phi hạt nhân của bà Merkel - có thể không còn khả thi.

Ông nói việc tiếp tục vận hành 3 nhà máy hạt nhân cuối cùng ở Đức sau ngày 31/12 có thể sẽ có ý nghĩa. Ông nhấn mạnh quyết định này không đến từ mong muốn của chính phủ, mà do áp lực đối với hệ thống điện của Đức trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Tuyên bố của ông Scholz phản ánh phần nào suy nghĩ đau đáu trong tâm trí nhiều người Đức hiện nay. Theo các cuộc thăm dò gần đây, trên 80% số người tham gia nói rằng họ phải xem xét lại chủ đề năng lượng - vốn có thể dẫn đến những cuộc tranh luận gây chia rẽ và xúc động nhất kể từ ngày thống nhất.

“Chúng tôi đang có những cuộc thảo luận mà chúng tôi từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ lặp lại”, Rosi Steinberger, đại biểu Quốc hội ở khu vực phía nam bang Bavaria, cho biết.

“Điều này thật đau đớn. Nhưng chúng tôi đang sống dưới cái bóng của cuộc xung đột ở Ukraine”, bà nói khi làm việc trong văn phòng tối tăm để tiết kiệm điện.

Đối với các chính trị gia như bà Steinberger, lời thừa nhận đó có lẽ khó khăn hơn so với những người từ bất kỳ đảng phái nào khác của Đức.

Bà Steinberger đến từ đảng Xanh - tổ chức hình thành từ phong trào bảo vệ môi trường và các cuộc biểu tình chống hạt nhân.

khung hoang nang luong chau Au anh 1

Ngôi làng Wattenbacherau nằm dưới chân nhà máy điện hạt nhân Isar 2, Đức. Ảnh: New York Times.

Trước năm 2011, con đường “phi hạt nhân” ở Đức chưa được hình thành. Trên thực tế, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel vốn ủng hộ điện hạt nhân từ lâu. Chính phủ của bà cũng đã đấu tranh kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.

Bà bảo vệ quan điểm đó với lý lẽ rằng năng lượng nguyên tử là “công nghệ bắc cầu”, mở đường cho hệ thống năng lượng tái tạo ở Đức.

Tuy nhiên, thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima vào năm 2011 (ở Nhật Bản) đã buộc cựu thủ tướng phải thay đổi. Người Đức, vốn chia rẽ từ lâu về các vấn đề hạt nhân, đã chuyển sang phản đối. Và bà Merkel quyết định đình chỉ 7/17 nhà máy điện hạt nhân.

Bà lập luận rằng thảm họa Fukushima, ở một đất nước công nghệ cao như Nhật Bản, là một "bước ngoặt đối với toàn thế giới".

Nhiều năm sau đó, Đức vẫn tiếp tục theo đuổi lộ trình phi hạt nhân. Ngay cả khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt với nhiên liệu hóa thạch Nga, Bộ trưởng Năng lượng Xanh của Đức thà tái kích hoạt các nhà máy than sử dụng nhiều carbon, hơn là khơi lại vấn đề điện hạt nhân.

Phản ứng trái chiều

Người Đức thời trước lớn lên với cuốn tiểu thuyết “Những đứa trẻ cuối cùng của Schewenborn”, kể về hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thế hệ ngày nay xem phim kinh dị “Dark” trên Netflix, về một thị trấn sống trong bóng tối đáng sợ của một nhà máy hạt nhân.

Nhưng trong thế giới thực, những người sống ngay dưới các cột hơi nước trắng xóa của nhà máy hạt nhân Isar 2 lại chẳng mảy may lo sợ như đồng hương của họ.

“Tôi đã ở đây 30 năm”, ông Hans Königsbauer, 67 tuổi, một người bán thịt đã nghỉ hưu, từ tốn chăm sóc những luống hoa trong vườn đối diện với nhà máy. “Kể từ khi họ xây dựng nó. Tôi không sợ gì cả", ông nói.

Đề cập đến việc nhà máy không được kiểm tra toàn diện kể từ năm 2009 - điều mà những người phản đối thường cho là rủi ro lớn - ông Königsbauer bình thản nói: “Họ kiểm tra an toàn hai tháng một lần. Thế là an toàn rồi".

khung hoang nang luong chau Au anh 2

Thành phố Landshut nằm trên bờ sông Isar, gần hai nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: New York Times.

Kathy Mühlebach-Sturm, đại diện của nhóm hoạt động vì môi trường BUND ở khu vực ông Königsbauer đang sống chia sẻ cô hiểu vì sao nhiều người dân địa phương cảm thấy bối rối trước sự lo lắng của một số người Đức về năng lượng hạt nhân. “Nhưng tôi nhìn nhận theo cách khác”, cô nói.

Giống như hầu hết người dân Bavaria, những hồi ức về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 ở Ukraine luôn hằn sâu trong tâm trí cô. Khi ấy, một đám mây bụi phóng xạ trút xuống nhiều vùng ở Đức. Xung đột quanh các nhà máy hạt nhân ở Ukraine hiện dường như đang khiến những hồi ức này sống dậy.

Mühlebach-Sturm nhớ lại cách cô và các bậc cha mẹ khác "điên cuồng" lái xe hàng trăm km để mua sữa từ những người nuôi bò ăn cỏ khô được thu hoạch trước những trận mưa bụi ô nhiễm.

Đến tận ngày nay, sau 36 năm, các quan chức ở Bavaria cho biết vẫn còn khoảng 15% lợn rừng được kiểm tra sau khi giết mổ bị nhiễm phóng xạ.

Ngoài dư âm từ những hồi ức cũ, những người phản đối việc mở rộng năng lượng hạt nhân ở Đức cũng lập luận rằng các nhà máy sẽ chỉ tác động hạn chế đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Năng lượng hạt nhân chủ yếu chuyển sang điện, trong khi khí đốt nhập khẩu được sử dụng để sưởi ấm các ngôi nhà và một số ngành công nghiệp.

“Đó chỉ là 1% thiếu hụt mà chúng tôi cần bù đắp do thiếu hàng nhập khẩu từ Nga”, ông Simon Müller, giám đốc của Agora Energiewende, tổ chức tư vấn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhận định.

Tuy nhiên, ông Müller cho biết việc tiếp tục duy trì các nhà máy có thể vẫn có ý nghĩa, không phải đối với Đức mà đối với châu Âu. Các quốc gia châu Âu thường chia sẻ điện năng, nên việc nhà máy điện hạt nhân ở Pháp bị cúp điện có thể trở thành một lý do chính đáng để duy trì nguồn điện hạt nhân ở Đức.

Trong khi đó, ông Alexander Putz, thị trưởng của Landshut, nhớ lại khi còn là một thiếu niên, ông từng tham gia các cuộc biểu tình chống hạt nhân. Nhưng giờ đây, sau nhiều năm làm kỹ sư, sự hiểu biết về vấn đề an toàn giúp ông không còn lo lắng về việc sống gần nhà máy Isar 2.

“Tôi hoàn toàn hiểu (nỗi sợ của) mọi người và tôi cũng không muốn chúng ta phải làm điều đó”, ông nói về việc gia hạn thời gian hoạt động cho các lò phản ứng hạt nhân. "Nhưng chúng ta đang gặp khủng hoảng".

Mỏ than 'hồi sinh' ở Đức

Việc thiếu hụt năng lượng do mất đi phần lớn nguồn cung nhiên liệu từ Nga đã buộc Đức phải mở lại các mỏ than đã đóng cửa.

Đầu não điều phối dòng vũ khí đổ vào Ukraine

Một nhóm chuyên gia quân sự làm việc trên căn gác mái của Bộ Tư lệnh châu Âu, ở phía nam nước Đức, đang điều phối toàn bộ dòng vũ khí từ hơn 40 quốc gia đổ vào Ukraine.

Hải Linh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm