Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 5/6, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ bà rất ngạc nhiên trước cách ứng xử với tư cách là một cán bộ, đảng viên của ông Đoàn Ngọc Hải.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hôm qua, ông Đoàn Ngọc Hải ký đơn từ chức ngay sau khi nhận quyết định điều động làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên.
“Đây là ứng xử với tổ chức, đưa ra công luận như vậy làm cho người dân rất khó hiểu về công tác cán bộ của mình”, bà Tâm nói và cho rằng dù có thể có những vấn đề nội bộ, điều đó phần nào “thiếu tôn trọng với tổ chức”.
Đánh giá về năng lực, bà nhìn nhận ông Hải là người có năng lực tốt, tâm huyết trong công việc. Tuy nhiên, cán bộ này có một số cách ứng xử với công việc và người dân chưa được như mong muốn.
Ứng xử mang tính cá nhân
- Trước đây Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có kết luận về những sai phạm liên quan tới ông Đoàn Ngọc Hải, vì sao kết luận đó chưa được công bố?
- Tôi nghĩ có công bố, nhưng phạm vi công bố thế nào thì theo quy định. Thanh tra nào cũng có công bố kết luận thanh tra. Lãnh đạo chỉ đạo rất minh bạch. Thậm chí tôn trọng tới mức sau thanh tra rồi, sau khi bàn bạc, có định hướng công tác cán bộ, rồi khi anh Hải đề đạt ý kiến thì chúng tôi vẫn xem xét lại.
Việc anh Hải xin từ chức ngay sau khi vừa nhậm chức là cách ứng xử mang tính cá nhân.
Thành phố rất tôn trọng, cầu thị, quan tâm để tạo điều kiện cho cán bộ phát triển, nhưng phải có sự hợp tác giữa đôi bên, giữa cá nhân với tổ chức. Tổ chức tôn trọng cá nhân thì cá nhân cũng phải tôn trọng tổ chức.
Ông Đoàn Ngọc Hải nhận quyết định điều động về làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên. Ảnh: Báo SGGP. |
- Nội dung kết luận kiểm tra đó như thế nào, liệu nó có phải là yếu tố tác động đến thái độ của ông Đoàn Ngọc Hải?
- Tôi nghĩ cái đó rất công bằng, minh bạch, không có gì khúc mắc ở đây cả. Kết luận thế nào thì không thể nói được vì thanh tra, kiểm tra phải bằng văn bản, giấy tờ và do cơ quan chức năng có trách nhiệm công khai chuyện đó.
Bây giờ tôi nói ở đây mà nó thiếu trước hụt sau thì không chuẩn. Tôi mong muốn có sự phản ánh trung thực, khách quan để người dân có cái nhìn đúng bản chất vấn đề đó chứ đừng bóp méo, làm căng quá. Vì đó là vấn đề phát sinh trong công tác cán bộ thôi.
Phải có lộ trình
- Bà nói đánh giá cao năng lực và sự tâm huyết của ông Đoàn Ngọc Hải, vậy bà nhận định thế nào về việc làm sạch vỉa hè mà ông Hải tạo ra, vốn đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận?
- Trong quản lý trật tự đô thị, ai cũng muốn gọn gàng, sạch sẽ và đi vào nề nếp, nhưng thực tế là phải có lộ trình. Tức là cũng phải tính đến công ăn việc làm của người dân, chính quyền muốn làm gì cũng phải tính đến điều kiện sinh hoạt và kinh doanh của người dân.
Chính quyền cần tạo ra khung pháp lý, điều kiện, giúp cho người dân cách mưu sinh. Một gánh xôi bên lề đường giúp họ nuôi sống cả gia đình, nuôi con học hành tử tế và thực ra cũng là giải quyết vấn đề của xã hội chứ không phải chuyện cấm chỗ này, đuổi chỗ kia.
Ông Đoàn Ngọc Hải khi còn xuống đường dẹp vỉa hè. |
Người dân dù có sai chăng nữa thì thái độ tôn trọng, lịch sự, cầu thị của người thi hành công vụ cũng phải có chuẩn mực. Những điều này đặt ra đòi hỏi trong việc xem xét, bố trí cán bộ sao cho phù hợp với nhiệm vụ và môi trường mà cán bộ đó công tác.
Quá trình điều động hay phân công anh Hải, chúng tôi đã rất nhiều lần trao đổi trực tiếp với anh ấy. Chúng tôi cũng phân công những người có trách nhiệm gặp gỡ, trao đổi và có cân nhắc đến môi trường mới, phân công làm sao để anh Hải phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Tôi nghĩ cách làm công tác cán bộ đã rất thấu đáo để phát huy được sự nhiệt thành của cán bộ, sở trường của cán bộ.
Còn việc giữ trật tự đô thị của thành phố không phải một người làm mà cả hệ thống chính trị làm, trong đó vai trò quyết định là của người dân. Mình cần tạo sự đồng thuận, phải tuyên truyền, nhắc nhở, phải kiên trì và đặc biệt tạo môi trường tốt để người dân cùng tham gia.