Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bà Kamala Harris sẽ là cảm hứng cho nhiều trẻ em gái Việt Nam

Các bạn trẻ Việt Nam mong chờ chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ sẽ là tin tức tích cực giữa dịch bệnh, và hy vọng bà là cảm hứng cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

pho tong thong my sang viet nam anh 1

Một ngày ngay trước thềm bà Kamala Harris - phó tổng thống Mỹ - tới Việt Nam, nhiều bạn trẻ chia sẻ với Zing bản thân nóng lòng chờ đợi chuyến thăm đặc biệt này.

“Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam”, Thanh Tâm - biên kịch tại công ty truyền thông HFL Media - cho hay.

Minh Phương - 22 tuổi, sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao - nhận định với Zing: “Chuyến đi này có thể trở thành cột mốc lớn trong mối quan hệ 2 nước, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19”.

Một số người cũng để ý việc bà Harris là nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, và chỉ riêng vị trí này cũng khiến bà trở thành niềm cảm hứng cho công việc của nhiều bạn trẻ tại Việt Nam hiện tại, đặc biệt là nữ giới.

"Bà Harris là người phá vỡ nhiều giới hạn của nước Mỹ. Điều đó mở đường cho những người phụ nữ khác phá vỡ giới hạn, trước tiên là của chính bản thân họ", Hoa Lê, đồng sáng lập The good WE - Cộng đồng Phụ nữ và Phát triển, nhận xét.

Luồng tin tức tích cực giữa dịch bệnh

Việc một phó tổng thống Mỹ, đặc biệt là nữ phó tổng thống, sẽ đặt chân tới Việt Nam trở thành tin tức tích cực giữa lúc dịch bệnh vẫn hoành hành và Hà Nội đang phải áp dụng Chỉ thị 16.

“Mình mong chờ chuyến thăm này với hai lý do. Thứ nhất, mình muốn biết nữ chính khách Mỹ sẽ nói gì, chia sẻ điều gì với người Việt trong chuyến đi này”, Huyền Trang - 21 tuổi, hiện làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung - chia sẻ với Zing.

Ngoài ra, Trang cảm thấy thông tin về chuyến đi giống như một “luồng gió mới”, mang lại năng lượng tích cực và có tính truyền cảm hứng tới cộng đồng.

Chuyến thăm còn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao trên nhiều lĩnh vực vào năm 2020.

"Bà Kamala Harris là người có vai trò lớn trong đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tôi đang chờ đợi bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác của hai nước qua chuyến thăm này", Lê chia sẻ.

Một hình mẫu về "giới hạn của phụ nữ"

Đối với một số bạn trẻ, Harris không chỉ là một chính trị gia, mà còn là hình mẫu phụ nữ xuất chúng, dám theo đuổi và đạt những điều mình mong muốn. Nhiều bạn trẻ đều khẳng định chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris sẽ phần nào ảnh hưởng tới cách nhìn của xã hội về vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực.

Thanh Tâm nhận định bà Harris sẽ mở rộng giới hạn suy nghĩ của mọi người, không kể giới tính, sắc tộc và tôn giáo, tạo cảm hứng cho trẻ em, đặc biệt là bé gái, có thể ước mơ lớn và thực hiện những điều to lớn.

pho tong thong my sang viet nam anh 2

Từng là thành viên truyền thông của JCI (Liên đoàn lãnh đạo và Doanh Nhân trẻ thế giới) tại Hà Nội, Thanh Tâm đã viết nhiều tuyến bài thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Ảnh: NVCC.

“Mình rất mong chờ một ngày nào đó mình cũng sẽ như những người phụ nữ đó - cống hiến, xông pha, tận tâm và không có giới hạn. Tuổi trẻ đáng để mình dồn hết tâm sức vào một mục đích hay ý tưởng nào đó”, Trang nói.

Trang cho biết trong tương lai, cô mong muốn đóng góp và xây dựng chương trình phát triển tư duy cho trẻ em gái. Ý tưởng này xuất phát từ khi Trang học lớp 7, sau khi đọc cuốn sách Totto-chan bên cửa sổ của tác giả Tetsuko Kuroyanagi.

Hình ảnh cô bé tò mò, xông xáo Totto-chan khiến Trang cảm thấy rằng trẻ em luôn muốn khám phá mọi thứ. Tuy nhiên, đến một độ tuổi, các bé phải quay lại hệ thống giáo dục. Các bé gái thường được kỳ vọng sẽ dễ nghe lời bố mẹ hơn, sẵn sàng từ bỏ tư duy bản thân. Trang muốn thay đổi những kỳ vọng này.

“Mình luôn tin giữa phái nam và phái nữ không có khoảng cách về năng lực và đam mê. Tuy nhiên rõ ràng xã hội vẫn luôn có giới hạn nhất định khiến những người phụ nữ khi muốn bứt phá cần rất nhiều cân nhắc và đánh đổi”, Trang nêu suy nghĩ.

Phương nhận định dù trong xã hội hiện đại, vẫn còn rất nhiều định kiến đã ăn sâu vào trong văn hoá, tôn giáo và chuẩn mực và khó thay đổi như phụ nữ chỉ được làm việc nhà, làm việc “phù hợp với nữ giới”, còn việc to, việc lớn, việc khó là của đàn ông. Ở nhiều nơi, quan niệm tiêu cực về khả năng lãnh đạo của phụ nữ vẫn tồn tại, cho rằng các vị trí lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chính trị, là "thiên chức" của nam giới.

“Những định kiến đó khiến phụ nữ không mạnh dạn dấn thân vào những vị trí cao trong xã hội, làm giảm cơ hội và ngăn cản phụ nữ cống hiến một cách bình đẳng với nam giới”, Phương chia sẻ. “Chuyến thăm của bà Harris có thể thúc đẩy cái nhìn mới về vị trí của phụ nữ trong xã hội, rằng việc trao quyền, trao cơ hội phát triển cho phụ nữ là điều nên làm”.

Về phần Hoàn, bởi bà Harris là người có kinh nghiệm về chính sách, Hoàn "hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi và hợp tác với Mỹ để giải quyết khó khăn, thách thức trong triển khai dự án bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em".

Ở một mặt khác, Tâm cho rằng dù tin tức bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống Mỹ đã phần nào ảnh hưởng tích cực, song vẫn chưa thực sự rộng rãi, sâu sắc tới bạn trẻ Việt Nam. Cô hy vọng việc truyền thông đưa nhiều về chuyến thăm và con người bà Harris sẽ trở thành đòn bẩy khiến nhiều bạn trẻ thực sự chú ý tới người phụ nữ này và câu chuyện đầy cảm hứng của bà.

Đây cũng là góc nhìn mà Hoa Lê đồng tình.

"Mình nghĩ rằng chuyến thăm này của bà Harris sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông, theo cách đó, câu chuyện về hành trình đầy nỗ lực không ngừng nghỉ của bà sẽ được lan tỏa đến những người phụ nữ, bé gái Việt Nam", Lê nhận định.

pho tong thong my sang viet nam anh 3

Chuyến đi của Hoa Lê hỗ trợ phụ nữ dân tộc Vân Kiều bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở Hướng Hóa, Quảng Trị tháng 11/2020. Ảnh: NVCC.

Trong chuyến đi hỗ trợ phụ nữ ở Quảng Trị trong đợt lũ ở miền Trung tháng 11/2020, Lê chứng kiến nhiều câu chuyện về trẻ em, phần lớn là em gái, phải nghỉ học từ cấp 1 để phụ giúp bố mẹ làm đồng và làm việc nhà.

Lê nhận thấy chỉ có giáo dục là giải pháp để trẻ em gái và phụ nữ thoát khỏi vòng lẩn quẩn bế tắc. Dự định lâu dài của Lê là đóng góp vào chính sách, sáng kiến để tuyên truyền và tạo điều kiện cho trẻ em gái được tiếp cận giáo dục.

Vận động viên nam được mô tả sức mạnh, tuyển thủ nữ bị nói về nụ cười

Ngôn ngữ và bình luận không phù hợp trên truyền thông về vận động viên nữ chính là dấu hiệu cho thấy sự tình dục hóa và phân biệt giới tính vẫn diễn ra tại Olympic Tokyo 2020.

Phụ nữ Afghanistan chìm trong hoang mang

Cuộc sống của phụ nữ ở Afghanistan đột ngột đảo lộn. Họ sống trong lo sợ, tìm nhiều cách chạy trốn, song vẫn mắc kẹt ở nơi tương lai vô vọng.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm