Bốn ngày sau khi Taliban tràn vào thủ đô Kabul bất ngờ và chóng vánh, đường phố ở thủ đô Afghanistan hầu như không còn hình bóng của phụ nữ, theo Guardian.
Phụ nữ "biến mất" trên đường phố
Trên đường phố, có thể bắt gặp một vài người phụ nữ mặc burqa màu xanh trùm kín mít, một loại trang phục Hồi giáo, vốn không phổ biến ở Kabul cho đến bây giờ. Phụ nữ khoác lên mình trang phục dài màu đen thường thấy ở các nước Trung Đông và Arab.
Tất cả phụ nữ ra đường phải đi cùng một giám hộ nam giới - đây là yêu cầu mà Taliban đã áp đặt trên khắp đất nước. Việc tự đi chợ tưởng chừng là nhiệm vụ đơn giản song đã trở thành cực kỳ nguy hiểm đối với phụ nữ.
Thật khó tin khi chỉ cách đây vài ngày, phụ nữ còn đi lại nhộn nhịp trên phố xá ở Kabul, trước khi Taliban tràn vào Afghanistan. Giờ đây, họ chỉ bước đi nhanh chóng trong sợ hãi, mắt liên tục để ý các chiến binh Taliban tuần tra trên những con phố sôi động một thời.
Nhiều bà chủ đã đóng cửa hàng, nhà hàng của mình. Tất cả salon làm đẹp đều đóng cửa, trừ tiệm cắt tóc nam. Ảnh: Shutterstock. |
Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan, tất cả trung tâm giáo dục, trường học, đại học, các tòa nhà chính phủ và văn phòng tư nhân đã bị đóng cửa.
Bà Laila Haidari, chủ nhà hàng Taj Begum, đã viết trên trang cá nhân của mình: “Thế giới của chúng ta đã thay đổi mãi mãi. Taj Begum đã không còn nữa”. Haidari cùng với nhiều bà chủ khác đã đóng cửa nhà hàng của mình sau khi Kabul thất thủ.
Một nhà hàng nổi tiếng khác cách đó vài trăm mét do phụ nữ kinh doanh cũng đã đóng cửa. Các nhà hàng và quán cà phê ở Kabul vẫn mở cửa nhưng không có nhân viên nữ hoặc khách hàng. Tất cả salon làm đẹp trên toàn thành phố đều đóng cửa, trừ tiệm cắt tóc nam.
Một tài xế taxi kể rằng từ khi Taliban kiểm soát Kabul, số lượng khách hàng nữ của ông giảm hẳn. “Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái sử dụng dịch vụ của chúng tôi là những người sống một mình. Vì họ không có người giám hộ nam nên giờ họ thậm chí không thể ra khỏi nhà", ông nói.
An ninh sụp đổ
Không có luật pháp hay nhân viên an ninh; không có cảnh sát hoặc điều phối giao thông đảm bảo trật tự trên các con đường.
Một người dân ở Kabul cho biết anh đã chứng kiến cảnh các tay súng Taliban điều khiển xe cảnh sát đi ngược chiều giữa đường với tốc độ cao.
Các chiến binh Taliban điều khiển xe cảnh sát ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters. |
Pol e Sorkh, trung tâm văn hóa và giáo dục nổi tiếng của giới trẻ Afghanistan, đã không còn sôi động như trước. Đường sá vắng tanh, ngoại trừ bóng dáng một vài người đàn ông dáng vẻ buồn bã, chán nản đi trên đường.
Cứ vài trăm mét là thấy các tay súng Taliban. Xe cảnh sát đi trên đường, nhưng bên trong là các chiến binh Taliban.
Taliban đã kiểm soát tất cả các văn phòng chính phủ ở Kabul, ngoại trừ các đại sứ quán và lá cờ trắng của họ đã thay thế quốc kỳ của Afghanistan. Những người phụ nữ giữ chức vụ cao trong chính phủ Afghanistan đều từ chối phỏng vấn của báo chí.
Ngày 19/8 là kỷ niệm 102 năm ngày Afghanistan độc lập. Hàng trăm người đã cố gắng giương cao lá cờ 3 màu của Afghanistan ở tỉnh Nangarhar, nhưng đã bị Taliban chĩa súng bắn.
Tình hình ở Kabul giống như một con sóng trong đại dương có thể thay đổi bất cứ lúc nào, theo Guardian. Không có luật pháp, ngoại trừ những luật hạn chế của Taliban khiến nhiều người không thể chịu đựng nổi. Tất cả ngân hàng và cửa hàng đổi tiền đều đóng cửa. Mọi người luôn trong trạng thái thấp thỏm vì sợ hãi và căng thẳng.
Người Afghanistan lo sợ một cuộc nội chiến khác như những năm 1990 sẽ nổ ra. “Tôi không ngủ được. Tôi lo lắng về những gì sắp xảy ra. Tôi hy vọng Afghanistan sẽ không trải qua một cuộc nội chiến và sắc tộc nào khác”, một người dân Kabul nói.