"Điều quân đội đi". Với bài bình luận trên báo New York Times kêu gọi can thiệp quân sự đối với các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton đẩy mình vào tầm ngắm của giới truyền thông.
Mặc dù tuyên bố của ông, rằng "trách nhiệm cơ bản của chính phủ là duy trì trật tự và an toàn công cộng", lặp lại quan điểm của Bắc Kinh, nhà lập pháp từ Arkansas dường như là một trong những người cứng rắn nhất với Trung Quốc ở Washington. Hai người khác cũng là các thượng nghị sĩ Cộng hòa: Josh Hawley từ Missouri và Marco Rubio của Florida, theo Nikkei Asian Review.
Từ trái qua: Marco Rubio, Tom Cotton và Josh Hawley. Ảnh: Reuters. |
Cực lực phản đối Trung Quốc
Gần đây, tên của họ đã luôn hiện diện mỗi khi cơ hội lên án Trung Quốc xuất hiện, thường đi kèm với những lời lẽ hùng hồn và những đề xuất quyết liệt đôi khi được Nhà Trắng chọn.
Chúng bao gồm dự luật của hai ông Rubio và Cotton về việc hủy niêm yết đối với các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, hay việc ông Cotton kêu gọi hạn chế sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc đến Mỹ vì an ninh quốc gia.
Ba thượng nghị sĩ trên đã đề xuất hàng chục dự luật nhắm vào Trung Quốc, trong các lĩnh vực từ vấn đề Hong Kong đến nền tảng chia sẻ video TikTok, do công ty Bytedance có trụ sở tại Bắc Kinh sở hữu và điều hành, đôi khi phối hợp cùng nhau.
Và khi viễn cảnh chiến tranh lạnh trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc phủ bóng giai đoạn cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ba người vươn lên thành những ngôi sao trong giới chính trị gia bảo thủ.
"Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa được cho là đang chuẩn bị để ra tranh cử tổng thống vào năm 2024" - ông Cotton, 43 tuổi, ông Hawley, 40 tuổi và ông Rubio, 49 tuổi - "tất cả đều chỉ trích chính phủ Trung Quốc nói dối về virus corona khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới", theo Matthew Continetti, nghiên cứu viên thường trú tại Viện American Enterprise, tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách thiên hữu.
"Trẻ trung và phi chính thống" là những từ ông Montinetti dùng để mô tả 3 thành viên trẻ tuổi của đảng Cộng hòa, những người "đầu tiên nhận ra mức độ nghiêm trọng của những thách thức bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc".
Khi số người chết vì virus ở Mỹ liên tục gia tăng, ba chính trị gia đã tăng cường kêu gọi "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm", đề xuất một số dự luật nhằm trừng phạt Trung Quốc cũng như giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng y tế của nước này.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley, người trẻ nhất ở Thượng viện Mỹ, lên án Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ngôi sao đang lên
Ông Hawley, người trẻ nhất trong ba người - và trẻ nhất tại Thượng viện Mỹ hiện nay - cũng là người đầu tiên tại quốc hội công khai yêu cầu Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm đi lại đối với Trung Quốc, hành động mà vị tổng thống hiện liên tục sử dụng làm bằng chứng chứng minh ông đã hành động nhanh chóng để đối phó với đại dịch.
Sự thống nhất giữa ông Hawley và Nhà Trắng về Trung Quốc được chứng kiến gần nhất vào tháng trước khi ông có bài phát biểu dài gần 20 phút tại Thượng viện Mỹ, lên án Bắc Kinh, chỉ vài giờ trước khi Nhà Trắng công bố báo cáo dài 16 trang về cách tiếp cận chiến lược của mình với đối thủ châu Á, cáo buộc Trung Quốc tìm cách "thay đổi trật tự quốc tế để phù hợp với lợi ích và ý thức hệ".
"Trật tự quốc tế như chúng ta đã biết trong 30 năm đang bị phá vỡ", ông Hawley nói, sử dụng ngôn ngữ gần giống với báo cáo của Nhà Trắng.
"Giờ đây Trung Quốc đang tìm cách xây lại thế giới theo tầm nhìn của riêng họ, và bẻ cong nền kinh tế toàn cầu theo ý muốn của riêng họ".
Là con trai của một viên chức ngân hàng, tốt nghiệp Stanford và Yale, và thường xuyên được chú ý vì "cuộc chiến với Big Tech", ông Hawley nổi lên nhanh chóng kể từ khi - hoặc thậm chí trước khi - ông đến Đồi Capitol vào tháng 1/2019.
"Josh là ngôi sao. Không có nhiều ngôi sao như vậy", ông Trump nói trước chiến thắng của thượng nghị sĩ này trong cuộc đua thượng viện năm 2018 ở bang Missouri.
Tổng thống Mỹ cũng rất thích ông Cotton, người đến từ thị trấn nhỏ bé Dardanelle với dân số 4.575 người ở Arkansas, có hai bằng của Harvard và từng tham gia chiến tranh Iraq.
Ông Cotton, nhậm chức vào năm 2015 sau một nhiệm kỳ tại Hạ viện Mỹ, từng được cho là lựa chọn hàng đầu của ông Trump chỉ hai năm sau đó cho vị trí lãnh đạo CIA, thay thế người bây giờ là Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Vị thượng nghị sĩ có dáng vẻ nghiêm nghị được biết đến vì ủng hộ tấn công quân sự nhằm vào Iran, trước khi đẩy mạnh việc chỉ trích Trung Quốc trong năm 2018.
Trong bài phát biểu tại Viện Hudson hồi đầu năm ngoái, ông Cotton đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton được biết đến vì ủng hộ tấn công quân sự nhằm vào Iran, trước khi đẩy mạnh việc chỉ trích Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ăn miếng trả miếng
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Rubio, "tiền bối" của hai ông Hawley và Cotton, xuất thân trong một gia đình nhập cư từ Cuba, từ lâu đã nổi tiếng là "diều hâu" với Trung Quốc.
Ông lần đầu được bổ nhiệm làm đồng chủ tịch của Ủy ban Quốc hội - Chính phủ về Trung Quốc vào năm 2015 và trở thành chủ tịch vào năm 2017, năm mà ông Cotton gia nhập ủy ban này.
Mặc dù ông Rubio và ông Trump từng lời qua tiếng lại với nhau khi họ là đối thủ trong bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, hai người cùng không tán thành những nỗ lực của Washington nhằm giao thiệp với Trung Quốc dưới thời các chính quyền trước đó.
"Quá nhiều người trong giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của chúng ta đã hài lòng với hiện trạng ở Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến việc các quyền và tự do cơ bản của con người bị từ chối", ông Rubio nói vào năm 2015 khi ông chủ trì một phiên điều trần.
"Trên thực tế, chính sách của Mỹ nhắm vào việc giao thiệp với Trung Quốc, từ bỏ các lợi thế và nguyên tắc của Mỹ", ông nói.
Trong khi ủng hộ việc doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, ông Rubio cũng muốn chính phủ Mỹ áp dụng chính sách công nghiệp để chống lại chính sách của Bắc Kinh.
Giống như các cuộc tấn công nhằm vào những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google và Facebook cùng những lời kêu gọi thường xuyên về việc kiểm soát các công ty này bằng luật lệ, vốn đã làm sự nghiệp của ông Hawley, việc ông Rubio thúc đẩy sự hỗ trợ của nhà nước trong các ngành như sản xuất được coi là đi ngược lại quan điểm chính thống về thị trường tự do của đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio từ lâu nổi tiếng là diều hâu với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Song như ông Rubio nhìn nhận, lịch sử thực hành thương mại không công bằng của Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải đáp trả tương tự.
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước của họ trong khi làm suy yếu chúng ta", ông Rubio, người cũng là chủ tịch Ủy ban Doanh nghiệp nhỏ và Khởi nghiệp của Thượng viện Mỹ, cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 12 tại Đại học Quốc phòng.
"Về lâu dài, đó là một cuộc cạnh tranh mà những người theo chủ nghĩa chính thống về thị trường sẽ không giành chiến thắng", ông cảnh báo.
Xét cho cùng, "thế kỷ này sẽ được định hình bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Rubio nói. "Nguy cơ không thể cao hơn được nữa".