Tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND Hà Nội chiều 14/7, lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) đề cập đến các lợi thế to lớn mà thủ đô đang nắm giữ. So với các tỉnh, thành, Hà Nội có nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa, truyền thống rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định, Hà Nội đang có "3 cái nhất". Hệ thống hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ. Ảnh: Viết Thành. |
Ông Định đánh giá cao nguồn lực đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cao nhất cả nước và dẫn đầu về các nghiên cứu khoa học và số lượng công bố quốc tế. "Chính vì thế, tác động của KHCN với phát triển kinh tế, xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất cả nước", Thứ trưởng Định nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho rằng thành phố cần thành lập các trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng các "startup" có vai trò thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia.
"Hà Nội hiện có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học sống ở Hà Nội, phần lớn tinh hoa cả nước đang tập trung tại đây", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TP phấn đấu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy mong muốn Bộ KH-CN và TP Hà Nội phối hợp hiệu quả trên các lĩnh vực như xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù cũng như thử nghiệm những mô hình kinh tế mới.
Bên cạnh đó, ngành khoa học cần hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Bộ hợp tác với Hà Nội xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu kết nối với toàn quốc.