Bà Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt giữ vào ngày 1/2 cùng các lãnh đạo dân cử của Myanmar. Bà đáng lẽ được trả tự do vào ngày 15/2. Tuy nhiên, luật sư Khin Maung Zaw của bà nói với truyền thông rằng một thẩm phán tại tòa án ở thủ đô Naypyitaw cho biết thời hạn tạm giam bà Aung San Suu Kyi đã được kéo dài đến ngày 17/2.
"Chuyện này công bằng hay không, tự mọi người có thể suy xét", luật sư Khin Maung Zaw nói.
Một thành viên của nhóm luật sư cho biết thẩm phán đã nói chuyện với bà Suu Kyi qua hình thức gọi video trực tuyến. Được biết, chính trị gia 75 tuổi đã hỏi liệu mình có thể thuê luật sư hay không.
Người dân Myanmar biểu tình kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Ảnh: Reuters. |
Cuộc binh biến ngày 1/2 và vụ bắt giữ bà Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo dân cử khác đã làm dấy lên cuộc biểu tình lớn nhất tại Myanmar trong hơn một thập kỷ qua. Quân đội sau đó cáo buộc bà Aung San Suu Kyi đã "nhập khẩu và sử dụng không phép" 6 thiết bị liên lạc cầm tay (bộ đàm).
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường trên khắp Myanmar trong 10 ngày để phản đối cuộc chính biến. Họ cho rằng sự kiện này đã làm xáo trộn quá trình dân chủ hóa của quốc gia Đông Nam Á. Đám đông cũng kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Vào ngày 14/2, cảnh sát đã nổ súng để giải tán những người biểu tình tại một nhà máy điện ở miền Bắc Myanmar mặc dù không rõ họ sử dụng đạn cao su hay đạn thật. Hiện chưa có thông tin về thương vong trong vụ đàn áp.
Chính phủ lâm thời đang phải đối mặt với cuộc đình công của công chức, một phần trong phong trào bất tuân dân sự đang làm tê liệt nhiều chức năng của chính phủ.
Đầu ngày 15/2, chính phủ đã cắt Internet và điều động lực lượng vũ trang trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình. Internet sau đó đã được khôi phục. Quân đội và xe bọc thép được nhìn thấy ở nhiều thành phố.
Tuy vậy, nhiều đám đông người biểu tình vẫn tụ tập ở nhiều nơi trên khắp Myanmar, từ thành thị đến nông thôn.
Nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 400 người đã bị giam giữ kể từ khi cuộc chính biến diễn ra. Tại thành phố Dawei, miền Nam Myanmar, 7 sĩ quan cảnh sát đã rời hàng ngũ để tham gia những người biểu tình chống đảo chính.
Chính phủ mới của Myanmar do quân đội kiểm soát cho đến nay vẫn không bị lay chuyển trước làn sóng lên án của dư luận quốc tế.
Một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 12/2 đã kêu gọi chính phủ mới trả tự do cho tất cả những người "bị giam giữ vô cớ" và trao lại quyền lực cho chính quyền của bà Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, chính quyền khẳng định họ đã nắm quyền một cách hợp pháp và chỉ thị cho các nhà báo trong nước không gọi họ là nhà nước nắm quyền nhờ đảo chính.