Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bà 60 tuổi lang thang trưa nắng hơn 40 độ C tìm sách cho cháu

Đó là người bà 60 tuổi đi khắp gian hàng trong hội sách để tìm được cuốn phù hợp nhằm giúp bà dễ dàng hơn trong việc dạy cháu ngoại.

Giữa hội sách đông đúc mái đầu xanh, một vài mái tóc bạc phơ nổi bật. Thời tiết, tuổi tác không cản bước họ, nụ cười mãn nguyện trên gương mặt đồi mồi khi họ tìm được cuốn sách hay.

Muốn tự làm điều gì đều phải dựa vào sách

Hơn 12h trưa ngày 20/4, đã là ngày thứ ba hội sách mừng ngày Sách Việt Nam diễn ra. Một người phụ nữ (giấu tên), 60 tuổi, nhà ở Tôn Thất Tùng tới hội sách với đồ ăn, nước uống. Trưa, bà ngồi ở khu sân khấu nghỉ ngơi, ăn lót dạ và bảo ngày mai sẽ quay lại để có thể đi tới hết các gian hàng trong hội tìm sách.

“Tôi mua sách để giữ cháu ấy mà”, bà nói. Cuốn sách mà bà mua được là Phương pháp giáo dục Montessori. Người phụ nữ kể bà có hai cháu ngoại, một cháu 6 tuổi đã đọc được tiếng Việt và tiếng Anh. Cháu thứ hai 3 tuổi chưa biết đọc, nên bà tìm mua những cuốn sách về phương pháp giáo dục sớm, sách phù hợp với cháu để tìm hiểu thêm.

Bà kể mình có hai con gái, trước đây do điều kiện nên con bà không đi học thêm hay học ở trung tâm. Bà tự dạy con và các con đã trưởng thành, nên giờ cũng muốn tự dạy các cháu. “Khi mình tự làm điều gì thì phải dựa vào sách. Có những cuốn người ta hướng dẫn cụ thể, mình tìm mua để hiểu, áp dụng”, bà nói.

Nguoi cao tuoi tim sach o hoi anh 1
Nhiều người ở tuổi ông, bà tới hội để tìm sách về nuôi, dạy cháu. Ảnh minh họa: Hoàng Đông.

Người phụ nữ có dáng vẻ mộc mạc bảo sách để áp dụng nuôi dạy con cháu là ưu tiên số một, bên cạnh đó bà cũng đọc sách về văn hóa, lịch sử như một thú vui. Bà nói: “Tuổi tôi có người sẽ thích shopping (đi mua sắm), travel (du lịch), nhưng tôi chỉ thích sách. Đó là cái vừa dễ tìm, dễ học theo, vừa với điều kiện của mình”.

Trong số những cuốn sách bà đọc, các cuốn về cựu tổng thống Mỹ Obama hay sách về Hillary Clinton khiến bà ấn tượng. Nhưng tác phẩm tâm đắc nhất với bà gần đây là cuốn Giỏi tiếng Anh không tốn mấy đồng của tác giả Phương Đặng. Bà thích cuốn ấy vì có triết lý, tư tưởng giống bà: có thể tự học tiếng Anh, tự học mọi điều qua sách mà chẳng hề tốn kém.

Hội sách không chỉ có hoạt động mua bán còn có nhiều sự kiện giao lưu tác giả với độc giả. PGS Đặng Anh Đào ngoài 80 tuổi cũng tới hội sách để dự một buổi ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử của tác giả Trần Thùy Mai. Vị học giả uyên thâm không chỉ ngồi nghe, chúc mừng bạn, mà còn đưa ra những nhận xét về tác phẩm mới mà bà đã đọc. PGS Đặng Anh Đào ghé vài gian hàng mua sách. Bên cạnh sách nghiên cứu, chuyên sâu, sở thích của bà là những tác phẩm văn học trinh thám.

"Tuổi chúng tôi có gì vui thú hơn đọc sách"

Tại công viên Thống Nhất, dưới cái nắng đầu hè oi ả, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và một người bạn vui mừng khi không hẹn mà gặp nhau ở hội sách. Trên tay ông là một bịch sách vừa mua được. Ông bảo hội sách nào ở Hà Nội cũng đi, từ chương trình vào ngày 21/4, hay hội ở Hoàng thành Thăng Long vào tháng 10 đều có mặt.

“Tôi vẫn mua sách hàng tuần tại các hiệu sách. Ngày nay chỉ cần nhấp chuột là có sách mang tới tận nhà, nhưng tôi vẫn muốn tới hội. Đó là niềm vui của người đi tìm sách, chứ không phải đi mua sách”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

Nguoi cao tuoi tim sach o hoi anh 2
GS Hồ Ngọc Đại (giữa) vui mừng khi không hẹn mà gặp nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và người bạn ở Hội sách. Ảnh: Tần Tần.

Theo vị chủ biên bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, niềm vui của ông là tới hội sách tìm những cuốn mà giờ đây không còn là mốt, những tác phẩm về những giá trị, để xem sách xuất bản ngày nay nói gì về những giá trị ấy… Vừa nói, GS Hồ Ngọc Đại mở túi sách ông vừa mua được ra, trong đó có những cuốn mà ông cho là hữu ích như: Ngày cuối trong đời Socrate (Plato), Đạo giáo…

Ngoài việc tìm kiếm các tác phẩm cần đọc, GS Hồ Ngọc Đại cũng thích không khí của hội sách. Ông nói: “Đến đây ta sẽ hiểu dân trí của mình như thế nào. Hầu hết ở đây là thanh niên, chứng tỏ lớp trẻ bây giờ hiện đại, họ quan tâm tới nhiều thể loại sách, cách chọn sách của họ khác chúng tôi, một số bạn chọn sách chuyên ngành, sách kinh điển, nhiều bạn chọn sách đọc thêm cho vui. Nhưng dù đọc sách gì, đọc với mục đích nào thì điều đó vẫn là lành mạnh”.

Vị giáo sư cho biết ông thường xuyên đọc sách như một thói quen. Mỗi ngày đều có một đến ba tiếng đọc sách. “Tuổi chúng tôi có gì vui khác lớn hơn là tri thức. Đọc thì mới biết cuộc sống đây đó như thế nào. Khi đã viết thành sách, đó là kiến thức tương đối chính xác, hoàn chỉnh. Sách ra mắt do người ta phải suy nghĩ viết ra, người biên tập, người in, người phát hành, nên một cuốn ta cầm trên tay đó là thành tựu. Sách là sự sống của xã hội, tôi đọc sách, báo hàng ngày là thế”.

Nếu GS Hồ Ngọc Đại đọc sách hàng ngày như một thói quen, nếp sinh hoạt, thì có những người coi việc đọc là thú vui. Ông Võ Văn Liên (phố Nam Ngư, Hoàn Kiếm, Hà Nội), năm nay 86 tuổi là một trong những người như thế.

Ở tuổi 86, ông Liên vẫn khỏe mạnh, tự đi xe tới hội. Ông nói: “Tôi thường đi mua sách một mình như cái thú. Hiệu sách tôi cũng mua, có những cuốn phải tìm trên mạng, nhưng thích nhất là đi hội”. Điều ông Liên thích nhất là ở hội sách vở phong phú, đa dạng. Bình thường, nếu đến một hiệu sách mua thì khó có thể tìm được cuốn mình cần, còn ra hội tha hồ lựa chọn, tìm kiếm. Thậm chí có những cuốn ông chưa tìm được, người ta còn hẹn sẽ về tìm khi nào có sẽ gửi tới.

Nguoi cao tuoi tim sach o hoi anh 3
Với ông Võ Văn Liên, tuổi hưu trí không gì vui hơn đọc sách. 

Nghỉ hưu hơn 20 năm nay, ông Liên có sách vở là bầu bạn, niềm vui. Tới hội, ông tìm mua những cuốn văn học cổ điển, tìm những gì có tính chất truyền thống Việt Nam để tăng hiểu biết.

“Chiến lợi phẩm” mà ông Liên thu được sau buổi sáng ở hội là các cuốn Hồ thượng thư gia lễ (tác giả là Hồ Sĩ Dương từng làm thượng thư, soạn ra các phong tục, lễ giáo trong gia đình). Cuốn 1001 mẹo vặt trong gia đình ông mua về để gia đình có thêm các kỹ năng xử lý những tình huống trong gia đình; Thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam, Bác Hồ viết di chúc (hồi ký của Vũ Kỳ) là hai cuốn sách mà cung cấp các kiến thức ở lĩnh vực mà ông Liên yêu thích…

“Tôi làm báo, nay về hưu. Để làm phong phú đời sống thì phải đọc sách. Tuổi như tôi lấy đó làm thú vui”, ông Liên nói. “Văn hóa đọc” là một khái niệm rộng, là sự đọc nói chung. Chúng ta đọc mạng Internet cũng là đọc chứ. Nhưng khi đọc sách, tác phẩm ấy hay, thâm thúy, thấm lâu vào tâm hồn”, ông Liên tiếp lời.

Khuyến khích trẻ đọc sách để giảm bạo lực học đường và vô cảm

Nhà văn của thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh, tác giả sách Nguyễn Thị Ngọc Minh cùng các nhà báo và nhà giáo đóng góp ý kiến giúp trẻ em có thói quen đọc sách tại tọa đàm sáng 19/4.





Tần Tần

Bạn có thể quan tâm