Vài ngày sau khi Triều Tiên thử nghiệm quả bom mà giới chức nước này gọi là bom nhiệt hạch, Mỹ đã điều máy bay ném bom hạng nặng Boeing B-52 Stratofortress tới răn đe. “Pháo đài bay” chiến lược B-52 lướt qua căn cứ không quân Osan, nằm cách biên giới Triều Tiên khoảng 70 km. Đây là mẫu máy bay chiến đấu tầm xa, có khả năng trang bị nhiều loại bom, trong đó có bom hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Ảnh: AFP |
Chiếc B-52 làm nhiệm vụ răn đe được hộ tống bởi 2 máy bay F-15 của không quân Hàn Quốc và 2 chiếc F-16 của không quân Mỹ. Khi diễu qua căn cứ không quân Osan, tất cả những máy bay đều duy trì độ cao thấp. Ngoài khả năng mang bom, các giá treo dưới cánh của B-52 giúp nó trang bị các loại tên lửa, bao gồm cả tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Ảnh: AP |
Máy bay ném bom chiến lược cất cánh từ căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam, nằm giữa Thái Bình Dương. Theo giới chức quân sự Mỹ, chiếc B-52 vượt qua 6.500 km để làm nhiệm vụ răn đe Triều Tiên. Chúng hiện diện khoảng 4 phút ở khu vực biên giới liên Triều. Ảnh: AFP |
Binh sĩ tại căn cứ không quân Osan, thuộc tỉnh Pyeonteaek, có thể nhìn thấy rõ chiếc B-52 khi nó diễu qua. B-52 là mẫu máy bay thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn nhằm đối phó với các hoạt động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc B-52 áp sát biên giới liên Triều là việc hiếm khi xảy ra. Trong lần Triều Tiên thử nghiệm bom hạt nhân năm 2013, Không quân Mỹ cũng thực hiện chuyến bay răn đe tương tự. Thậm chí, Lầu Năm Góc còn từng điều máy bay ném bom tàng hình B-2 tới khu vực trong sự kiện năm 2013. Ảnh: AFP |
Đi vào hoạt động từ năm 1955, những chiếc B-52 có khả năng mang 31,5 tấn vũ khí với vận tốc gần 1.000 km/h. Nó có thể bay liên tục 14.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Không quân Mỹ liên tục cải tiến B-52 để đáp ứng những yêu cầu tác chiến mới. Ảnh: Reuters |
Máy bay F-15 của Hàn Quốc (bên dưới) và 2 chiếc F-16 của Mỹ (bên trên) hộ tống chiếc B-52. Mỹ luôn khẳng định Hàn Quốc được “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ bảo vệ. Ảnh: AFP |
Việc Mỹ điều B-52 áp sát biên giới liên Triều gặp phải sự phản ứng từ phía Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã yêu cầu các nhà khoa học chế tạo những quả bom nguyên tử tốt hơn để đối phó với kẻ thù. Ảnh: AFP |