Kế hoạch đầy tham vọng này này là sản phẩm hợp tác của công ty công nghệ sinh học Colossal (Mỹ) và Đại học Melbourne (Australia), Guardian đưa tin ngày 16/8. Hồi năm 2021, Colossal cũng đã công bố dự định “hồi sinh” voi ma mút và gửi chúng tới Bắc Cực.
Trong khi đó, Đại học Melbourne đã nhận được một khoản từ thiện trị giá 5 triệu USD để mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu phục hồi bộ gene của chó sói Tasmania. Trước đó, họ đã giải mã thành công bộ gene của một cá thể hồi năm 2017. Đây là “đề cương hoàn chỉnh về cách tạo ra một con chó sói Tasmania”, giáo sư Andrew Pask, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.
Còn được biết đến với tên gọi “hổ Tasmania” nhờ bộ lông vằn vện, chó sói Tasmania từng sinh sống trên khắp Australia, nhưng môi trường sống bị thu hẹp về đảo Tasmania từ khoảng 3.000 năm trước. Sau khi người châu Âu đặt chân đến đây, chúng bị săn bắt ở quy mô lớn. Cá thể được biết đến cuối cùng đã qua đời trong môi trường nuôi nhốt năm 1936.
Chú chó sói Tasmania tên Benjamin được coi là cá thể cuối cùng của loài. Ảnh cắt từ một đoạn phim được quay năm 1933. Benjamin qua đời năm 1936. Ảnh: NFSA/New Atlas. |
Các nhà khoa học dự định lấy các tế bào gốc từ dunnart - một loài thú có túi với ADN gần giống hổ Tasmania - và biến chúng thành các tế bào tương tự loài động vật đã tuyệt chủng nhờ công nghệ biến đổi gene được giáo sư George Church, nhà sáng lập Colossal, phát triển.
Các tế bào gốc này sẽ được sử dụng để tạo thành phôi và sẽ được đưa vào một tử cung nhân tạo hoặc từ cung của một con dunnart để phát triển. Nếu thành công, loài vật mới được “hồi sinh” sẽ được trả về tự nhiên.
“Chúng ta phải tìm kiếm các công nghệ và phương pháp khác nếu muốn ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học”, giáo sư Pask nói.