Trên ô cửa sổ một gian hàng ở ngoại ô Annandale (Sydney), xuất hiện một tấm biển thông báo: "Khách hàng thân mến, chúng tôi sẽ phải đóng cửa thời gian tới, vì trong 18 tháng qua Thủ tướng Scott Morrison chỉ đặt mua đủ vaccine cho 4% dân số".
Nội dung thông báo trên phần nào đã thể hiện nỗi thất vọng của một bộ phận người dân Australia đối với chiến lược ứng phó với Covid-19 trong giai đoạn mới của chính phủ, CNN nhận định.
Sydney, thành phố lớn nhất Australia với 5 triệu dân sinh sống, cùng với nhiều địa phương lân cận đang trong đợt phong tỏa mới nhất kéo dài hai tuần, bắt đầu từ ngày 26/6.
Tới nay, chùm ca lây nhiễm của biến thể Delta (lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ) ở khu vực Bondi (Sydney) - nguyên nhân chính của đợt phong tỏa mới - đã tăng lên 130 trường hợp.
Trước đây, Australia từng là điểm sáng trên thế giới vì thành tích chống dịch trong giai đoạn đầu. Trên cơ sở đó, nền kinh tế nước này đã có cơ hội quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Dù vậy, dường như sự chủ quan đã len lỏi trong cách hành động của chính phủ Australia. Điều này phần nào được thể hiện qua việc ngành y tế nước này chưa thể bảo đảm nguồn vaccine nhằm đối phó với tình trạng dịch bệnh kéo dài, theo CNN.
Trong khi đó, các cửa ngõ của Australia được kiểm soát nghiêm ngặt trong thời kỳ đại dịch hầu như đã đóng kín hơn một năm qua. Giờ đây, câu hỏi dấy lên trong công chúng Australia là tình trạng trên còn tiếp diễn đến khi nào nữa.
Khó khăn kéo dài
Ông James Powditch, người có cửa hàng ở Sydney, cho biết: “Chúng tôi không thể rời đi, mọi người cũng không thể bay đến. Và Australia sẽ kết thúc các đợt phong tỏa với những thiệt hại nặng nề".
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy người Australia bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những hạn chế trong đại dịch. Hôm 27/6, nhiều người thậm chí đã tụ tập trên bãi biển Bondi bất chấp lệnh phong tỏa.
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy người Australia bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những hạn chế trong đại dịch. Hôm 27/6, nhiều người thậm chí đã tụ tập trên bãi biển Bondi bất chấp lệnh phong tỏa.
Trong khi quy định chỉ cho phép người dân tập thể dục ngoài trời, nhiều cư dân ở bờ biển đã ra tận hưởng bầu không khí, ngồi trên các băng ghế và thưởng thức đồ uống dưới ánh mặt trời mùa đông ở Australia (nơi trải qua chu kỳ bốn mùa trái ngược với Bán cầu Bắc).
Trong khi đó, lệnh phong tỏa kéo dài 48 giờ cũng được áp dụng tại Vùng lãnh thổ Bắc Australia, bao gồm cả thủ phủ Darwin, do bốn ca Covid-19 được phát hiện liên quan đến công nhân tại một mỏ vàng.
Chính quyền cho rằng người này đã nhiễm bệnh khi lưu trú tại Brisbane, do khách sạn nơi anh nghỉ lại được dùng làm nơi cách ly các trường hợp nghi mắc Covid-19. Nhà chức trách cũng đang áp dụng các biện pháp truy vết đối với khoảng 900 công nhân vùng mỏ đã phân tán về các địa phương trên khắp cả nước.
Người dân Sydney vẫn ra ngoài bất chấp lệnh phong tỏa hôm 26/6. Ảnh: CNN. |
Lưỡng lự khi đi tiêm chủng
Trong số các quốc gia phát triển, Australia là một trong những quốc gia có số ca mắc và tử vong bình quân đầu người thấp nhất. Nước này ghi nhận hơn 30.000 ca dương tính và 910 trường hợp tử vong trong tổng số 25 triệu dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế phần nào đươc phục hồi, lĩnh vực du lịch và giáo dục quốc tế tại Australia đang đương đầu với những khó khăn lớn.
Các trường đại học có đông sinh viên từ các quốc gia khác đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí hoạt động. Trong khi đó, nhiều người Australia thường đi du lịch nước ngoài nay cũng chưa thể tiếp tục thực hiện các chuyến đi mới.
Ngay cả New Zealand - quốc gia duy nhất duy trì việc đi lại với Australia - đã vừa thông báo tạm đóng cửa biên giới ba ngày do lo ngại về các nguy cơ lây bệnh.
Theo dữ liệu của Our World in Data, Australia mới chỉ tiêm chủng cho hơn 4% dân số, so với hơn 46% ở Mỹ và 47% ở Anh.
Tỷ lệ này tương đương với Indonesia, Ấn Độ, và hầu hết nước đang phát triển khác. Các quốc gia thuộc nhóm này vốn không đạt được thỏa thuận với các công ty dược phẩm, khi các doanh nghiệp đã cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine đến các nước giàu có trên thế giới.
CNN nhận định rằng nguyên căn của vấn đề đến từ tâm lý do dự đối với vaccine Covid-19 của người dân Australia.
Theo một cuộc khảo sát của The Sydney Morning Herald, có khoảng 14% người được hỏi "nhiều khả năng" sẽ không tiêm và 15% người "hoàn toàn không muốn tiêm" vaccine trong những tháng sắp tới.
Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi xuất hiện lo ngại về tác dụng phụ của một số loại vaccine đối với cơ thể người tiêm chủng.
Trong khi đó, nhà chức trách Australia hy vọng quốc gia này sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, khi 80% dân số được tiêm chủng, trước khi mở cửa biên giới vào giữa năm 2022, như lời Thủ tướng Morrison từng nói trước đó.
Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Morrison đã chưa thể đưa ra lời cam kết mở cửa đất nước trước Giáng sinh năm tới. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Australia khẳng định nguồn cung vaccine sẽ tăng lên vào tháng 7, khi 600.000 liều Pfizer/BioNTech sẽ đến vào tuần tới.
Ông Morrison cũng cho biết Australia đã có những thỏa thuận mới đối với AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna.
"Trong năm nay, chúng tôi hướng tới mục tiêu sẽ cung cấp vaccine cho những người có nhu cầu, và sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vào nửa cuối năm", ông Morrison nói.
Thủ tướng Morrison cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Những vấn đề trước mắt
Trong khi đó, người dân cũng chỉ trích chính quyền ông Morrison vì không kịp đưa 36.000 công dân Australia bị kẹt ở nước ngoài về nước.
Các biện pháp hạn chế số lượng hành khách trước đó đã khiến việc đặt chỗ trên các chuyến bay gặp nhiều khó khăn, chi phí lại đắt đỏ. Không chỉ vậy, người đến Australia còn phải trả thêm chi phí cách ly lên đến hàng nghìn AUD (đơn vị tiền tệ của Australia).
Ngược lại, đối với những người nước ngoài đang ở Australia, việc trở về nước cũng gian nan không kém. Những ai có quốc tịch Australia hoặc định cư lâu dài tại đây đều phải được chính phủ Australia cho phép để có thể khởi hành về nước.
Theo một cuộc điều tra dân số của chính phủ năm 2016, có khoảng một nửa số người sống ở Australia được sinh ra ở nước ngoài, hoặc có bố hay mẹ là người nước ngoài.
Một cư dân ở Brisbane nói: "Tôi là người gốc Canada, và không biết khi nào tôi mới được gặp lại gia đình. Có lẽ tôi sẽ phải chờ ít nhất hai năm nữa".
Theo cô, quy trình tiêm chủng tại Australia đang gặp vấn đề.
"Tôi là nhân viên y tế trong danh sách được tiêm đầu tiên. Dường như đã có sự nhầm lẫn. Chúng tôi phải gửi email và sẽ được liên hệ khi chuẩn bị được tiêm vaccine. Nhưng sau đó họ thông báo rằng hãy cứ đến cơ sở tiêm chủng vì hệ thống bị lỗi", cô cho biết.
"Các điểm tiêm chủng vẫn chỉ mở cửa cho (những người) 50 tuổi trở lên, trong khi số ca lây nhiễm có độ tuổi trung bình từ 20-30 tuổi", nữ y tá nói thêm.
Trong khi đó, cô Katerina Vavrinec, người Czech sống tại Sydney, cho biết cô đã phải tìm đến các liệu pháp tâm lý sau khi lo âu quá nhiều. Cô đã phải xa cách gia đình và bèn bạn sau ba năm không được trở về quê hương ở Praha.
"Tôi hy vọng mọi người nhận ra rằng tình trạng đóng cửa hoàn toàn Australia sẽ không thể giúp chúng tôi thoát khỏi đại dịch", cô Vavrinec nói.