Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất của bóng đá hiện đại đó là Italy chỉ tập trung vào phòng ngự. Các cầu thủ Italy được coi là bậc thầy của nghệ thuật phòng ngự “Catenaccio”, một hệ thống chiến thuật ưu tiên việc ngăn chặn cơ hội ghi bàn của đối thủ.
Tuy nhiên, ở vòng chung kết Euro 2020, điều này không còn đúng hoàn toàn.
Matteo Pessina, cái tên đang để lại nhiều ấn tượng ở Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Điều thú vị ở Atalanta
Tuyển Italy của HLV Roberto Mancini ghi được 9 bàn thắng trước khi tiến vào trận tứ kết gặp tuyển Bỉ. Ngoài ra, trong tổng số 109 bàn thắng được ghi cho đến thời điểm hiện tại của Euro 2020 (không tính những tình huống phản lưới nhà), có đến 30 pha lập công do các cầu thủ đang chơi bóng ở Serie A ghi được.
Bundesliga, giải đấu hàng đầu của bóng đá Đức, đứng ở vị trí thứ 2 với 25 bàn, tiếp theo là Premier League với 20 bàn.
Theo Sky Sports, những cầu thủ đang chơi cho Juventus ghi nhiều bàn nhất tại Euro 2020. Tổng cộng, họ có 9 bàn thắng, trong đó 5 bàn thuộc về tiền đạo Cristiano Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha. Song, điều bất ngờ nằm ở đội đứng thứ 2, Atalanta. Những cầu thủ thuộc đại diện vùng Lombardia ghi được 7 bàn thắng cho đến lúc này.
“La Dea” (biệt danh của Atalanta) có đến 5 cầu thủ ghi bàn ở Euro 2020, nhiều hơn bất kỳ CLB nào khác. Xuyên suốt chiều dài lịch sử giải đấu, chỉ có 3 CLB làm được điều tương tự như Atalanta đó là Anderlecht (Euro 1984), Barcelona (Euro 2000) và Real Madrid (Euro 2012).
Các cầu thủ Atalanta điền tên mình lên bảng tỷ số là Aleksey Miranchuk (tuyển Nga), Robin Gosens (tuyển Đức), Mario Pasalic (tuyển Croatia), Joakim Maehle (tuyển Đan Mạch, 2 bàn), Matteo Pessina (tuyển Italy, 2 bàn). Tất cả đều là trụ cột từng giúp đội chủ sân Gewiss có lần thứ 3 liên tiếp được tham dự Champions League.
Sau 3 năm, Atalanta không còn là nhân vật chính trong một câu chuyện cổ tích. Tất cả nhờ vào một kế hoạch phát triển bền vững.
Bản báo cáo tài chính trong mơ
Atalanta đang để lại nhiều ấn tượng trên sân cỏ. Ngoài ra, đội bóng này còn gây tiếng vang nhờ những bản báo cáo tài chính.
Theo báo cáo của KPMG, Atalanta là một trong số ít các đội ở châu Âu giữ được mức tăng trưởng dương về doanh thu trong năm 2020 bất chấp những tác động tiêu cực về tài chính của đại dịch Covid-19.
Trong 5 năm qua, doanh thu của “La Dea” tăng gấp 3 lần, từ 70 triệu USD trong năm 2016 lên 182 triệu USD vào cuối năm 2020. Mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu nhờ vào việc họ thường xuyên góp mặt ở Champions League. Số tiền thu được từ đấu trường danh giá nhất châu Âu chiếm 40% tổng doanh thu của CLB.
Remo Freuler, Robin Gosens, Mario Pasalic... để lại nhiều ấn tượng ở Euro 2020. Ảnh: Getty Images. |
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, nguồn thu từ thương mại của Atalanta tăng 80%. Với việc đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát và sân Gewiss dần hoàn thành quá trình cải tạo, “La Dea” có cơ hội lớn để tiếp tục tăng thêm thu nhập từ lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, doanh thu của Atalanta còn đến từ những khoản tiền được cung cấp bởi Chủ tịch Antonio Percassi, người nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở Italy và Mỹ.
Ngược lại, số tiền Atalanta bỏ ra để vận hành CLB rất ít. Trong năm 2020, họ chỉ mất 88 triệu USD, số tiền rất nhỏ so với những gì Inter Milan và Juventus phải bỏ ra (lần lượt 236 triệu USD và 339 triệu USD).
Cuối cùng, một yếu tố không kém phần quan trọng giúp Atalanta từng bước cải thiện vấn đề tài chính của mình đó là sự khôn ngoan trên thị trường chuyển nhượng.
Đội ngũ tuyển trạch viên của HLV Gian Piero Gasperini làm việc rất hiệu quả. Điều này cộng với lộ trình đào tạo cầu thủ trẻ bền vững giúp Atalanta bán những cầu thủ tốt nhất của mình với giá cao và dễ dàng chiêu mộ những gương mặt mới để thay thế dù chỉ phải bỏ ra số tiền nhỏ.
Theo số liệu thống kê từ Transfermarkt, tiền vệ Amad Diallo, một sản phẩm của lò đào tạo trẻ Atalanta, được bán cho Man United vào mùa hè năm ngoái với giá 25 triệu USD.
Atalanta từng bỏ ra 4 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ chạy cánh Dejan Kulusevski vào năm 2016 và sau đó bán lại cho Juventus với giá 41 triệu USD hồi đầu năm 2020. Robin Gosens từng được “La Dea” chiêu mộ vào năm 2017 với giá 1,2 triệu USD. Bây giờ, giá trị của cầu thủ người Đức rơi vào khoảng 42 triệu USD.
Với màn trình diễn xuất sắc ở Euro 2020, những viên ngọc quý của Atalanta đang thu hút rất nhiều sự chú ý từ các CLB lớn. Hiện tại, người hâm mộ đang rất muốn biết bước đi tiếp theo của ban lãnh đạo đội bóng Bergamo.
Liệu họ sẽ tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh bằng cách bán những cầu thủ tốt nhất của mình cho các đội bóng khác với giá cao hay giữ chân các trụ cột để phục vụ cho kế hoạch ở mùa giải 2021/22?