Với màn hình OLED, thiết kế mỏng nhẹ cùng thời lượng pin tốt, Asus Vivobook 15X OLED tạo ra sự khác biệt trong dòng laptop phổ thông.
Là sinh viên, tôi sử dụng laptop chủ yếu để xem phim, nghe nhạc, soạn thảo văn bản, chỉnh ảnh và chơi một số game nhẹ. Do hầu bao không dư dả, tôi chỉ có thể chọn những mẫu laptop giá dưới 20 triệu đồng.
Trước đây, nhiều người cho rằng laptop dòng phổ thông cho sinh viên, nhân viên văn phòng có cấu hình yếu, thiết kế không chắc chắn và màn hình chất lượng kém. Tuy nhiên, các hãng máy tính đang cố gắng thay đổi định kiến ấy khi những model dưới 20 triệu đồng hiện nay đã sở hữu thiết kế mỏng nhẹ nhưng chắc chắn, màn hình đẹp và thời lượng pin tốt hơn.
Sau thời gian cân nhắc, tôi quyết định chọn mẫu Vivobook 15X OLED mới được Asus ra mắt. Không chỉ có ngoại hình mỏng nhẹ, máy còn sở hữu màn hình OLED, công nghệ trước đây chỉ có trên những laptop thuộc phân khúc cao cấp. Khi trải nghiệm thiết bị, tôi đã có cái nhìn hoàn toàn khác về laptop phổ thông.
Trong lần khởi động đầu tiên, màn hình của Vivobook 15X OLED mang đến sự khác biệt. Không còn hiện tượng hở sáng đặc trưng của tấm nền LCD, màn hình OLED của Vivobook 15X hiển thị màu đen sâu, cho cảm giác dịu mắt hơn.
Để làm nổi bật ưu điểm của tấm nền OLED trên Vivobook 15X, Asus sử dụng màu nền đen cho màn hình “Welcome” của Windows, dù quá trình khởi động chỉ diễn ra trong khoảng 3 giây nhờ ổ cứng SSD với tốc độ khá cao.
Trên Vivobook 15X OLED, Asus cũng kích hoạt sẵn giao diện tối (Dark Mode), kết hợp hiệu ứng đổ bóng của Windows 11 để nhấn mạnh khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ, độ tương phản cao của tấm nền OLED.
Thiết bị còn tích hợp OLED Care, tính năng tự kích hoạt trình bảo vệ màn hình (screensaver) độc quyền của Asus sau 30 phút không sử dụng, giúp giảm hiện tượng lưu ảnh và “lão hóa” tấm nền.
Trên màn hình OLED, do các điểm ảnh phát sáng độc lập và tắt đi trên màu đen, màn hình này không gây ra hiện tượng “lóe sáng” (blooming) như những thiết bị dùng công nghệ Mini LED.
Màn hình của Asus Vivobook 15X OLED có kích thước 15,6 inch, độ phân giải Full HD với tỷ lệ 16:9 tiêu chuẩn. Phiên bản tôi sở hữu trang bị CPU AMD Ryzen 5 5600H, RAM 8 GB và SSD 512 GB. Cấu hình này đáp ứng tốt cho tác vụ học tập, làm việc cơ bản và chơi một số game phổ biến. Dù vậy, cần nhắc lại rằng trải nghiệm với màn hình OLED mang đến nhiều khác biệt.
Với 6 nhân 12 luồng, CPU của Vivobook 15X OLED đủ sức xử lý những file Photoshop với dung lượng vừa phải, không quá nhiều layer phức tạp. Việc chỉnh sửa ảnh bằng Lightroom cũng rất nhanh chóng nhờ khả năng sử dụng đa luồng và card đồ họa (GPU) tích hợp Radeon.
Vivobook 15X OLED còn đạt chứng nhận màu sắc chuyên nghiệp PANTONE Validated. Khi dùng Photoshop hay Lightroom, khả năng hiển thị màu sắc chân thực, độ tương phản cao của màn hình OLED trên Vivobook 15X giúp tôi tự tin hơn khi lựa chọn thông số màu và độ tương phản cho ảnh, không cần chép sang điện thoại để kiểm tra như trước.
Ngoài chỉnh sửa ảnh, không có lý do gì để tôi không xem phim trên Vivobook 15X OLED. Bên cạnh ưu điểm về màu sắc hay độ tương phản, OLED cũng tiêu thụ ít điện năng hơn so với tấm nền LCD nên tôi có thể xem nhiều tập phim hơn trước khi sạc. Đáng tiếc khi màn hình chỉ có độ phân giải Full HD, tần số quét 60 Hz nên không phù hợp để theo dõi các chương trình thể thao, cần độ chi tiết và nắm bắt chuyển động liên tục.
Các website phổ biến như Google Search, YouTube, Facebook, Messenger, ứng dụng như Chrome, Word, Excel đều hỗ trợ giao diện tối. Do thường làm việc vào ban đêm, giao diện tối giúp mắt của tôi bớt điều tiết, đỡ mệt mỏi khi dùng trong thời gian dài.
Với tấm nền OLED, trải nghiệm với giao diện tối còn tốt hơn nhờ các khu vực màu đen hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng của đèn nền như màn hình LCD. Asus trang bị cho Vivobook 15X OLED loại màn hình bóng (glossy) nên góc nhìn khá rộng, màu sắc và độ tương phản cao.
Tôi cần chỉnh độ sáng tối đa mỗi khi phòng bật nhiều đèn, hoặc ra trời nắng bởi độ phản chiếu của màn hình glossy tương đối mạnh. Rất may khi Asus trang bị cho Vivobook 15X OLED độ sáng 600 nit nên đây không phải vấn đề lớn. Màn hình của máy còn đạt chứng nhận DisplayHDR 600 của Hiệp hội Tiêu chuẩn Video Điện tử (VESA), tiêu chuẩn về chất lượng, độ sáng dành cho các dòng màn hình cao cấp.
Do công việc và học tập phải ngồi nhiều, thỉnh thoảng tôi cần đứng để tránh đau nhức, nhưng vẫn phải gõ máy tính để kịp nộp bài. Bản lề của Vivobook 15X OLED có khả năng mở ra 180 độ nên tôi có thể vừa đứng vừa gõ phím, theo dõi nội dung trên màn hình một cách thoải mái. Do tập trung vào chất lượng màn hình OLED, Asus đã bỏ một số chức năng không cần thiết như cảm ứng và bản lề gập 360 độ.
Là CPU tầm trung dòng H, Ryzen 5 5600H được thiết kế cho laptop chơi game. Trên dòng máy tính phổ thông, mỏng nhẹ như Vivobook 15X OLED, CPU của AMD không có sự phục vụ của card đồ họa rời hay hệ thống tản nhiệt hoành tráng như laptop chơi game chuyên dụng.
Dù vậy, tôi vẫn có thể chơi một số game như Liên Minh Huyền Thoại, Valorant và Fortnite với mức fps ổn định. Tuy nhiên, máy sẽ gặp vấn đề với các game nặng như Apex Legends, buộc tôi phải chỉnh đồ họa xuống gần như thấp nhất để chơi với 30 fps trở lên. Trong đa số thời gian sử dụng, thiết bị hoạt động mát mẻ nhờ hệ thống tản nhiệt IceCool mới của Asus.
Để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư, Asus trang bị cho Vivobook 15X OLED tấm che webcam vật lý, có thể gạt sang phải để che hình ảnh ngay lập tức trong lúc gọi video. Khi có app đang dùng webcam, đèn cảnh báo sẽ sáng lên để tôi nhận biết, tránh những tình huống tai hại có thể xảy ra do quên tắt camera trên phần mềm.
Vivobook 15X OLED trang bị bàn phím ErgoSense cho cảm giác gõ tốt, độ cao và hành trình phím vừa phải. Dù vậy, model tôi sở hữu không có đèn bàn phím nên hơi khó khăn khi dùng trong bóng tối. Có lẽ tôi sẽ sớm quen với bố cục bàn phím nếu sử dụng lâu hơn.
Tương tự những laptop 15 inch khác, thiết bị cũng có cụm phím số bên phải, được kích hoạt bằng nút Num Lock. Tuy nhiên, máy không có đèn cảnh báo khi cụm phím số bật hoặc tắt, khiến tôi thường xuyên nhầm lẫn do không biết cụm phím đang ở chế độ nhập số hay điều hướng.
Trackpad của Vivobook 15X OLED có kích thước lớn, hỗ trợ đầy đủ thao tác điều hướng của Windows 11. Tuy nhiên, khu vực này dễ bám mồ hôi sau vài tiếng sử dụng, khiến thao tác lướt ngón tay không còn dễ chịu. Tôi vẫn cần dùng thêm chuột để sử dụng nhiều tiếng liên tục tại nhà.
Điểm cộng lớn của Vivobook 15X OLED nằm ở cổng kết nối đa dạng. Máy trang bị một cổng USB-A chuẩn 2.0, 2 cổng USB-A và một cổng USB-C chuẩn 3.2 để kết nối phụ kiện như ổ cứng hay camera. Thiết bị còn tích hợp cổng HDMI và 3,5 mm. Đáng tiếc khi cổng USB-C không hỗ trợ sạc hoặc kết nối với màn hình ngoài, tôi thử cắm màn hình nhưng máy hiện thông báo không hỗ trợ, phải chuyển sang dùng HDMI.
Asus trang bị cho Vivobook 15X OLED ổ cứng SSD dung lượng 512 GB, chuẩn PCIe 3.0 cho tốc độ cao. Dung lượng này đủ để lưu trữ bài học, tài liệu công việc và cài một số game cơ bản. Asus còn rất “hào phóng” khi dành sẵn một khe M2 trống, cho phép gắn thêm ổ cứng để tăng dung lượng. Tính năng này rất hữu ích với người thường xuyên tải phim và dựng video như tôi.
Vivobook 15X OLED trang bị 8 GB RAM. Tôi không gặp khó khăn khi làm việc song song với một file Word, kế bên là Chrome với khoảng 30 tab (gồm cả YouTube và website nghe nhạc). Tuy nhiên, máy sẽ gặp khó khăn nếu mở thêm Photoshop hoặc InDesign với các dự án phức tạp.
Các trang web thường xuyên phải tải lại sau một thời gian truy cập, tuy nhiên tôi không phải chờ quá lâu bởi thiết bị hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 6, cho độ bảo mật và tốc độ cao nếu sử dụng đường truyền Internet và router phù hợp. Nếu có nhu cầu đa nhiệm nhiều hơn, người dùng có thể gắn thêm RAM vào khe trống, nâng tổng dung lượng lên 16 GB.
Vivobook 15X OLED có trọng lượng 1,7 kg, độ mỏng 19,9 mm. Dù không phải thiết bị mỏng nhẹ nhất trong tầm giá, tôi vẫn có thể cầm máy và mang đi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, phần bản lề thiết bị chưa thực sự chắc chắn.
Asus Vivobook 15X OLED sở hữu viên pin 70 Wh. Không trang bị chip tiết kiệm điện nhất, tuy nhiên tôi khá bất ngờ với thời lượng pin của máy. Với độ sáng tối đa, kết nối Internet liên tục, sử dụng hỗn hợp Chrome, nghe nhạc, xem phim, Word và Photoshop, thời lượng pin của thiết bị có thể kéo dài đến 8 tiếng.
Khi pin còn 20%, máy sẽ tự động bật chế độ tiết kiệm điện, giảm độ sáng màn hình để kéo dài thời gian sử dụng. Với củ sạc 90 W tặng kèm, thiết bị có thể sạc 60% pin trong 49 phút
Với màn hình OLED, chip xử lý hiệu năng cao cùng thời lượng pin ổn định, Asus Vivobook 15X OLED phù hợp cho những bạn sinh viên, nhân viên văn phòng với nhu cầu soạn thảo văn bản, chỉnh sửa ảnh, giải trí với phim và các tựa game nhẹ.
Màn hình OLED trên thiết bị giúp tăng trải nghiệm hình ảnh, trong khi khả năng gắn thêm RAM và ổ cứng giúp người dùng dễ dàng nâng cấp khi có nhu cầu, không cần đắn đo lựa chọn cấu hình khi mua máy như trước. Trong tầm giá dưới 20 triệu đồng, Vivobook 15X OLED dần xóa bỏ định kiến về dòng laptop phổ thông.