Phan Thị Hà Thanh ở đợt thi chung kết. Ảnh: N.K/Tuổi trẻ. |
- Lúc 20h20 VĐV Đặng Nam kết thúc bài thi vòng treo nam ở vị trí thứ ba với số điểm 15,003, đoạt HCĐ. HCV ở nội dung này thuộc về VĐV Trung Quốc Liao Junlin (15,566 điểm) và người đoạt HCB là VĐV Nhật Bản Takeda Kazuyuki (15,100). Đây là tấm huy chương thể dục dụng cụ thứ hai của Việt Nam tại đấu trường Asian Games sau HCĐ nhảy chống nữ của Phan Thị Hà Thanh.
Hôm nay, đoàn TTVN đã giành được 2 HCB (võ sĩ wushu Bùi Trường Giang, thuyền bốn nữ rowing) và 4 HCĐ (Phan Thị Hà Thanh, Đặng Nam - TDDC, thuyền đơn nữ rowing và đồng đội 25 m súng ngắn bắn nhanh). Tổng cộng, đoàn đã giành được 1 HCV, 4 HCB và 13 HCĐ, đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng huy chương.
- Lúc 19h, VĐV Phan Thị Hà Thanh giành được HCĐ Asian Games ở nội dung nhảy chống sở trường với số điểm 14,683. Đây là lần đầu tiên thể dục dụng cụ Việt Nam có huy chương ở đấu trường khó khăn này. Hà Thanh có bài nhảy khá tốt nhưng các đối thủ Hong Un Jong (CHDCND Triều Tiên) và Oksana Chusovitina (Uzbekistan) đều đạt phong độ rất cao nên niềm hy vọng vàng của TDDC Việt Nam chỉ giành được HCĐ.
HCV thuộc về Hong Un Jong với 15,249 điểm, còn Oksana Chusovitina giành HCB với 14,750 điểm. Hong Un Jong từng giành HCV nội dung nhảy chống ở Olympic 2008. Oksana Chusovitina cũng từng giành HCV Olympic 1992 và HCB nội dung nhảy chống tại Olympic 2008.
- Vào lúc 18h10, VĐV Trần Duy Khôi phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nam nhưng chỉ đứng thứ 7 trong số 8 VĐV ở đợt bơi chung kết. Duy Khôi đạt thành tích 4 phút 24 giây 54, vượt khá xa kỷ lục cũ 4 phút 25 giây 34.
- Vào lúc 13h30, võ sĩ Bùi Trường Giang (hạng 56 kg nam) ở môn wushu thua đối thủ Trung Quốc Zhao Fuxiang trong trận chung kết với tỷ số 0-2. Như vậy, Bùi Trường Giang giành được HCB hạng cân này. Môn wushu cũng chấm dứt tranh tài tại Asian Games 2014 với thành tích 1 HCV, 1 HCB và 4 HCĐ.
- Vào lúc 9h45 sáng nay, bốn VĐV gồm Lê Thị An, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Thảo và Phạm Thị Hài giúp đoàn Việt Nam giành HCB nội dung thuyền bốn mái chèo (4 LW4x) với thời gian 7'28"48. Về nhất ở nội dung chèo thuyền nhẹ bốn là đội Trung Quốc, đội về thứ 3 là Iran.
Đây là nội dung Việt Nam cũng giành HCB ở Asian Games trước với bộ tứ Phạm Thị Hài - Đặng Thị Thắm - Nguyễn Thị Hựu - Trần Thị Sâm. Tại Asian Games 2010, rowing Việt Nam còn giành được HCB nội dung thuyền đôi nữ với bộ đôi Phạm Thị Huệ - Phạm Thị Thảo.
Ở nội dung thuyền đơn nữ diễn ra sau đó, Tạ Thanh Huyền cũng giành thêm tấm HCĐ với thành tích 9 phút 16 giây 36. HCV và HCB nội dung này lần lượt thuộc về Kim Yeji (Hàn Quốc) và Lee Ka Man (Hong Kong).
Rowing mang về 1 tấm HCB cho đoàn thể thao VN. |
- Trong số 3 VĐV cầu lông Việt Nam thi đấu hôm nay chỉ có Phạm Cao Cường giành chiến thắng. Gặp đối thủ yếu U Leong (Macau), Cao Cường thắng nhanh 2-0 (21-8, 21-9). Trong khi đó, Lê Thu Huyền thua tay vợt mạnh Sung Jihyun (Hàn Quốc) 12-21, 12-21, còn Vũ Thị Trang thua VĐV từng vô địch thế giới Ratchanok Intanon (Thái Lan) 12-21, 17-21.
- Nội dung 25 m súng ngắn bắn nhanh là một trong những niềm hy vọng của bắn súng khi Hà Minh Thành từng đạt thành tích 589 điểm tại Cúp các tay súng xuất sắc năm 2011, vượt 6 điểm so với kỷ lục Olympic khi đó. Tuy nhiên, mũi nhọn của bắn súng Việt Nam khi đấu không mấy thành công ở giải năm nay khi chỉ đứng thứ chín với 576 điểm. Đứng đầu ở bài bắn tiêu chuẩn là xạ thủ Li Yuehong (Trung Quốc) với 586 điểm, đồng thời phá kỷ lục Asian Games.
Hà Minh Thành không thành công trong mục tiêu giành huy chương ở Asian Games 2014. |
Ở Asian Games 2010, Hà Minh Thành từng cùng với Li Yuehong phá kỷ lục đại hội với thành tích 583 điểm. Minh Thành sau đó giành HCB vì kém Li Yuehong sít sao ở bài bắn chung kết. Thế nên, việc không lọt vào chung kết lần này có thể coi là thất bại với cựu á quân Asian Games Hà Minh Thành.
Bù lại Việt Nam giành được HCĐ nội dung đồng đội (Hà Minh Thành - Kiều Thanh Tú - Bùi Quang Nam) với 1.704 điểm. Trước loạt bắn cuối, đội Việt Nam vẫn còn thua Ấn Độ 2 điểm nhưng nhờ sự xuất sắc của Bùi Quang Nam trong lượt bắn quyết định này (97 điểm/10 viên) nên khoảng cách được san bằng. Sau khi xét chỉ số phụ, đoàn Việt Nam được nhận HCĐ. HCV nội dung này thuộc về đội Hàn Quốc với 1.747 điểm, hơn 1 điểm so với Trung Quốc.
- Ở nội dung 50 m súng trường nằm bắn, Nguyễn Thị Xuân đứng thứ sáu với 619,4 điểm.
- Trong môn bơi, do dồn sức quá nhiều cho nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ, Ánh Viên không đạt được phong độ tốt nhất ở vòng loại 100 m ngửa. Ánh Viên thi ở đợt thứ ba vòng loại và chỉ về đích thứ tư với thành tích 1 phút 3 giây 13. Chỉ số này kém khá nhiều so với thành tích 1 phút 2 giây 70 mà Ánh Viên đạt được khi vô địch Đông Nam Á 2012.
Ánh Viên không dồn sức tối đa ở nội dung không có nhiều hy vọng giành huy chương nên chỉ đứng thứ 9 ở vòng loại. |
Sau vòng loại, Ánh Viên chỉ đứng thứ 9 nên không giành được suất tham dự chung kết nội dung này. Đây cũng không phải là nội dung mà cô gái vàng bơi lội Việt Nam đặt trọng tâm. Niềm hy vọng lớn tiếp theo mà Ánh Viên nhắm đến là nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân mà cô từng vô địch Olympic trẻ 2014.
Giống với Ánh Viên, Hoàng Quý Phước chỉ đứng thứ 9 ở vòng loại nội dung 100 m bướm. Thi ở đợt vòng loại đầu, Quý Phước về đích thứ ba với thành tích 54,21 giây. Thành tích tốt nhất của Phước ở nội dung này là 53,07 giây khi anh vô địch SEA Games 2011. Khu vực Đông Nam Á có 2 tay bơi vượt qua vòng loại là Joseph Schooling (Singapore, thứ nhất) và Glenn Victor Susanto (Indonesia, thứ bảy).
Kình ngư trẻ Trần Duy Khôi là tay bơi duy nhất của Việt Nam lọt vào lượt bơi chung kết. Ở nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân sở trường, Duy Khôi đứng thứ tư trong lượt bơi vòng loại thứ hai với thành tích 4 phút 29 giây 05. Duy Khôi đứng thứ sáu trong số tám VĐV giành quyền vào thi chung kết. Thành tích tốt nhất của Duy Khôi ở nội dung này là 4 phút 25 giây 34.