Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên hợp quốc diễn ra chiều 11/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh ASEAN là ưu tiên cao trong chính sách láng giềng của mình. Ông Lý Khắc Cường khẳng định tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, mong muốn cùng ASEAN triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Sớm mở cửa, nối lại trao đổi kinh tế
Là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, ASEAN và Trung Quốc có kim ngạch thương mại hai bên đạt 669 tỷ USD, đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN đạt 13,6 tỷ USD trong năm 2021.
Hai bên nhất trí sớm mở cửa, nối lại trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư, ổn định kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, tạo điều kiện thông quan hàng hóa.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang. |
ASEAN đề nghị Trung Quốc tăng cường và mở rộng hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững... Đồng thời, mong muốn Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Kông.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam và các nước ASEAN coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc - đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN.
Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở cửa nền kinh tế, trong đó Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN trung chuyển qua Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kỳ vọng Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống và thông qua thúc đẩy đa dạng hoá các phương thức vận tải bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của DOC đối với hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23. Ảnh: Dương Giang. |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 23, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất là động lực chính thúc đẩy phục hồi và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu như nông thủy sản, hải sản, trái cây từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, vào thị trường Hàn Quốc.
Trước những biến chuyển ngày càng phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, phối hợp đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực ứng phó các thách thức an ninh khu vực như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên….
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: Dương Giang. |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN. Ông ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Hàn Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 5 của ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều hai bên đạt khoảng 189,5 tỷ USD và FDI từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt 7,1 tỷ USD năm 2021.
Nỗ lực phục hồi kinh tế
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì mục tiêu chung.
ASEAN đề nghị Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tự cường y tế dự phòng, hội nhập kinh tế khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN và đối tác. Ảnh: Dương Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn ASEAN và Liên Hợp Quốc cùng nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, hướng tới phát triển xanh và bền vững, bảo đảm cân bằng và hài hoà giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá - xã hội.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị quốc gia, chuyên môn kỹ thuật để triển khai trách nhiệm, hiệu quả các cam kết chống biến đổi khí hậu, bảo đảm chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần kiểm soát và hạn chế tác động tiêu cực đối với người lao động, người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.