Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN. Ảnh: Dương Giang. |
Chiều 10/11, trong khuôn khổ Hội nghị nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra chuỗi hoạt động đầu tiên.
Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên và Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị là Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại phiên đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với AIPA, đại diện các nghị viện thành viên đề xuất lãnh đạo các nước ASEAN bốn nhóm khuyến nghị về phát triển hài hòa kinh tế - xã hội, lấy con người làm trung tâm; thúc đẩy đầu tư xanh, công bằng và bền vững; nâng cao năng lực ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và tăng cường hợp tác nghị viện ở khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự phiên đối thoại với đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Ảnh: Dương Giang. |
Chia sẻ suy nghĩ tại buổi đối thoại của nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN với đại diện thanh niên ASEAN, thế hệ trẻ mong muốn chung tay đóng góp vào nỗ lực phục hồi và phát triển chung ở khu vực.
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu trong Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN ghi nhận điểm sáng khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa với sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các đối tác.
Song các ý kiến nhận định ASEAN và thế giới đang đối mặt nhiều thách thức. Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN đề nghị các nước thành viên coi việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN là một ưu tiên quốc gia, nâng cao tự cường kinh tế thông qua hài hòa và hội nhập kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh việc tổ chức các phiên đối thoại, lắng nghe ý kiến từ đại diện các nhóm, giới khác nhau. Các nước đề xuất nhiều biện pháp tăng cường hiệu quả phối hợp giữa kênh hành pháp và lập pháp, trong đó tích cực rà soát, gỡ bỏ các rào cản, nỗ lực hài hòa hóa pháp luật, tạo điều kiện thực thi các thỏa thuận, chương trình hợp tác.
Đại diện thanh niên ASEAN trò chuyện, trao đổi với nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN. Ảnh: Dương Giang. |
Phát biểu tại phiên đối thoại với ABAC, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong một thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngày nay, phải có cách tiếp cận toàn cầu để ứng phó với thách thức, vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế. Điều này cần có sự nỗ lực, đoàn kết, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như của các bạn bè, đối tác.
Nói về Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy mô nền kinh tế đất nước ước đạt gần 400 tỷ USD vào năm 2022; thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC). Ảnh: Đoàn Bắc. |
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP cao, 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt 8%.
Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất bằng cách giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính…
Sáng 11/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 sẽ chính thức khai mạc. Ngay sau đó, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp để trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Gỡ bỏ các rào cản, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy tăng cường thương mại theo hướng cân bằng hơn, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, Thủ tướng đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ Việt Nam - Philippines còn nhiều dư địa để phát triển. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai nước tăng cường giao thương, trong đó có thương mại gạo; xem xét gỡ bỏ các rào cản không cần thiết, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp của nhau, thúc đẩy thương mại nông sản, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.