"Chúng tôi không ra tuyên bố ASEAN về phán quyết của PCA. Lào thông báo với chúng tôi như thế vì các nước thành viên không đạt được sự đồng thuận", Kyodo News dẫn lời một quan chức ASEAN cho hay.
Thỏa thuận 4 điểm giữa Trung Quốc và 3 nước Campuchia, Brunei và Lào khiến ASEAN không thể đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Vị quan chức tiết lộ các thành viên ASEAN đã thảo luận khả năng ra tuyên bố chung sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết về vụ kiện Trung Quốc do Philippines thực hiện, theo đó các thẩm phán bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Nguồn tin không nêu tên những nước phản đối tuyên bố chung, song Campuchia, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, từng công khai phản đối việc ra tuyên bố chung.
Các nước ASEAN thường bất đồng đối với việc ra tuyên bố chung về tranh chấp Biển Đông do họ lo ngại Trung Quốc - đối tác mậu dịch và đầu tư quan trọng đối với vài nước - sẽ nổi giận.
Hồi tháng 4, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, thông báo Bắc Kinh đạt được thỏa thuận 4 điểm với Brunei, Campuchia và Lào, theo đó 3 nước này nhất trí rằng tranh chấp quần đảo Trường Sa không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN và không nên ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Họ cũng đồng ý rằng các bên liên quan trực tiếp nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng đối thoại và tham vấn song phương thay vì sử dụng cơ chế đa phương.
Phần lớn chuyên gia dự đoán, và thực tế đang diễn ra đúng như vậy, rằng thỏa thuận 4 điểm sẽ trở thành vật cản khiến ASEAN khó đạt được sự đồng thuận đối với việc ra tuyên bố chung khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết đối với yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.
Một trong những nội dung đầu tiên Tòa Trọng tài đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".