Thua cả 2 trận đầu ở Premier League mùa này, không ghi nổi bàn thắng nào và rơi tận xuống thứ 19 trên bảng xếp hạng, Arsenal đang trải qua khởi đầu mùa giải mới tệ hại nhất trong lịch sử. Đây là khởi đầu tệ hại nhất tính cả 4 hạng đấu mà "Pháo thủ" từng góp mặt.
Bao quanh Arsenal giờ đây là bầu không khí u ám với những cơn sóng ngầm cuộn chảy từ phòng thay đồ ra tới cửa sân vận động. Cả lòng quân lẫn tướng đều đang chịu sự công kích. Vì sao biểu tượng sức mạnh một thời của Arsenal lại đến nông nỗi này?
Arsenal đang trải qua khởi đầu tệ hại nhất trong lịch sử. Ảnh: AFP. |
Arsenal đang rất thảm
Nếu bạn vẫn chưa biết Arsenal đang thảm hại đến nhường nào, hãy đọc kỹ những miêu tả dưới đây.
Sau trận thua Chelsea, chiếc xe của HLV trưởng Mikel Arteta đã bị một nhóm CĐV chặn đường. Đoạn video được tung lên mạng xã hội cho thấy bên cạnh những thành phần quá khích đang gào thét phản đối, có vài người hâm mộ từ tốn tiến đến bên cạnh kính lái van xin: “Mikel, làm ơn hãy rời Arsenal”. Có cảm giác sự giận dữ đã lên tới cực điểm đến mức người hâm mộ "Pháo thủ" phải trực tiếp van xin Arteta ra đi.
Cơn giận dữ chưa nguôi ngoai, cổ động viên Arsenal lại tình cờ phát hiện tiền đạo Willian đã thả một “like” vào dòng trạng thái ăn mừng chiến thắng của Chelsea. Cầu thủ đang hưởng mức lương cao thứ 3 ở Arsenal (200.000 bảng/tuần) thích thú trước việc đội bóng anh đang phục vụ thua đội bóng cũ.
Trên mạng xã hội, những dòng hashtag A.I.D.S lan truyền khắp nơi. Người hâm mộ "Pháo thủ" còn lập ra trang mạng xã hội và website mang tên A.I.D.S và hiện quy tụ được nhiều người tham dự. A.I.D.S là “Arsenal is dying slowly” (Arsenal đang chết một cách từ từ).
Tình hình thảm đến mức cựu danh thủ Sol Campbell mới đây tự đơn phương ứng cử một vị trí trong ban huấn luyện Arsenal. Vì tình nghĩa, trung vệ thép một thời này ngỏ ý muốn được giúp đỡ hàng thủ Arsenal.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên TalkSport, Campbell thẳng thắn chia sẻ: “Xem Arsenal thi đấu bây giờ thật sự đau lòng. Tôi có cảm giác nhiều cầu thủ Arsenal thậm chí chưa hiểu những khái niệm cơ bản trong phòng ngự. Họ nên học lại từ A, B, C”. Bình luận viên của TalkSport không ngại ngần gọi Arsenal là “đội bóng chẳng có gì”.
Sau trận thua Chelsea, người hâm mộ Arsenal đã vây lấy xe của HLV Mikel Arteta đề nghị ông rời Arsenal. Ảnh: Getty Images. |
Có nhiều người cho rằng sự ra đi của chiến lược gia huyền thoại Arsene Wenger chính là khởi đầu cho chuỗi thảm họa kéo dài đến hiện tại. Mikel Arteta không đủ trình độ vực dậy Arsenal. Giới chuyên môn có nhiều con số để chứng minh cho kết luận này.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của đội bóng từng là biểu tượng không đơn thuần chỉ đến từ sự biến mất của một cá nhân. Arsenal đang chết dần vì quá nhiều nguyên nhân, và đó là những nguyên nhân mà thay huấn luyện viên cũng chẳng giải quyết được gì.
Vì sao Arsenal lại xuống đến mức này?
Thứ nhất là vai trò của ban lãnh đạo. Nhân vật đang giữ đại đa số cổ phần của Arsenal là tỷ phú Stan Kroenke. Ông này từ lâu đã “đánh bài ngửa” coi Arsenal chỉ là “con bò sữa” đơn thuần, chứ không phải đội bóng. Nhiều cổ động viên "Pháo thủ" vẫn nhớ năm 2016, Stan Kroenke từng hồn nhiên phát biểu: “Tôi không mua cổ phần của Arsenal để được tận hưởng cảm giác vô địch một giải đấu”.
Với Kroenke, Arsenal chỉ là cỗ máy kiếm tiền. Thậm chí vào năm 2017, người ta phát hiện Kroenke thu đều đặn của Arsenal 2 triệu bảng mỗi năm chi phí chạy quảng cáo ở các thị trường nước ngoài. Đó là dấu hiệu của sự mục ruỗng từ bên trong.
Thứ hai, đó là thiếu tầm nhìn chiến lược. 2013 là năm đánh dấu sự kiện Arsenal bắt đầu chi lớn cho chuyển nhượng. Tuy nhiên, những khoản chi của họ rất nhỏ giọt.
Thay vì mua nhiều tân binh để thay máu toàn bộ đội hình, Arsenal lại “tất tay” vào ngôi sao lớn trong một phiên chợ. Họ lần lượt mua Mesut Oezil, Granit Xhaka rồi Nicolas Pepe. Những cầu thủ này đến rải rác khiến Arsenal chưa bao giờ có trong tay lực lượng đủ mạnh.
Chúng ta cứ nhìn sang Man City là hiểu. Pep Guardiola chỉ trong 2 năm đã mang về 17 cầu thủ, nhanh chóng tạo ra 2 đội hình có sức mạnh tương đương. Trong khi đó, Arsenal mang tiếng là chịu chi lớn nhưng thực tế, cách mua sắm của họ hầu hết là sai lầm.
Không hiểu sao Arsenal lại chi 50 triệu bảng cho trung vệ ở tầm trung như Ben White. Ảnh: Arsenal. |
Đơn cử nhất là Oezil. Ngôi sao người Đức là thiên tài ở hàng tiền vệ, nhưng chất lượng các đồng đội của anh lại quá tệ. Sau vài mùa bóng chơi hay nhưng chẳng thay đổi được gì, Oezil bắt đầu chán nản và sa sút. Lẽ ra Arsenal nên quyết đoán với Oezil, nhưng họ lại để anh lại như khối u ác tính. Đó là vấn đề của tầm nhìn. Arsenal không có những con người có thể từ trên cao bao quát được vấn đề và đưa ra phương án giải pháp.
Vấn đề thứ ba là Arsenal luôn thiếu cầu thủ đóng vai trò thủ lĩnh. Đúng như Patrice Evra từng nói, Arsenal là tập hợp của những “chú nhóc đá bóng”. Kể cả ở trong phong độ cao, Arsenal cũng không thể duy trì vì tinh thần của họ quá yếu, thiếu anh lớn để sốc lại tâm trạng cho các đàn em khi khó khăn bắt đầu phát sinh.
Toàn bộ những vấn đề trên tập hợp lại tạo nên trở ngại thứ 4. Arsenal không còn là lựa chọn yêu thích và an toàn của những cầu thủ lớn. Nhiều năm qua, những cầu thủ cập bến Arsenal đa phần chỉ thuộc hạng 2, hạng 3 ở châu Âu, nhưng lại khiến "Pháo thủ" tốn số tiền dành cho những ngôi sao hạng Nhất.
Ví dụ là trường hợp của Ben White mới đây. Không hiểu sao Arsenal lại chi 50 triệu bảng cho trung vệ chỉ đá cho Brighton và tại Euro 2020 vừa qua thậm chí không ra sân phút nào.
Đã từ rất lâu người hâm mộ Premier League không còn coi Arsenal là đội bóng lớn nữa, hoặc là ứng viên cho ngai vàng Premier League.