Internet of Things là xu hướng của thế giới công nghệ, nơi mọi thứ kết nối với nhau dễ dàng trong một thể thống nhất. Không chỉ máy tính, điện thoại mà ngay cả ô tô, điều hòa, máy giặt hay thậm chí hệ thống đèn điện đều kết nối với nhau qua mạng không dây, được điều khiển bằng hệ thống duy nhất.
Craig Federighi - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách công nghệ phần mềm của Apple công bố HomeKit. |
Tương lai sẽ là những ngôi nhà thông minh với mạng lưới kết nối rộng khắp. Tuy nhiên, hiện chưa có một nền tảng đủ mạnh để thuyết phục nhà sản xuất và bên thứ ba tham gia vào phát triển ứng dụng. Nhưng những động thái mới đây của Apple đang mở ra một hy vọng mới về kỷ nguyên IoT rực rỡ giống như thời kỳ của iPhone làm thay đổi nhận thức về điện thoại thông minh.
Năm ngoái, Táo khuyết lần đầu giới thiệu công nghệ mới mang tên HomeKit cho phép mọi người kiểm soát các đồ dùng trong nhà thông qua chiếc smartphone hay tablet của mình.
Nếu kế hoạch thành hiện thực, Apple sẽ biến những ngôi nhà trở thành một chiếc iPhone đúng nghĩa. Phần cứng thiết bị được sản xuất bởi một công ty riêng, nhưng có thể chạy bất kỳ ứng dụng nào của bên thứ ba thông qua HomeKit.
Điều này giúp phát triển nhiều tính năng thông minh, tạo cơ hội cho nhiều người tham gia sáng tạo những điều mới lạ. Cũng giống như iPhone, thật khó để tưởng tượng nó sẽ nhàm chán cỡ nào nếu chỉ sử dụng duy nhất chương trình của Apple.
Tầm nhìn của HomeKit
HomeKit là bộ các hàm APO cho phép các lập trình viết phần mềm trên iOS để điều khiển các thiết bị gia dụng thông minh. Đây giống như thứ ngôn ngữ kết nối mọi sản phẩm trong ngôi nhà của bạn.
Thông qua HomeKit, người dùng dễ dàng bật đèn nhà bếp hay kích hoạt máy pha cà-phê chỉ bằng thao tác bấm, chạm. Chiếc iPhone giờ có thể kiểm soát tất cả những đồ dùng như tivi, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt hay bất kỳ thiết bị thông minh nào trong gia đình.
Không chỉ dừng lại ở một vài thiết bị riêng lẻ, HomeKit còn tổ chức nhiều nhóm riêng biệt tương ứng với từng câu lệnh cụ thể. Ví dụ như khi chủ nhà ra ngoài, hệ thống sẽ tự tắt tất cả các tiện ích không cần thiết cùng một lúc. Hay như lúc ngủ, đèn điện tự động tắt trong khi HomeKit sẽ điều chỉnh nhiệt độ giúp ngủ thoải mái hơn.
Vai trò các nhà sản xuất và phát triển ứng dụng
Để kết nối dễ dàng các thiết bị thông qua HomeKit, Apple cần sự hợp tác của các nhà sản xuất để tạo ra phần cứng “mở” đáp ứng những tiêu chuẩn của nền tảng này. Từ đó, bất kỳ đơn vị bên thứ ba nào cũng có thể tạo ra ứng dụng bổ sung tính năng và làm cho thiết bị thông minh hơn.
Điều khiển mọi thiết bị chỉ bằng chiếc iPhone. |
Đó giống như những gì lặp lại trên iPhone. Lần đầu tiên ra mắt vào năm 2007, sản phẩm này chỉ chạy kèm phần mềm của Apple. Nhưng chỉ sau một năm, các nhà sản xuất ứng dụng đã tham gia xây dựng kho ứng dụng App Store phong phú, mở ra kỷ nguyên hậu PC.
Chris Allen, Giám đốc điều hành iDevices đánh giá việc đưa ra bộ HomeKit mở cho cộng đồng các nhà phát triển có ưu, nhược điểm riêng. Nhiều chương trình thông minh ra đời làm đa dạng hóa hệ sinh thái và trải nghiệm người dùng.
Tuy nhiên, ông tỏ ra lo ngại vì môi trường cũng mở tiềm ẩn những rủi ro. Các chương trình độc hại, chiếm quyền kiểm soát thiết bị có thể được tạo ra. Chúng nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng nhìn chung, sáng lập viên iDevices tỏ ra lạc quan rằng sự cởi mở sẽ thúc đẩy sự sáng tạo thông qua việc thu hút nhiều nhà phát triển tiềm năng.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Markus Fest, Giám đốc điều hành Elgato cho rằng chỉ lôi kéo các công ty phần cứng thôi chưa đủ, mà sự tham gia của nhiều bên liên quan. Elgato là công ty đã tạo ra bộ cảm biến Eve tương thích tốt với HomeKit có thể đo độ ẩm, mùi trong không khí hay nhiệt độ phòng ra mắt tại CES 2015.
Thực tế cho thấy, các ứng dụng tốt nhất thường không xuất phát từ nhà sản xuất phần cứng. Với HomeKit, bên thứ ba sẽ tham gia thiết kế nên những sản phẩm thân thiện và thú vị hơn đối với người dùng. Nhưng các nhà phát triển ứng dụng đều phải tuân thủ những nguyên tắc bảo mật của Apple mới có quyền truy cập dữ liệu thiết bị nhà bạn, cũng giống như các nhà sản xuất.
Những khó khăn gặp phải?
Hiện tại, thiết bị gia dụng kết nối internet chưa phổ biến rộng rãi, nhưng được dự đoán sẽ bắt đầu chuyển biến trong năm nay. Theo hãng Parks Associates, 40% hộ gia đình trên khắp nước Mỹ đang có kế hoạch mua một đồ dùng thông minh trong năm 2015, cao hơn nhiều so với 16% hộ hiện nay.
Một nguyên nhân khiến các đồ dùng thông minh chưa được ưa chuộng bởi chúng rất khó sử dụng. Apple đang nỗ lực mạnh mẽ nhằm khắc phục vấn đề này. Tất cả các thiết bị HomeKit, dù được sản xuất bởi bất kỳ đơn vị nào sẽ có các bước thiết lập tương tự nhau để hình thành thói quen dễ dàng cho người dùng.
Bạn chỉ cần tải ứng dụng và cài đặt, sau đó, hệ thống sẽ yêu cầu nhập mã thiết lập tương ứng với từng loại thiết bị. Chúng giờ đây còn dễ dàng hơn trên iOS 9, khi người dùng có thể quét mã này thông qua camera iPhone thay vì phải gõ tay. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tạo tính an toàn khi kết nối iPhone với các đồ dùng khác.
Tương tự như vậy, việc điều khiển một nhóm thiết bị với các tác vụ giống nhau cũng trở nên đơn giản hơn. Chỉ cần thiết lập trên iPhone, hoặc iPad thì các thiết bị iDevices đang cắm sạc hay bộ điều nhiệt của Ecobee có thể tự động điều chỉnh (hoặc ngắt) khi bạn ra khỏi nhà.
Mọi đồ vật vì thế được kiểm soát và lập trình sẵn. Ví dụ như nếu thường xuyên về nhà sau giờ làm việc lúc 6h30, bạn có thể thiết lập thông qua tiện ích HomeKit để điều hòa thông minh tự động chạy lúc 6h để vừa kịp làm mát.
“Miếng bánh” không chỉ cho riêng ai
Apple không phải là công ty duy nhất muốn biến ngôi nhà thành một máy tính khổng lồ có thể lập trình và kiểm soát dễ dàng.
Trong tháng năm, Google đã công bố một sáng kiến mới gọi là Brillo tương tự như HomeKit. Đó là một nền tảng cho phép kết nối với các thiết bị trong nhà bằng ngôn ngữ chung được tạo ra bởi Google, tương tự như HomeKit giao tiếp bằng ngôn ngữ của Apple.
CEO Google Sundar Pichai giới thiệu về Brillo. |
Samsung cũng tuyên bố tại CES năm nay, 90% sản phẩm của hãng sẽ tập trung vào Internet of Things vào năm 2017. IoT là thuật ngữ để chỉ mạng lưới kết nối rộng lớn bao gồm tất cả đồ dùng như máy giặt, xe, cửa…Hãng công nghệ Hàn Quốc đã bỏ ra 200 triệu USD để thâu tóm công ty khởi nghiệp SmartThings chuyên phát triển nền tảng cho sản phẩm nhà thông minh.
Trước khi HomeKit và Brillo ra đời, các thiết bị thông minh thường sử dụng phần mềm và phương thức giao tiếp khác nhau gây khó khăn trong việc tạo tính kết nối giữa chúng. Bạn tắt đèn phòng một kiểu, điều khiển tivi một kiểu khác mà không có một nền tảng chung.
Lý do khiến Apple và Google có cơ hội thành công (chiếm thế áp đảo) nhiều hơn bởi các ông lớn này đã xây dựng được một hệ điều hành và hệ sinh thái di động đầy mạnh mẽ. “Sân chơi chung” vì thế dễ dàng thiết lập nhờ nền tảng đã có sẵn.
Samsung là một nhà sản xuất phần cứng tuyệt vời nhưng vẫn dùng Android. Giống như Microsoft dù không thiếu tiền nhưng Windows Phone “sinh sau đẻ muộn” và một chợ ứng dụng nghèo nàn vẫn phải vật lộn để tạo dựng thương hiệu. Nếu biết tận dụng tốt lợi thế, Apple và Google sẽ lại tạo cuộc đua “song mã” trong thế giới IoT.