Apple tự định vị mình là công ty đặt quyền riêng tư lên hàng đầu, nhiều lần đối đầu với cơ quan thực thi pháp luật để bảo toàn mã hóa điện thoại, tin nhắn và cuộc gọi FaceTime của người dùng. Trong năm qua, ông lớn từ Cupertino cũng "triệt hạ" hoạt động theo dõi quảng cáo của Facebook.
Nhưng khi mô hình kinh doanh của Apple dần thay đổi, liệu quyền riêng tư của người dùng có phải là ưu tiên? Gần đây hãng đã cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách tăng các dịch vụ của mình, chẳng hạn như đăng ký Apple Music, iCloud, Apple TV và kinh doanh quảng cáo. Người dùng của Apple bắt đầu thấy nhiều quảng cáo hơn bên trong một số ứng dụng.
“Tôi coi Apple là một công ty thay đổi cuộc chơi theo hướng tích cực về vấn đề quyền riêng tư", Pernille Tranberg, đồng sáng lập tổ chức tư vấn Data Ethics EU cho biết.
Tuy nhiên, khi công ty phát triển hoạt động kinh doanh quảng cáo, có khả năng người dùng sẽ bị thu thập nhiều dữ liệu hơn và cũng cần thận trọng trước Apple như với bất kỳ hãng công nghệ nào.
Apple biết những gì về người dùng?
Dữ liệu mà Apple thu thập về người dùng được nêu trong chính sách quyền riêng tư dài khoảng 4.000 từ, bao gồm thông tin người dùng tự cung cấp cùng với dữ liệu từ một số bên thứ ba.
Apple cũng có khoảng 80 bản hướng dẫn về quyền riêng tư cho từng sản phẩm và ứng dụng, nói cụ thể hơn cách thu thập và sử dụng dữ liệu với từng sản phẩm.
Tất cả đều bắt đầu với tuyên bố rằng công ty “tin tưởng mạnh mẽ vào các quyền riêng tư cơ bản” và cố gắng giảm thiểu lượng dữ liệu mà họ thu thập. Chuyên gia cho biết Apple thu thập ít dữ liệu hơn so với các ông lớn công nghệ như Google hoặc Facebook.
Khi bạn bắt đầu sử dụng các sản phẩm của Apple, đầu tiên người dùng sẽ bị thu thập tên, địa chỉ email và thông tin thanh toán. Chính sách quyền riêng tư của Apple cũng cho biết hãng có thể thu thập dữ liệu về cách sử dụng thiết bị, bao gồm các ứng dụng, từ khóa tìm kiếm.
Thông tin khác mà Apple có thể thu thập, nếu người dùng cho phép, bao gồm thông tin vị trí, thông tin sức khỏe và thông tin về vận động hàng ngày. Trong một số trường hợp, các sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ không hoạt động nếu không được cung cấp dữ liệu như yêu cầu.
Apple cho biết đã thiết kế các hệ thống xử lý dữ liệu ngay trên thiết bị mà không cần gửi về máy chủ của công ty. Ví dụ, Game Center giới thiệu bạn bè dựa trên thông tin trên điện thoại và không được gửi tới Apple.
Hãng cũng quảng cáo các kỹ thuật hạn chế thu thập thông tin cá nhân. Ví dụ, người dùng cần cho phép Apple truy cập vị trí theo thời gian thực để sử dụng nhiều tính năng trong Apple Maps, nhưng thông tin vị trí này được liên kết với “số nhận dạng thay đổi nhiều lần mỗi giờ” và không được liên kết với ID Apple, do đó khó xác định vị trí của một cá nhân.
“Vì vị trí của người dùng có thể tiết lộ danh tính, chúng tôi chuyển đổi các vị trí chính xác thành các vị trí kém chính xác hơn trong vòng 24 giờ”, tài liệu về quyền riêng tư của công ty dành cho Maps cho biết.
Vị thế độc quyền
Apple bắt đầu bán quảng cáo trong App Store vào năm 2016, kể từ đó mở rộng quảng cáo sang các ứng dụng Apple News, Stocks và Apple TV. 600 triệu người sử dụng App Store mỗi tuần, biến đây thành "đất vàng" quảng cáo của hãng.
Những quảng cáo này có 2 dạng, quảng cáo dựa trên những gì đang tìm kiếm hoặc quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên sở thích và dữ liệu.
Apple cho biết quảng cáo theo ngữ cảnh được hiển thị dựa trên thông tin thiết bị, chẳng hạn như ngôn ngữ bàn phím và nhà cung cấp dịch vụ di động, các cụm từ tìm kiếm hoặc các nội dung được đọc trên các ứng dụng "đi kèm" máy, như News (Tin tức) và Stocks (Chứng khoán).
Ngược lại, khi người dùng bật quảng cáo cá nhân hóa, họ sẽ được gộp vào các nhóm ít nhất 5.000 người “có chung đặc điểm” và nhóm này cùng được hiển thị một loạt các quảng cáo. Các nhóm này được gom dựa trên tên, địa chỉ, tuổi, giới tính, thiết bị và cả nhạc, phim, sách, chương trình TV và ứng dụng đã tải xuống.
Ví dụ, khi bật quảng cáo cá nhân hóa, một người dùng có thể được gom vào nhóm yêu thích các ứng dụng năng suất, thể thao, tin tức và kinh doanh, và yêu thích các thể loại giải trí hành động, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng.
“Đối với quảng cáo cá nhân hóa, mọi thứ được giám sát và gửi tới Apple gần như theo thời gian thực", Tommy Mysk - nhà phát triển ứng dụng và nhà nghiên cứu bảo mật, người điều hành công ty phần mềm Mysk - cho biết.
Vào tháng 11/2022, các nhà nghiên cứu của Mysk đã chứng minh cách các lần nhấn trên màn hình được ghi lại khi sử dụng App Store, và dữ liệu này khi được phân tích có thể nhận dạng người dùng.
“App Store là trường hợp đặc biệt vì người dùng không có lựa chọn nào khác. Nếu không thích tuyên bố về quyền riêng tư của Apple Music, người dùng có thể sử dụng Spotify, nhưng không có gì thay thế App Store", Mysk nói. Độc quyền cửa hàng ứng dụng cũng là nguyên nhân của một số vụ kiện chống lại Apple.
Để từ chối bị thu thập dữ liệu cá nhân hóa cho App Stores cũng như các ứng dụng Apple phát triển, người dùng có thể vào Cài đặt (Settings), Quyền riêng tư & Bảo mật (Privacy & Security), Quảng cáo của Apple (Apple Advertising) và tắt Quảng cáo được cá nhân hóa (Personalized Ads).
Riêng với Apple News và Stocks, người dùng cần vào Cài đặt của từng ứng dụng để bật tính năng liên tục thay đổi yếu tố nhận diện, nếu muốn tránh bị định danh cá nhân.
Các chuyên gia lưu ý, người dùng cũng cần cân nhắc việc có cho phép Apple thu thập dữ liệu phục vụ Phân tích & Cải tiến (Analytics & Improvements) hay không. Thuật ngữ mập mờ này có ý nghĩa là cho phép sử dụng dữ liệu người dùng để làm bất cứ điều gì, Jen Caltrider, nhà nghiên cứu thuộc dự án *Privacy Not Attached của Mozilla, chuyên đánh giá các thiết bị tiêu dùng, cho biết.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn