Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook tuyên bố "Thanh toán là một lĩnh vực quan trọng và chúng tôi đã tạo ra một quy trình thanh toán hoàn toàn mới."
Xóa sổ chiếc thẻ nhựa
Mục tiêu của Apple là rút ngắn quá trình thanh toán, khiến phương thức thẻ tín dụng trở nên an toàn hơn và tiến tới thay thế luôn cho chiếc thẻ mà mọi người vẫn dùng, nhờ ứng dụng công nghệ giao tiếp trường gần (NFC). Cơ chế hoạt động của NFC là truyền tín hiệu vô tuyến giữa điện thoại và một thiết bị tiếp nhận tín hiệu khi chạm vào nhau hoặc cách nhau 2-3 cm. Công nghệ NFC sẽ mã hóa từng giao dịch để đảm bảo an toàn.
Bằng cách này, khách hàng sở hữu iPhone 6, iPhone 6 Plus và Apple Watch chỉ cần chụp lại ảnh chiếc thẻ thanh toán của mình và xác nhận nó với ngân hàng. Sau đó, khi cần thanh toán cho món hàng nào, họ chỉ việc đặt chiếc iPhone 6 hay Apple Watch lại gần một đầu đọc dữ liệu để xử lý thông tin và xác nhận khoản thanh toán đó bằng công nghệ bảo mật ID Touch.
Apple cho biết "Apple Pay", như tên gọi của dịch vụ thanh toán mới này, có thể lưu trữ thông tin của một số loại thẻ tín dụng như Visa, MasterCard hay American Express và được chấp thuận thanh toán tại một số hệ thống cửa hàng như Macy, Bloomingdale, McDonald, Whole Foods...
Apple cho phép người mua hàng chỉ cần dùng điện thoại hay đồng hồ của mình để thanh toán. |
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, triển vọng thanh toán qua thiết bị di động nằm ở chỗ kết hợp thói quen chi tiêu trực tuyến của người tiêu dùng với hành vi mua sắm tại các cửa hàng truyền thống. Dữ liệu thu thập được trên trang web có thể giúp doanh nghiệp tính toán giảm giá hàng hóa, lập kế hoạch hàng tồn kho một cách hiệu quả hơn. Đó chính là những lý do mà các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống lâu nay cảm thấy e ngại khi cạnh tranh với những đối thủ tồn tại chủ yếu trên Internet như Amazon.
Tuy nhiên, thanh toán di động, còn được gọi là ví điện tử, chưa thể hình thành ngay một xu thế mạnh mẽ cho dù nhiều đại gia như eBay, Google đã đặt chân vào cuộc chơi.
Niềm tin chờ kiểm chứng
Hiện vẫn chưa có nhiều cửa hàng truyền thống chấp nhận hình thức thanh toán này. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng vẫn luôn phải mang theo chiếc thẻ tín dụng bên mình.
Ngoài ra, dù được ca ngợi rất nhiều nhưng NFC chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Công nghệ này chủ yếu thông dụng ở châu Á và châu Âu chứ chưa được đón nhận nhiệt tình ở Mỹ.
Đối với Apple Pay thì hiện chưa rõ có được các nhà bán lẻ chấp nhận rộng rãi hay không, nhất là khi một số nhà bán lẻ lớn còn đang trong quá trình tự
triển khai công nghệ thanh toán di động cho riêng mình.
Mặc dù Apple đã công bố tên một số đối tác bán lẻ uy tín, bao gồm cả Macy và McDonald, nhưng còn rất nhiều cái tên nổi tiếng khác chưa sẵn sàng tham gia. Một phần nguyên nhân là do Apple Pay có thể khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn, từ đó phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật dữ liệu cũng là nội dung rất được quan tâm. Trưởng bộ phận phần mềm và dịch vụ của Apple, Eddy Cue, đã phải tuyên bố rõ ràng rằng Apple sẽ không lưu trữ số thẻ tín dụng của khách hàng hay phát tán nó tới các nhà bán lẻ. Cam kết này đã "được lòng" nhiều đơn vị bán lẻ và ngân hàng, những nạn nhân chủ yếu của nạn đánh cắp thông tin thẻ tín dụng. Mỹ hiện là nước gặp nhiều rắc rối nhất thế giới liên quan đến gian lận trong thanh toán, với mức thiệt hại tăng 14,5% lên 5,3 tỷ USD trong năm 2012.
Bất chấp những trở ngại có thể gặp phải, Apple dường như có niềm tin rất mãnh liệt vào sự thành công của Apple Pay. Không phải vô cớ mà CEO Tim Cook tuyên bố rất hùng hồn rằng "Apple Pay sẽ làm thay đổi mãi mãi cách thức mua sắm của chúng ta."