Đối với Nie Miao (Bắc Kinh, Trung Quốc), việc bỏ ra 5.000 tệ (749 USD) để mua một chiếc iPhone 6S từ Apple “không phải là lựa chọn thông minh”.
Nguyên nhân vì một phần lớn trong khoản lương 7.000 tệ/tháng (khoảng gần 1.050 USD) của anh phải dành cho căn hộ trong thành phố anh mới mua năm ngoái. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là anh vẫn đang hoàn toàn hài lòng với chiếc di động giá 2.000 tệ từ Huawei.
Suy nghĩ của anh chàng 29 tuổi này là ví dụ thực tế cho những thách thức mà Apple phải đối mặt tại Trung Quốc, nơi họ đang mất dần đất diễn vào tay các đối thủ nội địa.
Sau khi công bố doanh số sụt giảm quý thứ II liên tiếp tại Trung Quốc vào tháng 4, CEO Tim Cook vừa tiếp tục mang tin buồn đến cho nhà đầu tư trong buổi báo cáo tài chính hôm 26/7. Trung Quốc mang về 1/4 doanh thu cho Apple trong năm 2015.
Apple gặp khó khăn lớn tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: CNBC. |
Trong khi đó, cứ 4 smartphone bán ra tại Trung Quốc thì có một điện thoại Huawei trong 3 tháng vừa qua. Hãng này đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất lớn nhất tại các vùng đô thị Trung Quốc, theo số liệu của Kantar Group. Oppo cũng có bước nhảy vọt khi đạt thị phần 8%.
“Điện thoại giá rẻ đã trở nên đủ tốt”, Abhey Lamba - nhà phân tích của Mizuho Securities chia sẻ. “Apple làm tốt ở mảng cao cấp nhưng đây là nhóm thị trường tăng trưởng chậm”.
iPhone SE, chiếc smartphone nhắm đến khách hàng mới tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc không đạt được mục đích của mình, Lamba cho hay.
Apple có thể thúc đẩy doanh số tại Trung Quốc khi họ ra mắt iPhone mới cuối năm nay, bên cạnh việc mở thêm các cửa hàng Apple Store mới. Đó là một trong những lý do Huawei và Oppo tung ra những chiếc smartphone đầu bảng mới sớm hơn, nhằm đón đầu táo khuyết.
“Tại Trung Quốc, vòng đời nâng cấp sản phẩm là 2 năm”, Lauren Guenveur của Kantar cho hay. “Họ có thể sẽ hào hứng với iPhone 7, điều mà iPhone 6S và 6S Plus không có được”. Tuy nhiên, chi phí có thể là vấn đề lớn. Một chiếc iPhone 6S 16 GB có giá từ 5.288 tệ (792 USD), trong khi smartphone cao cấp nhất của Huawei - chiếc P9 - có giá 3.688 tệ (552 USD), với dung lượng 64 GB, cảm biến vân tay và 2 camera sau.
So sánh cấu hình và giá bán của iPhone 6S, Huawei P9 và Oppo R9. |
“So sánh không hoàn toàn chính xác nhưng đây là mức giá khá mềm so với iPhone”, Guenveur cho hay. “Cũng có yếu tố tự hào dân tộc nhất định ở đây khi người dùng Trung Quốc sở hữu một chiếc smartphone Trung Quốc”.
'Đủ tốt'
“Nếu bạn nhìn một chiếc smartphone của Huawei hay Xiaomi, bạn sẽ thấy chúng đủ tốt”, John Butler - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho hay. “Chúng có thời lượng pin tốt, màn hình đẹp và tính năng tuyệt vời”.
Doanh số của Apple tại Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2013 đến 2015, lên 59 tỷ USD. Họ cố gắng lấy lòng chính phủ Trung Quốc, bằng những chuyến thăm liên tục của CEO Tim Cook đến nước này và khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing mới đây.
Sự lớn mạnh của các đối thủ như Huawei, Oppo đang khiến Apple "khó thở". |
“Apple kỳ vọng tăng trưởng sẽ đến bằng việc tầng lớp trung lưu ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, nhóm người này lại có xu hướng chọn các sản phẩm nội địa”, Nicole Peng của Canalys nhận định.
Hệ điều hành iOS cứng nhắc của Apple cũng đang bị người dùng Trung Quốc phê phán bởi họ khó có thể cá nhân hóa nó theo ý muốn. Zhang Bin - người từ bỏ iPhone 5S để thay bằng một chiếc điện thoại Meizu vào năm 2014 - là một ví dụ.
“Tôi muốn một sự linh động: tùy biến font chữ, giao diện”, chuyên gia máy tính 32 tuổi tại Bắc Kinh cho biết. “Apple không cho phép người dùng làm bất cứ điều gì”.
Đó là chưa kể, Apple gặp phải các vấn đề lớn về pháp lý tại Trung Quốc. Công ty này buộc phải đóng cửa iTunes Movies và iBook chỉ 6 tháng sau khi chúng chính thức vận hành. Họ cũng vừa thất bại trong cuộc chiến bản quyền với một công ty vô danh, liên quan đến thương hiệu “IPHONE” và có nguy cơ bị cấm bán iPhone 6 và 6 Plus.
“Rất khó để một công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc”, Julie Ask của Forrester Research cho hay. “Dường như luôn có những lợi thế bất tận dành cho các công ty nội địa tại thị trường này”.