Theo dõi sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple đêm 9/9, người dùng dễ lạc vào một mê cung của sự hoa mĩ: từ iPad Pro "mạnh mẽ", bút cảm ứng Apple Pencil "thần kỳ" cho đến iPhone 6S màu vàng hồng "độc đáo". Tất cả những sản phẩm đó nhằm duy trì một chiến lược đơn giản: đem lại tỉ suất lợi nhuận cao nhất có thể cho "quả táo".
Nhìn qua một lăng kính vô cảm, câu hỏi duy nhất Apple đặt ra khi dự định trình làng một sản phẩm mới là: "Tôi có thể thu về bao nhiều tiền cho mỗi đơn vị sản phẩm bán ra?". Đó là cách tiếp cận đơn giản nhất trong một thị trường khó khăn và phức tạp.
Đối diện với doanh số sụt giảm từng ngày của iPad - sản phẩm đem về doanh thu nhiều thứ 2 cho Apple, Tim Cook tỏ ra tự tin. Và rồi, họ ra mắt iPad Pro với giá khởi điểm từ 799 USD. Apple cho thấy nhiều thứ không giống ai ở quyết định này.
Apple chọn giải quyết tình trang sụt giảm doanh số iPad bằng cách tung ra một sản phẩm có giá cao hơn nhiều là iPad Pro. Ảnh: Wired. |
Thông thường, khi đối mặt với tình trạng doanh số trì trệ giống như Apple gặp phải với iPad, các công ty sẽ tìm cách kích cầu bằng việc giảm giá bán, thêm tính năng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, họ chấp nhận giảm lợi nhuận, với hy vọng thu được doanh số bán tốt hơn.
Đó là cách các cuộc chiến giá cả bắt đầu, từ TV màn hình lớn, smartphone Android... Trong các cuộc chiến đó, người dùng là đối tượng được hưởng lợi. Họ được mua sản phẩm chất lượng với giá tốt hơn, nhiều lựa chọn hơn. Với việc ra mắt iPad Pro, Apple cho thấy họ từ chối tham gia vào những cuộc chiến kiểu này.
Họ chọn tiến một bước xa hơn ở nhóm sản phẩm cao cấp để trả lời cho tình trạng trì trệ của iPad. Thay vì giảm giá để chống lại Samsung và phần còn lại, họ đưa ra một khung giá cao hơn, trang bị để biến iPad Pro thành thiết bị 2-trong-1 đầu tiên.
Tim Cook cho biết, ông không sợ iPad Pro làm ảnh hưởng đến doanh số của máy Mac. Thay vào đó, ông coi nó như mối đe doạ đối với máy tính chạy Windows. Không lạ khi Phil Schiller (Phó chủ tịch marketing) so sánh chip xử lý A9x của iPad Pro với laptop Windows, tuyên bố nó nhanh hơn 80% so với nhiều laptop phổ thông.
Không chỉ đi những nước cờ không giống ai với iPad, việc Apple giữ lại iPhone phiên bản 16 GB cũng gây nhiều bất mãn cho các fan trung thành trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, động thái đó, trong mắt của những kế toán viên, lại là một sự hợp lý đến hoàn hảo.
iPhone đang bán chạy với tốc độ chưa từng có. Apple do đó không cần thiết phải nâng cấp lên bản 32 GB để thu hút người dùng. Thay vào đó, họ giữ lại bản 16 GB để kích thích người dùng chọn những bản dung lượng cao hơn, đem đến tỉ suất lợi nhuận lớn hơn. Apple chỉ mất khoảng 20 USD chi phí để nâng cấp từ bản 16 GB lên 64 GB, nhưng với người dùng, họ sẽ phải bỏ ra thêm 100 USD.
Sau màn ra mắt iPhone 6S và 6S Plus hôm 9/9, lại có thêm một bằng chứng khác cho thấy, Apple đang "ép" người dùng chọn những bản iPhone mới và đắt tiền. Đó là việc hãng khai tử màu vàng trên các model cũ, khiến màu vàng và vàng hồng trở thành độc quyền trên iPhone 6S và 6S Plus. Nếu muốn sở hữu một sản phẩm với màu sắc cá tính, người dùng chỉ có thể chọn bộ đôi này.
Màu vàng và vàng hồng chỉ có duy nhất trên iPhone 6S và 6S Plus - smartphone có giá cao nhất của Apple hiện tại. Ảnh: Apple. |
Việc hợp tác, tung bản Apple Watch với dây đeo và giao diện Hermes cũng không nằm ngoài mục đích tương tự. Không gì duy trì lợi nhuận tốt hơn cho sản phẩm bằng cách gắn nó với các thương hiệu xa xỉ. Apple muốn đưa Watch vượt khỏi tầm một sản phẩm công nghệ với các tính năng thuần tuý. Thay vào đó, họ muốn sở hữu trong tay nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả một cách hào phóng để được hưởng giá trị và dịch vụ chất lượng cao. Tất nhiên, đi kèm với đó là lợi nhuận không thể đo đếm.
Đã có nhiều nhà phân tích dự đoán, Apple muốn chuyển mình từ công ty sản xuất phần cứng sang nhà cung cấp dịch vụ và phần mềm. Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng. Apple Pay được phát hành miễn phí. Apple Music có giá chỉ khoảng vài USD/tháng tại nhiều thị trường. Những dịch vụ đó chỉ là công cụ để họ làm hấp dẫn thêm các sản phẩm như iPhone, iPad, làm chậm quá trình đi xuống của thương hiệu sản phẩm khi nó đã có dấu hiệu đạt đến đỉnh điểm.
Nguyên lý của Apple không thay đổi: lợi nhuận là tối thượng. Hãy cứ tin rằng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch, cho dù họ kinh doanh sản phẩm gì, điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, đồng hồ hay sau này là xe hơi.