Theo số liệu mới nhất từ Canalys, Apple chiếm 22% thị phần trong tổng doanh số bán hàng trong quý IV/2021, xếp ngay sau là Samsung với 20%. Mặc dù phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt vi xử lý, Apple đã nhanh chóng cắt giảm sản lượng iPad để dồn lực cho dòng iPhone 13 với tiềm năng lớn hơn.
Bốn phiên bản iPhone 13 ra mắt vào giữa tháng 9/2021 tuy không sở hữu thay đổi mang tính đột phá nhưng vẫn thu hút người dùng nhờ hiệu năng mạnh mẽ, camera tốt và tần số quét màn hình mượt mà hơn.
“Apple đã trở lại ngôi đầu thị trường điện thoại thông minh sau 3 quý, nhờ vào doanh số xuất sắc của iPhone 13 series”, nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys nhận định.
Apple trở lại vị thế nhà sản xuất smartphone số 1 trên toàn cầu. Ảnh: Canalys. |
Ngoài ra, chiến lược bán hàng của Apple tại thị trường Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào thành công của các dòng iPhone 13.
“Apple đã đạt doanh số iPhone chưa từng có ở Trung Quốc, nhờ việc định giá chính xác cho các thiết bị hàng đầu của họ nhằm giữ cho giá trị luôn ở mức tối đa”, Chaurasia cho biết thêm.
Hiện tại, chuỗi cung ứng của Apple đang bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Canalys, Táo khuyết vẫn buộc phải cắt giảm sản lượng trong quý IV do thiếu hụt các linh kiện quan trọng và không thể đáp ứng đủ sản lượng iPhone cho thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, tại các thị trường nằm trong diện ưu tiên, Apple được cho vẫn duy trì số lượng và giao hàng đầy đủ. Tại một số thị trường nhỏ, người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn mua 1 chiếc iPhone 13 ưng ý, đúng phiên bản, chủ yếu do giá thành tăng cao và tình trạng khan hiếm hàng.
Thực tế, quý cuối cùng trong năm thường được coi là mùa cao điểm của các thiết bị công nghệ. Đây là khoảng thời gian người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và nâng cấp thiết bị của họ.
Tuy nhiên, Canalys lưu ý trong báo cáo rằng tổng số máy xuất xưởng trong quý chỉ tăng 1% do các nhà cung cấp gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng. Ngoài ra, sự bùng phát trở lại của Covid-19 cũng khiến các nhà máy thiếu nhân công để đáp ứng hoạt động sản xuất.
Ngoài Apple và Samsung, gã khổng lồ smartphone của Trung Quốc là Xiaomi dường như cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Công ty này đã rơi từ vị trí đầu bảng xuống vị trí thứ 3 với chỉ 12%. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc giá rẻ của các đối thủ trong nước là Oppo và Vivo cũng khiến thị phần của Xiaomi có sự sụt giảm đáng kể.
Tuy đại dịch và tình trạng thiếu chip vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức, Canalys kỳ vọng doanh số bán hàng và chuỗi cung ứng sẽ sớm ổn định trở lại trong năm 2022.