Nhật Bản đang đi đầu trong nỗ lực đưa ra những quy định mới về đầu tư hạ tầng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó chú trọng tính bền vững và minh bạch về tài chính nhằm giúp các nước đi vay không rơi vào bẫy nợ, theo Nikkei Asian Review.
Nhật và một số thành viên khác của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ đề xuất cập nhật "Hướng dẫn của APEC về Chất lượng Phát triển và Đầu tư Hạ tầng" mà tổ chức gồm 21 nền kinh tế ban hành cách đây 4 năm.
Các dự án hạ tầng với tiền vay từ Trung Quốc đã khiến một số nước châu Á gánh nợ nhiều hơn mức họ có thể xử lý. Ảnh: Reuters. |
Các bộ trưởng APEC sẽ xác nhận điều khoản này tại hội nghị diễn ra vào ngày 15/11 ở Papua New Guinea. Các nhà lãnh đạo trong khối dự kiến thông qua ý tưởng về việc thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng cao tại hội nghị được tổ chức vào cuối tuần.
Sổ tay hướng dẫn đầu tư hiện tại tập trung vào vòng đời của một dự án hạ tầng, bao gồm hiệu suất và tính lâu bền, cũng như tác động đến môi trường và các yếu tố như sự an toàn và khả năng duy trì.
Phiên bản mới dự kiến cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc đảm bảo dự án hợp lý về khía cạnh tài chính.
Việc đề xuất cập nhật quy định diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mạnh tay chi tiền đầu tư vào các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai, Con đường" nhưng không phải lúc nào cũng quan tâm đến khả năng tài chính của nước sở tại. Năm 2017, Sri Lanka quyết định bàn giao cảng Hambantota chiến lược cho một công ty nhà nước Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm để trả nợ cho Bắc Kinh.
Nhóm G7 (7 nước công nghiệp phát triển) từng ban hành một bộ nguyên tắc về đầu tư hạ tầng tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017, song chưa từng có tài liệu tương tự nào liên quan đến Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Các thành viên APEC hy vọng những kỳ vọng chung sẽ giúp giảm thiểu vấn đề liên quan đến đầu tư trong khối.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), châu lục cần đầu tư 26.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030 để duy trì động lực tăng trưởng.