Những thay đổi trong môi trường chiến lược cuối cùng đã khiến các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tự vấn lại về triển vọng của đại sáng kiến "Vành Đai, Con Đường".
Được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ cuối năm 2013 với tên gọi ban đầu là "Một Vành Đai, Một Con Đường", đến nay sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" đã vươn đến hơn 65 quốc gia với các dự án đầu tư hạ tầng kết nối như đường sắt, cảng biển, cầu đường... Dù vậy, hàng loại những lời chỉ trích và nguy cơ dấy lên cũng khiến Bắc Kinh phải xem xét lại việc chiến lược này sẽ đi xa đến đâu.
South China Morning Post dẫn lời một người thạo tin cho biết cảm giác nghi ngại rõ đến nỗi trong một cuộc họp hồi đầu năm nay, Chủ tịch Tập đã yêu cầu các quan chức phụ trách triển khai sáng kiến phải báo cáo cho ông về những nguy cơ mà nhiều dự án đang đối mặt.
Trong lúc các quan chức đang định gây ấn tượng trước ông bằng việc miêu tả tiến độ của chương trình, chủ tịch Trung Quốc đã cắt ngang lời họ và yêu cầu thông tin về các nguy cơ và khó khăn của chiến lược này.
"Vành Đai, Con Đường" là sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và được xem là tham vọng của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Á - Âu - Phi. Ảnh: Reuters. |
Nghi ngờ "bẫy nợ" cùng thành tích đầy tranh cãi
"Vành Đai, Con Đường" được quảng bá như một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm "thúc đẩy liên kết vùng và chờ đón một tương lai tươi sáng hơn". Trong khi đó, những người chỉ trích Trung Quốc xem đó là một chiến lược nhằm tạo dựng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, thông qua hệ thống thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.
"Vành Đai, Con Đường" đến nay đã nối một khu vực rộng lớn gồm hơn 65 quốc gia có tổng giá trị GDP lên đến 23.000 tỷ USD và tổng dân số 4,4 tỷ người, một mặt thúc đẩy lợi ích chính trị của Bắc Kinh ở nước ngoài, một mặt giảm nhẹ sức ép quá tải trong nước.
Sáng kiến của chủ tịch Trung Quốc tập trung vào việc phát triển hạ tầng và đã trở thành mô hình không chỉ cho những nước phát triển mà còn được nhiều quốc gia công nghiệp hóa tại châu Âu và Bắc Mỹ, những quốc gia với hệ thống hạ tầng cũ kỹ, chào đón.
Các dự án nổi bật trong "Vành Đai, Con Đường" bao gồm cơ sở công nghiệp trị giá 5 tỷ USD của Trung Quốc hợp tác với Belarus, dự án cầu và đường sắt 3,1 tỷ USD ở Bangladesh cùng tuyến đường sắt 5,8 tỷ USD nối Trung Quốc với Lào.
Các công trình có vốn Trung Quốc khác nằm trong sáng kiến bao gồm xây dựng nhà máy lọc dầu 10 tỷ USD ở Saudi Arabia, một thành phố mới cạnh cảng Colombo, cảng lớn và bận rộn nhất Sri Lanka, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD trong 25 năm tới, tuyến đường chở hàng nối bờ biển phía đông của Trung Quốc với London.
South China Morning Post nhận định rằng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có nhiều trở ngại phải vượt qua ngay tại quê nhà trước khi đạt đến tham vọng to lớn của "Vành Đai, Con Đường".
Bên trong Trung Quốc, sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" làm dấy lên quan ngại và ngờ vực về chuyện nó có thể cải thiện hệ thống phúc lợi của họ. Ở ngoài, đại chiến lược này được mô tả như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gài các nước nhỏ hơn vào "bẫy nợ" và tăng cường sự phụ thuộc với họ.
"Khi 'Vành Đai, Con Đường' ra mắt cách đây 5 năm, nó chủ yếu nhắm vào vùng Á - Âu", South China Morning Post dẫn lời Wang Yiwei, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh. "Không ai ngờ việc nó sẽ mở rộng ra và vươn đến cả châu Phi".
Trong khi sáng kiến này mở rộng về quy mô, các công ty và thậm chí chính quyền nhiều địa phương của Trung Quốc đã quảng cáo các dự án của họ là một phần của sáng kiến. Việc này đôi khi ảnh hưởng đến đại cục.
"Tiếng tăm của sáng kiến bị tổn hại khi nhiều người và tổ chức cố gắng xuất khẩu những tài sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và họ nói họ làm thế vì sáng kiến", Wang nói.
Môi trường chiến lược thay đổi
Trong nỗ lực để vươn tới một chiến lược phát triển tập trung vào kết nối và hợp tác, Trung Quốc cũng đối mặt với sự canh tranh từ Mỹ hay Liên minh châu Âu.
Cuối tháng 7, Hạ viện Mỹ thông qua "Đạo luật vận dụng hiệu quả đầu tư phát triển 2018". Sau khi đạo luật được Tổng thống Donald Trump phê duyệt, Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) sẽ được tăng gấp đôi trần vốn họ có thể đầu tư cho các dự án hạ tầng, với mức trần mới lên đến 60 tỷ USD.
OPIC là một cơ quan của chính phủ Mỹ có chức năng hỗ trợ định hướng dòng vốn tư nhân của Mỹ cho các dự án phát triển ở nước ngoài, dưới hình thức các khoản vay hoặc quỹ đầu tư.
Liên minh châu Âu hồi tháng trước cũng xúc tiến chương trình kết nối với châu Á. Dự án của EU nhấn mạnh vào tính bền vững và minh bạch, điều mà "Vành Đai, Con Đường" thường bị chỉ trích là thiếu vắng.
Cảng Hambantota của Sri Lanka trở lại biểu tượng cho hậu quả của những khoản vay thuộc sáng kiến Vành Đai, Con Đường. Ảnh: Reuters. |
Các nhà chỉ trích cảnh báo những nước nghèo có thể lâm vào các khoản nợ lớn với Trung Quốc nếu không cưỡng được sức hấp dẫn từ các khoản đầu tư của Bắc Kinh.
"Tất cả những người liên quan đều thấy rằng tỷ lệ nợ trên tài sản đã vượt mức bền vững", South China Morning Post dẫn lời Abourahman Boreh, người từng đứng đầu cơ quan quản lý cảng và các khu vực tự do thương mại tại Djibouti.
"Quan điểm của tôi là việc có một lực lượng nhà đầu tư nước ngoài phong phú, đi cùng với phát triển nối tiếp và chia sẻ lợi ích với người địa phương là con đường bền vững duy nhất cho các nước đang phát triển như Djibouti".
Sri Lanka đã vay của Trung Quốc những khoản vay khổng lồ để xây dựng cảng Hambantota trong khi cảng này giờ vẫn đang chật vật để tìm kiếm tàu bè. Hồi tháng 12/2017, nước này phải chuyển quyền kiểm soát khu cảng này và khu đất xung quanh đấy cho Trung Quốc thuê 99 năm để "gán nợ".
Những nước đang phát triển nằm trên "Vành Đai, Con Đường" thường là đối tượng dễ bị "tổn thương" vì tiền Trung Quốc do hệ thống chính trị, pháp lý và thương mại còn nhiều lỗ hổng. Mỗi thời điểm chuyển giao quyền lực thường kéo theo các vấn đề.
Đơn cử, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ các dự án khổng lồ có vốn Trung Quốc ở nước này như công trình đường sắt 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD. Thủ tướng mới nói rằng nước ông không thể chi trả nổi cho những công trình này và chúng không thật sự cần thiết.
Việc thay đổi chính quyền tại Pakistan cũng báo hiệu nhiều thỏa thuận trong dự án tỷ USD Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ bị rút lại.
Nỗ lực tránh "hiệu ứng Sri Lanka"
Trung Quốc tất nhiên sẽ không từ bỏ sáng kiến này. Trong bài phát biểu mở màn Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi hồi tháng 9, Chủ tịch Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ viện trợ 60 tỷ USD cho châu Phi và hủy bỏ các món nợ chưa trả được cho một vài quốc gia.
Đầu năm nay, trong một hội thảo kỷ niệm dự án này, Chủ tịch Tập nói rằng Trung Quốc không tìm kiếm một liên minh quân sự hay địa chính trị thông qua "Vành Đai, Con Đường". Ông cũng nói rằng Trung Quốc cần điều chỉnh dự án này, tập trung vào các dự án chất lượng cao và mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc sẽ điều chỉnh bằng việc các bộ Thương mại và Ngoại giao đang ra chính sách và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia tập trung vào việc kiểm soát rủi ro.
Các cơ quan của Trung Quốc đã tạo bộ dữ liệu để đánh giá tính hiệu quả của các công trình. Vào năm 2016, một nhóm học giả Đại học Bắc Kinh bắt đầu cho xuất bản "Năm Chỉ số Kết nối" để đánh giá các khoản đầu tư của Trung Quốc dưới bóng "Vành Đai, Con Đường".
Thành bại của sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" trong nước sẽ ảnh hưởng đến uy tín của giới lãnh đạo Trung Quốc trong nước. Ảnh: Reuters. |
Feng Zhongping, Phó chủ tịch Viện Trung Quốc về Quan hệ Quốc tế Đương đại và là một trong những tác giả chủ biên công trình, nói rằng tài liệu này có thể "mang lại một phương thức khoa học để hiểu về quá trình kết nối".
Tần suất các cuộc thăm viếng qua lại của lãnh đạo các quốc gia nằm trên "Vành Đai, Con Đường" với Trung Quốc, cùng với sự ổn định chính trị, hệ thống pháp lý, các chỉ số giao thương, hoán đổi tiền tệ và số du khách đều được mang ra đánh giá để tính toán hiệu quả các khoản đầu tư.
Ví dụ, Nga, Singapore, Malaysia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và Kazakhstan được đánh giá là những nơi có kết nối tốt nhất với sáng kiến. Trong khi đó, Yemen và Bhutan bị xếp ở cuối, lý do là liên kết kém về chính sách.
Zhixing Zhang, nhà phân tích cấp cao về Đông Á của Stratfor, một tổ chức nghiên cứu thông tin tình báo đặt ở Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã học được cách vượt qua các trở ngại đặt ra trên "Vành Đai, Con Đường".
"Những nghi kỵ và đối thủ chiến lược là kết quả của thực tế chiến lược mà trước sau gì Bắc Kinh cũng phải đối mặt", ông nói. "Việc họ điều chỉnh hướng tiếp cận và thích nghi với môi trường chiến lược thay đổi như thế nào sẽ tạo dựng tương lai của sáng kiến".
Huong Le Thu, nhà phân tích cấp cao ở Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, nói rằng Bắc Kinh cần giải quyết các vấn đề trên để tránh tổn hại thêm tiếng tăm của mình.
"Nếu Trung Quốc không điều chỉnh lại mô hình 'bẫy nợ' của họ, 'hiệu ứng Sri Lanka' sẽ xảy đến - tức là cảng Hambantota của Sri Lanka sẽ trở thành đại diện cho bức tranh bêu xấu Bắc Kinh", bà nói.