Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áp trần giá sữa: Bình ổn vẫn bất ổn

Dư luận nói chung đồng tình với việc áp giá sữa. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, hình thức quản lý giá theo kiểu hành chính này liệu kéo dài được bao lâu?

Thực tế, ngay trước khi biết Bộ Tài chính chuẩn bị áp giá trần một số sản phẩm sữa khoảng 1 tháng, nhiều chiêu thức “phản công” của doanh nghiệp (DN) sữa đã bắt đầu được áp dụng.

DN “bắt nọn” Bộ Tài chính”

Trên thị trường, sữa Mead Johnson đã đồng loạt thay đổi toàn bộ mẫu mã, bao bì và tung ra quảng cáo cải tiến sản phẩm theo công thức mới “360 độ Brain Plus”, nhằm cho con phát triển toàn diện như thông minh hơn, phát triển cảm xúc, giao tiếp và khả năng vận động... Tuy nhiên, bảng thành phần dinh dưỡng trên các hộp sữa của hãng này cũng như tất cả các hãng sữa khác cũng có DHA, rồi sắt, axit folic, đồng, mangan, iot, các vitamin... Thật khó để biết, liệu có sự khác biệt thực sự nào không ở các vi chất dinh dưỡng này? Công thức mới kia liệu ưu việt đến đâu, hay chỉ thấy hệ quả tất yếu là hàng triệu ông bố bà mẹ phải cắn răng trả tiền thêm 7-11%?

Khi giá sữa thế giới biến động, giá trần mặt hàng sữa trong nước sẽ thế nào ?
Khi giá sữa thế giới biến động, giá trần mặt hàng sữa trong nước sẽ thế nào?

Trong khi đó, những sản phẩm Enfamil và Enfagrow giờ chỉ khác duy nhất là... tên dài hơn, với cái đuôi “360 độ Brain Plus”. Với cơ quan quản lý, đây lại là sản phẩm mới, có thể không thuộc diện bình ổn. Trong khi về bản chất, theo các chuyên gia, đây chỉ là trò "bình mới rượu cũ", và Mead Johnson đã ngang nhiên tăng giá mà không cần xin phép. Chiêu này đang khiến bảng giá trần của Bộ Tài chính áp cho 5 mặt hàng sữa của Mead Johnson có thể... sắp đi vào dĩ vãng khi dường như 5 mặt hàng này đã bị chính DN có kế hoạch "khai tử" trên danh nghĩa.

Cùng đó, một hãng sữa lớn khác của Mỹ là Abbott lại tung chiêu "rút ruột", giảm tới 50g, từ hộp 900g xuống còn 850g đối với dòng sữa Pediasure nhưng giá vẫn giữ nguyên 580.000 đồng. Mặc dù, Cục quản lý Giá cho rằng, Abbott không làm sai vì... dòng sữa này không thuộc diện bình ổn, theo danh mục của Thông tư 30 mà Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, động thái trên của Abbott đã đẩy giá sữa tăng một mức khá cao.

Quản lý theo hướng nào?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện không ít “chiêu” lách luật của DN, như thay đổi mẫu mã, trọng lượng. Để tránh tình trạng này, quy định sắp được áp dụng sẽ nêu rõ các trường hợp thay đổi về trọng lượng so với sản phẩm sữa trong bảng giá trần. Những sản phẩm này phải được tính toán lại giá trần dựa theo trọng lượng mới dựa trên tỷ lệ của mặt hàng cũ trong bảng giá trần. Trường hợp có thay đổi quy cách đóng gói, bao bì mẫu mã và thông tin chất lượng, đại diện Bộ Tài chính cho biết, các mặt hàng này phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì mới được coi là sản phẩm mới và phải tính lại giá bán tối đa.

Ông Nghĩa khẳng định, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được việc thực thi giá trần của DN, bất kể, DN biện luận thế nào. Trong bảng giá trần, Bộ đã loại bỏ các chi phí bất thường, không hợp lý, hợp lệ của DN đồng thời, đảm bảo DN có lợi nhuận hợp lý.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh băn khoăn, quản lý mặt hàng sữa bằng biện pháp quy định giá trần là rất khó vì sản phẩm rất đa dạng. Chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá. Do đó, lấy sản phẩm của DN này so sánh với DN kia đã là rất khó khăn. Còn nếu tính theo phương pháp chi phí, chỉ có DN trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực. “Thực tế hiện nay, Nhà nước không chủ động được nguồn cung sữa mà phải nhập khẩu lớn. Vậy khi giá sữa thế giới biến động, giá trần mặt hàng sữa trong nước sẽ thế nào?” - Chuyên gia này đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia này, trách nhiệm quản lý giá sữa thuộc Bộ Tài chính, kiểm soát giá sữa cần dựa vào cơ cấu giá thành bao gồm giá vốn, chi phí quảng cáo, tiếp thị, cộng với lợi nhuận, chiết khấu đại lý… từ đó sẽ biết giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao thấp ra sao. Thời gian qua, cơ quan quản lý “buông lỏng” quản lý nên mới để xảy ra tình trạng loạn giá sữa”.

Áp trần giá sữa: Thị trường hay áp đặt ?

Lần đầu tiên mặt hàng sữa, cả nội lẫn ngoại, bị áp giá trần từ ngày 1/6/2014 với mức giảm khoảng 15%-20% so với mức các DN sữa kê khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh biện pháp quản lý thị trường bằng áp trần giá sữa của Bộ Tài chính.

Hài hòa lợi ích

Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính: Bộ Tài chính quyết định áp dụng biện pháp khống chế giá trần với mặt hàng sữa cho trẻ em căn cứ vào các quy định tại Điều 15,16,17 và 18 của Luật Giá, trong đó có quy định sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm nằm trong Danh mục bình ổn giá, và trong đó cũng quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quy định áp dụng bình ổn giá (ở đây là Chính phủ).

Căn cứ thứ hai là khi Bộ Tài chính báo cáo kết quả thanh tra, kiến nghị biện pháp thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 29 về chủ trương bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các chủ trương cụ thể theo quy định tại khoản 4, khoản 7, Điều 17 đã được Chính phủ thống nhất thông qua trong Nghị quyết.

Thứ ba, xuất phát từ diễn biến thị trường trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 cùng các kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Về kinh doanh, chúng ta quản lý giá sữa theo cơ chế thị trường, nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước theo chủ trương chung. Trong vấn đề này phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, Nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt ở đây người tiêu dùng là đối tượng rất nhạy cảm-trẻ em dưới 6 tuổi, mà theo thống kê của chúng tôi hiện nay, nước ta có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ Tài chính cũng nghiên cứu và thấy rằng việc chúng ta áp dụng giá trần hoàn toàn không vi phạm cam kết quốc tế. Ví dụ, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) cũng nói là việc này phải không để ảnh hưởng đến những nước xuất khẩu sữa vào VN, đồng thời chúng ta cũng bảo đảm khả năng cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài. Đây là những căn cứ rất quan trọng để Bộ Tài chính áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa theo giá trần.

Năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã thanh tra các công ty và thấy rằng 5 công ty đều tăng giá bán sữa và không có điều chỉnh giảm. Các DN này đã chiếm tới 90% thị phần sữa tại VN và 25 sản phẩm sữa công bố lần này cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng chiếm trên 60% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Do là việc làm lần đầu tiên nên Bộ Tài chính sẽ tiếp tục từng bước điều chỉnh và ngay trong quyết định áp trần giá sữa, Bộ cũng quy định các sản phẩm còn lại phải căn cứ vào đây và phương pháp hướng dẫn để DN đăng ký giá với cơ quan Nhà nước. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục công nhận trên cơ sở khung giá hợp lý.

Mất đi tính cạnh tranh của DN

Ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Công ty FrieslandCampina Việt Nam: Việc áp dụng giá trần là không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, khi mà người tiêu dùng hiện nay rất thông minh và dễ dàng phân biệt các sản phẩm có chất lượng với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, giữa các DN luôn có sự cạnh tranh gay gắt để có giá bán hấp dẫn cho người tiêu dùng nhất. Áp giá trần sẽ làm mất đi tính cạnh tranh này. Và như thế các nhà sản xuất sẽ không còn động lực để nghiên cứu đầu tư cho ra những sản phẩm mới với những công thức dinh dưỡng vượt trội và chuyên biệt để phục vụ người tiêu dùng.

Chính sách giá trần này sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho các nhà bán buôn, cửa hàng bán lẻ và các kênh bán hàng hiện đại. Các đơn vị kinh doanh này đang giữ trong kho một số lượng lớn sản phẩm sữa mà họ đã thanh toán ở mức giá thị trường tại thời điểm mua hàng, và khi áp dụng giá trần họ sẽ buộc phải bán ở mức giá lỗ, vì thế thiệt hại cũng không nhỏ.

Công thức tính giá trần chưa thật sự thuyết phục. Ví dụ như cơ sở tính giá 15% cho người bán lẻ là như thế nào? Thời hạn áp dụng quá nhanh cũng làm cho các DN vô cùng mệt mỏi, vì phải chạy đua với thời gian để tính toán lại việc kinh doanh, thực hiện lại việc kê khai giá cả, thông báo cho hệ thống nhà phân phối cũng như các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đây là một sự lãng phí thời gian giữa thời điểm kinh doanh vô cùng khó khăn như hiện nay.

Trong những mặt hàng kinh doanh có lợi nhuận thì vẫn có những sản phẩm chúng tôi bán dưới giá thành, điều này thể hiện rất rõ trong đợt thanh tra vừa qua. Việc giảm giá nữa cho các sản phẩm này quả là một gánh nặng không thể nào lớn hơn cho các DN khi chúng tôi đã cố gắng cung cấp nhiều sự lựa chọn đa dạng phù hợp với điều kiện kinh tế của người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện nay khách hàng có tâm lý chờ đến khi áp dụng giá mới, như thế sẽ làm cho thị trường bị chững lại, hàng hóa không tiêu thụ được trong khi chi phí cho nhân công, vận hành nhà máy kho bãi, nguyên vật liệu… vẫn phải chi trả sẽ làm DN bị thiệt hại nặng nề.

Với tư cách là một nhà sản xuất với hơn 140 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng từ sữa, chúng tôi mong muốn được đối thoại với Bộ Tài chính để tìm ra giải pháp hợp lý hơn và ít ảnh hưởng đến thị trường như đã chia sẻ ở trên.

http://dddn.com.vn/thi-truong/ap-tran-gia-sua-binh-on-van-bat-on-20140529033431923.htm

Theo Bá Tú - Nguyễn Thành/ Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm