Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tài chính đề xuất khống chế trần giá sữa

Trước tình hình giá tăng cao, 5 công ty phân phối sữa cho trẻ dưới 6 tuổi có lợi nhuận tăng đến 23% chỉ năm 2013, Bộ Tài chính đã đề nghị khống chế mức giá trần với mặt hàng này.

Theo kết quả thanh tra giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi liên Bộ Tài chính - Công thương vừa công bố, 5 công ty bị thanh tra đợt này gồm Mead Johnson, công ty Nestle Việt Nam, công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty Friesland Campina, công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott). Các công ty này hiện chiếm 90% thị phần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, và đều thực hiện mua đứt bán đoàn thông qua hệ thống đại lý khách hàng.

Kết quả thanh tra cho thấy, trong thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2014, Mead Johnson, Nestle Việt Nam và Vinamilk đều thực hiện tăng giá bán. Cụ thể, Mead Johnson tăng 16/24 sản phẩm từ ngày 12/12/2013 với mức từ 11,033% đến 30,66%. Vinamilk tăng giá 27 trong số 32 sản phẩm từ ngày 10/2 và tiếp tục tăng 5 sản phẩm khác từ ngày 1/4, với mức 7-14%.  Nestle tăng 11 trong số 24 sản phẩm từ ngày 1/2, với mức 5% đến 9%. Riêng 3A và Friesland Campina đã tiến hành kê khai tăng nhưng đến 14/4 vẫn chưa thực hiện điều chỉnh.

Qua thanh tra các công ty trên, việc kê khai của Nestle được phát hiện là có sai phạm. Theo đó, Nestle tăng giá 14 sản phẩm nhưng chỉ kê khai 11, chưa thực hiện giải trình dù đã có văn bản đề nghị. Công ty này chưa hoàn tất hồ sơ kê khai giá nhưng vẫn thực hiện tăng, và chỉ trong 2 tháng, tiền chênh lệch mà Nestle Việt Nam thu được lên tới hơn 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành xử phạt hành chính những sai phạm của các doanh nghiệp có liên quan đến khoản mục chi phí sản xuất hợp lý. Riêng về chi phí quảng cáo quá lớn, bất hợp lý, Bộ đã thu thuế lợi tức từ các doanh nghiệp này. Thanh tra liên Bộ Tài chính - Công thương cũng cho biết, do giá sữa tăng quá nhanh và quá cao, lợi nhuận mà 5 doanh nghiệp này thu được vào năm 2013 đã tăng tới 23% so với năm trước.

Xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, căn cứ pháp luật và kinh nghiệm quản lý của một số nước, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ khống chế trần giá sữa, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, Mỹ là nước nhập khẩu sữa nhưng vẫn có chương trình trợ giá, EU cũng có cách làm tương tự. Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng áp dụng chính sách một giá sữa, hoặc chỉ tăng khi được Bộ Thương mại đồng ý.


Hạ Minh - Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm