Ngày 1/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh thành bão số 5.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Khí tượng (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh thành bão sẽ phức tạp, hiện các đài khí tượng quốc tế cũng có những dự báo khác nhau.
"Cơn bão này có khả năng ở lại trên biển hoặc có thể di chuyển theo hướng chệch ra ngoài, chúng tôi chưa thể khẳng định bão có di chuyển vào đất liền hay không", ông Năng cho biết.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão trên Biển Đông theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Việt Nam) và Đài khí tượng Hong Kong. |
Tuy nhiên, chuyên gia thời tiết nhận định, ảnh hưởng của bão sẽ khiến các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có mưa lớn trong các ngày 2-6/9. Những ngày đầu, mưa sẽ tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ sau đó dịch chuyển về phía nam.
Mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với tổng vũ lượng phổ biến có thể lên 300-500 mm/đợt. Tại Bắc Bộ, mưa lớn sẽ duy trì đến hết ngày 2/9 và thời tiết trở nên khô ráo ngay sau đợt nghỉ lễ.
Trong khi đó, vào chiều nay, áp thấp nhiệt đới có tâm cách quần đảo Hoàng Sa 410 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất quan trắc được ở vùng gần tâm đạt cấp 6-7, giật cấp 9.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc 20-25 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Chiều 2/9, vị trí tâm bão có thể nằm ngay trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) với cường độ mạnh lên cấp 8, giật cấp 10.
Những giờ tiếp theo, bão sẽ di chuyển chệch xuống phía nam với vận tốc 10-15 km/h. Theo dự báo ban đầu, tâm bão có thể nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong ngày 3/9 với cường độ gió không thay đổi so với trước đó.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh thành bão. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai. |
Trước tình hình áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão nhưng có diễn biến khó lường, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị cơ quan khí tượng theo dõi, cập nhật thông tin dự báo kịp thời cho các địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đề phòng tình hình mưa lớn đang diễn ra ở các tỉnh và chủ động cảnh báo cho khách du lịch, ngư dân đang hoạt động trên biển. Nhà chức trách cần lưu ý các thông tin dự báo và căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra các phương án ứng phó phù hợp.
Trước đó, bão số 4 đã khiến 3 người chết, 4 người bị thương, 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.200 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; gần 7.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại. Số liệu chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, 2 khu vực trọng điểm trong đợt mưa lớn lần này.