Trao đổi với Zing, ông Lục Văn Chương - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang - khẳng định ông không ủng hộ đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines. Ông cho rằng việc áp mức giá sàn chỉ có lợi cho Vietnam Airlines chứ không phải toàn ngành hàng không.
Ông Chương lý giải việc áp dụng giá sàn sẽ khiến giá vé máy bay tăng lên, ảnh hưởng đến tâm lý của du khách, cản trở sự phục hồi của du lịch nội địa, từ đó sẽ quay ngược lại tác động xấu đến ngành hàng không. Theo quan sát của ông, trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 vừa qua, các hãng hàng không đã giảm mạnh giá vé.
Tuy nhiên, đến khi khách có nhu cầu trở lại thì giá vé lập tức bật tăng, nên sự hỗ trợ từ hàng không cho ngành du lịch trong bối cảnh kích cầu là không lớn. Nay nếu Chính phủ chấp thuận đề xuất áp giá sàn vé máy bay, tình hình du lịch sẽ còn tiếp tục bi quan.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định sàn giá vé máy bay sẽ khiến chi phí du lịch của hành khách tăng mạnh, dẫn tới nhu cầu du lịch sụt giảm. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Phải theo quy luật thị trường"
"Hàng không hay du lịch cũng như các thị trường hàng hóa, dịch vụ khác, đều phải tuân theo quy luật thị trường. Đồng thời, giá bán buôn phải khác với bán lẻ. Nếu cào bằng giá sàn như vậy thì các công ty lữ hành sẽ chịu thiệt hại nặng nề", ông Chương nêu quan điểm.
Theo đại diện Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, việc áp giá sàn vé máy bay có thể không tác động nhiều đến các công ty lữ hành về mặt giá cả. Bởi lẽ, trước nay họ đều phải đặt cọc cho lượng lớn chỗ ngồi từ rất sớm, không được hưởng các chương trình khuyến mãi, giá vé 0 đồng...
Mặc dù vậy, đại diện này nhấn mạnh giá vé máy bay càng rẻ thì nhu cầu đi du lịch của người dân càng cao. "Thông tin áp giá sàn vé máy bay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách và sự hồi phục của các công ty lữ hành nói riêng, ngành du lịch nói chung", ông đánh giá.
Theo góc nhìn của vị đại diện này, áp giá sàn vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến các chiến dịch marketing, kích cầu của các hãng hàng không, giới hạn tiềm năng của những đơn vị này, trong khi thị trường luôn cần sự cạnh tranh để phát triển.
Thông tin áp giá sàn vé máy bay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách
Đại diện Fiditour - Vietluxtour
"Thay vì đề xuất này, tôi nghĩ Vietnam Airlines nên có chiến lược kinh doanh, truyền thông bài bản và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu lấy lý do là để phục hồi ngành hàng không thì không ổn lắm", đại diện Fiditour - Vietluxtour phân tích.
"Theo tôi biết, năm vừa qua Vietjet Air và Bamboo Airways vẫn có lãi, chỉ riêng Vietnam Airlines và Pacific Airlines lỗ, vậy đề xuất này là để phục hồi ngành hàng không hay phục hồi một doanh nghiệp?", ông đặt câu hỏi.
Tương tự ông Lục Văn Chương, đại diện Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour khẳng định việc thúc đẩy sự phục hồi của hàng không theo cách này sẽ làm ảnh hưởng đến những ngành khác. Thậm chí, với đề xuất hiện tại, ngành du lịch sẽ gặp khó, khi đó lượng khách của hàng không cũng sụt giảm, chưa chắc đã có thể phục hồi.
"Cơ quan quản lý có đủ sự tỉnh táo"
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel và Vietravel Airlines - nhận định việc áp sàn giá vé máy bay sẽ đẩy giá vé lên cao, khiến chi phí du lịch của hành khách tăng lên. Ông Kỳ khẳng định các cơ quan quản lý đủ tỉnh táo để cân nhắc những đề xuất dạng này.
"Đề xuất ra sao là quyền của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền đề xuất sao cho có lợi nhất cho mình, quyết định thông qua đề xuất hay không nằm ở các cơ quan quản lý. Tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền có đủ sự tỉnh táo, khôn ngoan với những đề xuất có sức ảnh hưởng lớn như thế này", ông Kỳ chia sẻ.
"Nhà chức trách, nhà quản lý thị trường cần cân nhắc liệu đề xuất có đảm bảo cho sự phát triển chung, đảm bảo đúng pháp luật, đúng định hướng thị trường mà mình đang theo đuổi hay không", chủ tịch Vietravel nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng lấy ví dụ về thị trường du lịch Thái Lan. Theo ông, khi thị trường này không áp dụng sàn giá dịch vụ, nhiều doanh nghiệp du lịch Thái Lan bán dưới giá vốn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, nhận định doanh nghiệp nào cũng có quyền đề xuất có lợi nhất cho mình, nhưng cơ quan quản lý cần tỉnh táo trong quá trình cân nhắc. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Nhà chức trách Thái Lan khi đó đâu có lo sợ hụt nguồn thu, du lịch Thái Lan vẫn phát triển mạnh nhờ giá rẻ, họ bù lại nguồn thu từ các chi tiêu tự nguyện của du khách mà không cần giá sàn", ông Kỳ nói.
Trước đó, phản ứng với đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu đề xuất được thông qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng không và ngành du lịch Việt Nam vốn đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19.
Theo đề xuất của hãng hàng không quốc gia, để các hàng không Việt không cạnh tranh, dẫm đạp lên nhau trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, cần có sàn giá vé máy bay. Hai phương án được hãng đề xuất bao gồm sàn vé bằng 35% mức trần hoặc sàn vé tính theo chi phí biến đổi.
Theo phương án 1, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 560.000-595.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 787.500 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 1.011.500 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 1.190.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 1.400.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.
Theo phương án 2, giá vé sàn mà Vietnam Airlines đề xuất là 414.000 đồng cho các đường bay dưới 500 km, 570.000 đồng với đường bay 500 km đến dưới 850 km, 755.000 đồng với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, 804.000 đồng với đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và 917.000 đồng với đường bay trên 1.280 km.
Lấy ví dụ với đường bay trục vàng TP.HCM - Hà Nội, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà hành khách có thể mua theo phương án 1 là 2.380.000 đồng chưa kể thuế phí dao động theo từng hãng bay. Theo phương án 2, con số này sẽ là 1.608.000 đồng chưa kể thuế phí. Trên thực tế trong giai đoạn thấp điểm, vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội rẻ nhất ở mức chưa tới 1.000.000 đồng đã bao gồm thuế phí.