Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Áp lực tâm lý khi nghe chuyện đời Thương Tín'

Nhà báo Đinh Thu Hiền chia sẻ về câu chuyện chấp bút cuốn hồi ký "Thương Tín - Một đời giông bão".

Ra mắt được gần 1 tháng, cuốn hồi ký về Thương Tín đang là chủ đề nóng của văn đàn và dư luận. Có người đón nhận nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều. Thậm chí nhiều độc giả tỏ thái độ thất vọng, bức xúc khi đọc về cuộc đời cũng như những cuộc tình đã đi qua cuộc đời Thương Tín.

Zing.vn đã có cuộc trao đổi với nhà báo Đinh Thu Hiền, người chấp bút cuốn sách, để đem tới cho độc giả thêm một hướng tiếp cận với cuốn hồi ký gây nhiều tranh luận này.

- Ở vai trò người chấp bút, chị nghĩ gì về những khen chê thậm chí có cả gay gắt về cuốn hồi ký "Thương Tín - Một đời giông bão"?

Quan niệm của tôi là khi cuốn sách đã chính thức ra mắt, nó đã thuộc về người đọc và cuộc đời. Tôi thấy mọi khen chê đều là bình thường. Cá nhân tôi thực sự không cảm thấy có áp lực gì trước những ý kiến trái chiều.

Vậy trong quá trình thực hiện cuốn sách, chị có áp lực gì?

- Điều này thì có, thậm chí rất nhiều. Áp lực phải hoàn thành trong sự hối thúc của anh Thương Tín, áp lực phải xử lý một khối lượng tư liệu không nhỏ hay nói cách khác là gỡ khối lượng băng ghi âm lớn. Áp lực về tâm lý khi nghe câu chuyện cuộc đời anh ấy. 

Bạn hãy hình dung tôi giống như độc giả đầu tiên của cuốn sách. Tôi cũng có hỉ nộ ái ố khi nghe anh ấy kể lại mọi chuyện. Thậm chí nhiều lúc tôi đã tức giận khi anh ấy kể về những cuộc tình của mình. Tôi cũng là phụ nữ mà!

Những tâm lý đó khiến tôi áp lực và thực sự mệt mỏi khi viết cuốn sách.

- Nhưng làm sao chị vượt qua được những tâm lý chủ quan để có thể hoàn thành cuốn sách này?

- Đi qua hết những cung bậc cảm xúc khi nghe lại câu chuyện cuộc đời Thương Tín, tôi hiểu và thương anh ấy. Chính vì thế tôi mới có thể viết xong được cuốn sách.

Năm 13 tuổi đã gặp những vết sẹo tâm lý kinh khủng, điều đó tác động rất lớn đến cuộc đời và nhận cách của một con người. Nhưng Thương Tín cũng có một sức hút kỳ lạ với phụ nữ. Tôi cảm thấy những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời anh ấy đều thương Thương Tín. Cái chữ "thương" mà người miền Nam hay nói. Nó bao hàm cả tình yêu và một tình cảm gì đó như là sự hy sinh vô điều kiện. 

Nhà báo Đinh Thu Hiền cho rằng những người phụ nữ đi qua cuộc đời Thương Tín đều dành cho ông một chữ "thương" rất lớn. Ảnh: Mạnh Thắng

Có nhà văn từng nói với tôi rằng định lý khi viết những cuốn hồi ký hay tự truyện chính là câu: "Một nửa sự thật không phải sự thật". Chị có đồng quan điểm này?

Cái khó nhất khi chấp bút thể loại văn chương này đúng là 2 chữ: sự thật. Bởi cuộc đời bất cứ ai cũng có những góc khuất nhưng đã là tự truyện hay hồi ký, không thể tránh việc đưa những góc khuất đó.

Viết cuốn sách của anh Tín tôi mất 2 năm, nâng lên đặt xuống từng chi tiết cuộc đời. Không phải ai cũng muốn những điều đó được kể ra. Trong khi đó, anh Thương Tín lại là một con người rất thật, đi tới tận cùng sự thật, bộc bạch tất cả. Chính vì thế, như đã nói lúc đầu, tôi không tránh khỏi những cảm xúc vui buồn, thậm chí cáu giận khi nghe anh ấy kể.

Nhưng sự quyết liệt đó đòi hỏi người chấp bút cũng phải tôn trọng nhân vật, tôn trọng câu chuyện cuộc đời của anh ấy và kể lại những gì cần phải kể.

Sau khi hoàn thành cuốn sách, điều gì khiến chị ưng ý nhất?

Tôi tin mình đã lột tả được chân dung về Thương Tín trong cuốn sách này. Đó là điều mà tôi cảm thấy mình hoàn thành trách nhiệm.

Nhưng có một câu chuyện thế này, đó là sau khi sách ra mắt, một anh bạn nhà văn gọi điện chúc mừng tôi. Anh ấy bảo giá trị nhất là tôi đã khiến anh ấy sống lại đúng không khí Sài Gòn của những năm 1970, 1980. Đây cũng là điều khiến tôi rất vui.

Câu chuyện trong cuốn sách của anh Tín xảy ra trong một giai đoạn mà tôi không trải qua. Vì thế khi viết, tôi cũng phải tham khảo nhiều tư liệu để hình dung về không gian, bối cảnh và đặt mình vào nhân vật trong chi tiết anh ấy kể. 

Chẳng hạn thời đó, biển Nha Trang đâu có bị kè kín như bây giờ. Tôi phải kiếm hình tư liệu để hình dung anh Tín đứng trên bờ biển cách đây mấy chục năm ra sao. 

Theo tôi, sống cùng nhân vật và lột tả được đúng câu chuyện khi đặt vào thời điểm nó xảy ra cũng là một tiêu chí quan trọng của thể loại hồi ký hay tự truyện.

- Chị có bí quyết nào để những con người như Thương Tín có thể bộc bạch tất cả với câu chuyện cuộc đời họ, những điều mà có thể cả cuộc đời họ phải đắn đo nói ra hay không?

Tôi chỉ có một bí quyết, đó là sự chân thành. Tôi chân thành với nhân vật, họ không cần dè chừng với tôi. Tôi cũng không bắt ép họ phải kể ra mọi thứ. 

Mất 2 năm để hoàn thành cuốn sách, Đinh Thu Hiền cho biết chị chịu rất nhiều áp lực. Ảnh: Mạnh Thắng

Trước cuốn hồi ký của anh Thương Tín, chị còn đang chấp bút hồi ký của chị Ái Vân. Sao tới nay cuốn sách này vẫn chưa hoàn thành?

Thực sự là chấp bút với mỗi nhân vật lại có cái khó khác nhau. Với anh Thương Tín là khối lượng thông tin lớn mà mình phải xử lý. Còn với trường hợp chị Ái Vân là những khoảng cách về địa lý khiến chúng tôi cho tới nay chưa thể hoàn thành cuốn sách.

Chị Vân ở Mỹ còn tôi ở Việt Nam. Hàng ngày hai chị em vẫn trao đổi với nhau qua Skype. Chị Vân cũng kể với tôi nhiều lắm nhưng thực sự giữa 2 chúng tôi luôn có cảm giác một khoảng cách nhất định. Cái cảm giác mà tôi gọi là không "chạm" được vào nhân vật. Có lẽ vì lý do đó chúng tôi chưa thể hoàn thành được cuốn sách. 

Sau cuốn sách của anh Thương Tín, chị có tiếp tục chấp bút hồi ký nhân vật nào khác?

Tôi đang chuẩn bị thực hiện cuốn sách về cuộc đời một NSND lão thành. Sau đó sẽ là tự truyện của một nữ ca sĩ nổi tiếng nhưng hiện nay tôi chưa thể tiết lộ danh tính.

Nhà báo Đinh Thu Hiền kể về kỷ niệm đáng nhớ với Thương Tín Nhà báo Đinh Thu Hiền kể về kỷ niệm đáng nhớ với Thương Tín




Hiếu Vân (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm