Những giải pháp thúc đẩy thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia được triển khai dựa trên nghiên cứu của chuyên gia thế giới về thiết kế thay đổi hành vi - bà Sille Krukow.
Hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia là điều đáng quan tâm, đặc biệt vào mùa lễ hội cuối năm. Những giải pháp giúp thúc đẩy thay đổi hành vi này được đưa ra nhằm giúp người uống tự có ý thức và hình thành thói quen tham gia giao thông một cách văn minh, lành mạnh.
Theo một khảo sát năm 2017 do Heineken thực hiện tại 10 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam cho thấy, 86% người Việt Nam lái xe sau khi uống rượu bia và có tới 37% người dân cho rằng đây là hành vi có thể chấp nhận được. Con số này khá cao so với kết quả 28% trên toàn cầu.
Vì vậy nhãn hàng Heineken đã hợp tác cùng bà Sille Krukow - chuyên gia thiết kế thay đổi hành vi người Đan Mạch để áp dụng phương pháp Nudge, giúp thiết lập và thay đổi hành vi con người.
Bà Sille Krukow có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực khoa học hành vi ứng dụng, thúc đẩy và phát triển sự tương tác với người tiêu dùng. Ngoài việc điều hành một nhóm thiết kế hành vi, bà là người phát ngôn, điều hành và tham luận viên quốc tế tại các hội nghị của các thương hiệu lớn, TEDX - tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những phần trò chuyện của các chuyên gia về nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới.
Có mặt tại Việt Nam trong buổi tập huấn truyền thông thay đổi hành vi Đã uống rượu bia - không lái xe do Heineken cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, bà Krukow đã giúp gần 200 cán bộ của ủy ban hiểu rõ hơn về khoa học hành vi và những nguyên tắc trong thiết kế thay đổi hành vi đã được áp dụng thành công trên thế giới. Đồng thời, bà Krukow đưa ra những giải pháp thực tế và đơn giản nhằm thay đổi hành vi của người lái xe sau khi đã uống rượu bia.
Một trong những ví dụ điển hình mà Bà Sille Krukow chia sẻ là dự án thay đổi hành vi vứt bỏ mẩu thuốc lá bừa bãi trên sân ga hợp tác cùng Công ty đường sắt quốc gia Đan Mạch (DBS). Mỗi ngày, công ty DBS phải thu dọn 8.000 mẩu thuốc lá vứt trên sàn. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, bà Krukow và các cộng sự đã đưa ra giải pháp khá đơn giản: Gỡ bỏ những bảng cấm hút thuốc và cấm vứt mẩu thuốc lá khắp nơi trên sân ga. Thay vào đó, nhóm của bà đặt chỉ dẫn bằng hình ảnh, người hút thuốc có thể biết rõ khu vực được phép hút và vị trí vứt mẩu thuốc lá của mình trên sân ga. Giải pháp tưởng chừng đơn giản này đã giảm 30% số lượng mẩu thuốc lá vương vãi khắp sân ga.
Những kết quả nghiên cứu về tâm lý học hành vi cho thấy 90% quyết định chúng ta đưa ra chịu sự chi phối của bản năng và thói quen, và chỉ 10% quyết định được đưa ra dựa trên lý luận có tính lý trí. Thói quen chịu sự tác động đáng kể của môi trường sống và sinh hoạt xung quanh chúng ta. Tuy nhiên sau khi đã uống rượu bia, những quyết định chi phối bởi thói quen sẽ lên đến 98%. Chính vì vậy, việc tác động đến môi trường xung quanh, đặc biệt là tại các điểm bán đồ uống có cồn và sự sẵn có của các phương tiện đi lại thay cho tự lái xe, sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định đúng đắn: Đã uống rượu bia - Không lái xe.
“Khi thiết kế các giải pháp nhằm góp phần thay đổi hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia, một trong những thách thức chính mà chúng tôi gặp phải là phải tìm cách để có thể áp dụng cho tất cả điểm bán đồ uống có cồn, quán bar trên khắp thế giới, bất kể sự khác biệt về thiết kế, doanh số, môi trường và đối tượng khách hàng… chưa kể sự khác biệt về văn hóa.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn thử nghiệm các giải pháp kỹ lưỡng trước khi triển khai trên quy mô lớn. Ví dụ, các quán bar, điểm bán nhỏ ở khu vực nông thôn sẽ đòi hỏi giải pháp khác với các điểm bán lớn ở khu vực thành thị. Đồng thời, khi được áp dụng ở mỗi thị trường, chúng tôi đều điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp với văn hóa của quốc gia hoặc địa phương đó”, bà Sille Krukow chia sẻ.
Bà Sille cho biết những thời điểm can thiệp và vị trí tiếp cận trong môi trường quán có phục vụ rượu bia bao gồm: Khi bước vào quán, khi mua thức uống đầu tiên, trong quá trình uống và khi ra về. Đây là những thời điểm quan trọng để có thể tác động thay đổi hành vi của người uống rượu bia.
Ngay cả trước khi người tiêu dùng đến điểm bán cũng là một cơ hội để tác động đến hành vi, thông qua việc thuyết phục họ không lái xe mà lựa chọn phương tiện thay thế khi có dự định đi uống cùng gia đình, bạn bè.
Tiếp đó, khi người tiêu dùng đến quán và gọi đồ uống, sự sẵn có của những đồ uống không có cồn sẽ mang đến một lựa chọn phù hợp cho những người sẽ lái xe khi ra về. Đồng thời, việc quán tổ chức trông giữ xe qua đêm và trang bị những phương án thay thế cho việc tự lái xe sẽ giúp định hướng người tiêu dùng gửi xe lại quán và gọi xe thay vì tự lái về.
Theo khoa học hành vi, những biển cấm sẽ không mang lại tác dụng cao, thay vào đó, việc đưa ra lời chỉ dẫn và các lựa chọn thay thế sẵn có vào những thời điểm phù hợp sẽ giúp định hướng người tiêu dùng tự đưa ra các quyết định đúng đắn.
Trong hai năm qua, bà Sille Krukow đã phối hợp cùng nhãn hàng Heineken phát triển các giải pháp thực tiễn và sáng tạo, giúp tác động nhằm thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia tại nhiều thị trường trên thế giới như Italia và Anh, áp dụng phương pháp thúc đẩy thay đổi hành vi (nudging). Chiến dịch đã mang lại kết quả đáng kể: Hành vi lái xe sau khi uống rượu bia giảm đến 50% tại các điểm bán đạt kết quả tốt nhất ở Anh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào chương trình tập huấn lần này. Những giải pháp giúp thay đổi hành vi đã thể hiện tính hiệu quả tại các nước khác. Rõ ràng chúng ta cũng có thể áp dụng những kiến thức về phân tích hành vi con người và đưa ra giải pháp giúp thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia tại Việt Nam.
Những đối tượng được lựa chọn tham gia tập huấn lần này là những cán bộ của văn phòng ATGT địa phương. Sau buổi tập huấn, những người tham gia sẽ truyền đạt cho những cán bộ khác ở địa phương, đồng thời thiết kế các chương trình vận động để thay đổi hành vi, thực hiện mục tiêu đã uống rượu bia thì không lái xe ở địa phương”.
Cũng theo ông Hùng, chương trình vận động và thực hiện Đã uống rượu bia - không lái xe được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bắt đầu thực hiện từ nhiều năm về trước - cuối những năm 1990. Tuy nhiên, để có nghiên cứu từ những chuyên gia cao cấp, có trình độ, kinh nghiệm thì chương trình lần này quy mô và bài bản hơn.
Trong năm 2019, nhãn hàng Heineken mong muốn định hướng cho thế hệ sinh viên Việt Nam trở thành những người tiên phong về uống có trách nhiệm thông qua một loạt các buổi đào tạo tại các trường đại học trong khuôn khổ chương trình Đã uống rượu bia - không lái xe. Với thế mạnh là tinh thần sáng tạo đột phá, Heineken sẽ có thể gắn kết với thế hệ trẻ theo cách riêng hết sức đặc trưng của mình, từ đó truyền cảm hứng thưởng thức rượu bia có trách nhiệm và thông qua các bạn sinh viên, lan tỏa lối sống này đến toàn bộ cộng đồng.