Theo Sina, hôm 12/1, Chân Tử Đan tham dự Tuần lễ thời trang Milan. Anh trình diễn một mẫu trang phục của nhà mốt Philipp Plein. Vụ việc này khiến Chân Tử Đan bị chỉ trích gay gắt tại Trung Quốc vì Philipp Plein từng bị cáo buộc xúc phạm người gốc Hoa.
Sina cho biết ngay khi biết phản ứng tiêu cực trong nước, vợ chồng Chân Tử Đan vội trở về Trung Quốc vào rạng sáng 13/1. Anh còn gửi lời xin lỗi đến công chúng bằng thông điệp: “Có nước mới có nhà. Tôi sẽ cẩn trọng hơn nữa trong việc lựa chọn đối tác. Cảm ơn sự nhắc nhở từ mọi người”.
Ảnh Chân Tử Đan và vợ vội về Trung Quốc trong đêm được chia sẻ như động thái "xoa dịu" dư luận. |
Hình ảnh Chân Tử Đan cùng vợ ở sân bay Trung Quốc được chia sẻ vào ngày 13/1. Hình ảnh này ngay lập tức được chuyển tiếp hàng nghìn lượt trên Weibo.
Trên Weibo, cư dân mạng cho rằng việc vội trở về Trung Quốc là hành động khôn khéo để dập tắt dư luận của Chân Tử Đan. Nam diễn viên thừa hiểu ở Trung Quốc, vấn đề liên quan đến dân tộc luôn khiến các nghệ sĩ lao đao. Thương hiệu lớn D&G năm vừa qua là bài học xương máu.
Tuy nhiên, không ít cư dân mạng cho rằng lời xin lỗi của Chân Tử Đan là muộn màng. “Anh ta đã nhận tiền diễn show đó, giờ anh lại khoe ra tinh thần yêu nước. Anh ta thật là người thông minh”, độc giả Tâm Bảo Bối sống ở Thượng Hải viết trên Sina.
“Không một người Trung Quốc nào quên sự việc cách đây hơn 10 năm của Philipp Plein. Anh ta là người của công chúng và chỉ cần nói xin lỗi là xong sao? Hình ảnh vội về nước thật là chiêu trò của Chân Tử Đan”, độc giả sống ở Quảng Đông bình luận.
Chân Tử Đan lao đao sau buổi diễn với nhà mốt gây tranh cãi. |
Hồi năm 2007, thương hiệu Philipp Plein ra mắt mẫu áo phông gây với dòng chữ gây tranh cãi: "F-u-c-k You China". Cùng với đó, chiếc áo còn in hình một người đàn ông triều Thanh. Chiếc áo bị chỉ trích là có ý xúc phạm, miệt thị Trung Quốc.
Năm đó, người Trung Quốc đã cùng lên tiếng tẩy chay thương hiệu và yêu cầu lời xin lỗi từ phía Philipp Plein. Nhà mốt nổi tiếng cho biết đây là sự hiểu nhầm không đáng có. Từ “F-u-c-k You China” là chữ cái đầu trong cụm từ với ý nói về bộ sưu tập hiện đại và lời nhắn “Kiss You China”.
Philipp Plein khẳng định ông không bao giờ có ý định miệt thị bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Tuy nhiên, lời giải thích của ông không đón nhận sự đồng tình từ người Trung Quốc. Một thời gian dài, thương hiệu này bị tẩy chay.
Chân Tử Đan vướng rắc rối ngay đầu năm 2019. |
Năm 2018, Dolce & Gabbana là thương hiệu gặp sóng gió tẩy chay tương tự tại thị trường Trung Quốc. Dolce & Gabbana đã có những động thái cho thấy hãng này coi thường người Trung Quốc.
Thương hiệu này tung video quảng cáo với hình ảnh một phụ nữ châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Hình ảnh lóng ngóng của người mẫu trong clip bị cho là sự chế nhạo người Trung Quốc.
Sự việc căng thẳng hơn khi đồng sáng lập thương hiệu Stefano Gabbana lộ đoạn tin nhắn sử dụng hình ảnh đống phân để nói về người Trung Quốc. Đồng sáng lập thương hiệu thời trang danh tiếng dùng từ “bẩn thỉu” khi nhận xét về cộng đồng quốc gia tỷ dân.