Nikkei Asia cùng các chuyên gia đã phân tích bức ảnh vệ tinh của Planet Labs và nhận thấy vật thể này có khả năng mô phỏng theo máy bay E-767 của Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản (JASDF).
Vật thể này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng làm mục tiêu giả để huấn luyện tấn công máy bay bằng tên lửa.
"Tôi đã quan sát xung quanh xem máy bay có hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) có kích thước và hình dạng như thế nào. Đây là E-767, loại do JASDF vận hành”, Thomas Shugart - trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) - cho biết.
Vật trung tâm trong bức ảnh vệ tinh này được cho là mô hình máy bay trang bị radar tiên tiến của Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản (JASDF). Ảnh: Planet Labs. |
Mô phỏng tấn công E-767
Các cuộc tập trận quân sự sử dụng mục tiêu có hình dạng giống ngoài đời thực để tăng độ chính xác của tên lửa. Yoji Koda - cựu Tổng tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản - nhận định vật thể này "có lẽ được chế tạo để kiểm tra lỗi của tên lửa" khi mô phỏng tấn công E-767.
Về vật thể được nhìn thấy trong các bức ảnh vệ tinh, ông Iwata nói "cả chính phủ Nhật Bản và Mỹ có lẽ đều biết về nó. Trung Quốc đang cố tình thể hiện mối đe dọa với chúng tôi trong trường hợp có điều gì đó xảy ra”.
Vị trí trên ảnh vệ tinh được cho là tại khu vực đặc biệt do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Chuyên gia Matt Korda - cộng sự nghiên cứu cấp cao và Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ - là người đã hỗ trợ xác định vị trí của cuộc tập trận.
Các bức ảnh cho thấy vật thể có cấu trúc giống máy bay E-767 với động cơ đôi và radar hình đĩa, một đặc điểm nổi bật của AWACS.
Đây là lần đầu tiên một vật thể có hình dạng giống máy bay SDF được xác định. Một số người lo lắng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong trường hợp liên quan đến Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến Nhật Bản.
Trung Quốc luôn coi đảo Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng thống nhất bằng vũ lực. Trên thực tế, quân đội Trung Quốc (PLA) đã hoạt động tích cực ở khu vực xung quanh đảo Đài Loan.
Bên trái là vật thể chụp từ vệ tinh tại Tân Cương, bên phải là chiếc E-767 từ Căn cứ Không quân Hamamatsu ở Nhật Bản. Ảnh: Planet Labs/Google Earth. |
"Mục tiêu của PLA kịch bản tác chiến là tiến hành 'phương án chiến đấu phá hủy hệ thống'. Họ tập trung phá hủy các nút cung cấp cho quân đối phương thông tin cần thiết để chiến đấu hiệu quả", ông Shugart lưu ý.
"E-767 đại diện cho nút thông tin quan trọng cho JSDF khi nó cảnh báo sớm trên không cho các máy bay khác. Bằng cách tiêu diệt các máy bay E-767 trên mặt đất khi bắt đầu xung đột - có thể là một phần tấn công phủ đầu bằng tên lửa vào căn cứ của JSDF - mục tiêu của PLA là chiếm ưu thế trên không và ưu thế thông tin phù hợp với những gì PLA đã nêu", ông nói thêm.
Mẫu mô phỏng E-767 nhìn thấy đang đậu trên đường băng cho thấy các căn cứ mặt đất của Nhật Bản cũng có thể bị tấn công bất ngờ.
Trước đó, tháng 11/2021, Viện Hải quân Mỹ (USNI) xác nhận mô hình tàu sân bay và tàu khu trục Mỹ cũng được tìm thấy trong khu vực này. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đang sử dụng địa điểm này để thử nghiệm vũ khí.
SDF và lực lượng Mỹ tại Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện hợp tác, bao gồm cả việc chia sẻ dữ liệu. Máy bay AWACS không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại, trở thành mục tiêu đáng mơ ước trong số các tài sản của SDF.
Vào ngày 11/5, USNI cũng tìm thấy trong cùng khu vực mô hình một tàu khu trục và cơ sở cảng giống với căn cứ hải quân Su'ao ở đông bắc Đài Loan.
Bên trái là ảnh vệ tinh chụp mô hình căn cứ hải quân Su'ao ở đảo Đài Loan, bên phải là hình ảnh từ Google Earth chụp căn cứ ngoài đời thực. Ảnh: Planet Labs PBC/Google Earth. |
"Tháp điều khiển bầu trời"
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, E-767 do công ty Boeing - có trụ sở tại Mỹ - sản xuất. E-767 được phát triển dựa trên máy bay hạng trung B-767.
E-767 chỉ dài dưới 50 m và rộng 50 m, cao khoảng 16 m. Loại máy bay này có hai động cơ và tốc độ tối đa hơn 800 km/giờ. Tầm bay của E-767 vượt quá 9.000 km.
Nhật Bản bắt đầu vận hành E-767 tại Căn cứ Không quân JASDF Hamamatsu vào năm 2000. Có 4 chiếc đóng tại căn cứ Hamamatsu và JASDF là lực lượng duy nhất trên toàn thế giới vận hành loại máy bay này.
E-767 sử dụng radar gắn ở phía sau để phát hiện máy bay và tên lửa ở xa mà radar mặt đất không thể bắt được. Máy bay này có tầm hoạt động 9.000 km và có thể giám sát một khu vực rộng lớn trong thời gian dài. Với khả năng giám sát rộng, E-767 rất khó bị bắn hạ khi đang bay và dễ bị tấn công nhất khi đậu trên mặt đất.
Máy bay có hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không triển khai bởi JASDF. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
Máy bay này còn được gọi là "tháp điều khiển bầu trời", vì E-767 có các chức năng điều khiển giúp máy bay chiến đấu thiện chiến có thể đánh chặn máy bay đối phương. Tùy từng trường hợp, E-767 sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm các chuyển động quân sự của đối phương trong vùng trời cách xa khu vực tác chiến.
AWACS là chìa khóa để giành được ưu thế trên không vì hệ thống có thể theo dõi chuyển động của đối phương.
E-3 AWACS sử dụng bởi quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn còn trong biên chế. Đây là mẫu máy bay cũ hơn dựa trên B-707. NATO sử dụng E-3 để giám sát không phận NATO nhằm bảo vệ đồng minh sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.