Theo AP, lãnh đạo 27 quốc gia còn lại của EU đã nhóm họp trong 6 giờ liên tục trước khi chấp nhận kéo dài thời hạn Brexit đến ngày 31/10. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đưa ra đề xuất này với thủ tướng Anh, mặc dù trước đó bà Theresa May chỉ đề xuất gia hạn đến 30/6.
Tuy nhiên, nước Anh hoàn toàn có thể rời đi trước tháng 10, nếu kế hoạch Brexit của bà May được chấp thuận ở cả London và Brussels. "Nước Anh sẽ có thêm 6 tháng để tìm ra phương án tốt nhất có thể", ông Tusk viết trên Twitter.
Hai ngày trước thời hạn 12/4 dự kiến mà EU đưa ra cho Anh để hoàn tất Brexit, Thủ tướng May đã có cuộc gặp thượng đỉnh đột xuất với các nhà lãnh đạo EU với mong muốn Brussels cho London thêm thời gian để giải quyết đống hỗn độn, tránh việc nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
Khác với những cuộc gặp lần trước, bầu không khí trong cuộc gặp ngày 10/4 tại Brussels diễn ra khá ấm cúng, bà May và bà Merkel thể hiện tình cảm tích cực và cười đùa với nhau. Đây không phải là lần đầu tiên thủ tướng Anh và thủ tướng Đức cùng mặc bộ vest màu xanh đến Brussels. Ảnh: AP. |
Nhiều nhà lãnh đạo EU tỏ ra thông cảm với bà May, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thủ tướng Anh phải cho biết rõ ràng những gì London muốn. "Điều quan trọng là không có gì có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của châu Âu trong những tháng tới", ông Macron cho biết, ý nói đến cuộc bầu cử nghị viện EU sắp diễn ra.
Một quan chức chính phủ Pháp cho biết ông Macron cảm thấy nước Anh chưa cho thấy đủ những đảm bảo để biện minh cho yêu cầu kéo dài Brexit.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU khác cho rằng việc đẩy lùi thời hạn là cần thiết, vì tình hình chính trị tại Anh đang trở nên hỗn loạn nghiêm trọng.
Bà May phát biểu trước các lãnh đạo EU trong hơn một giờ, sau đó 27 nhà lãnh đạo châu Âu gặp riêng để bàn về số phận của nước Anh.
Thủ tướng Anh bày tỏ hy vọng London sẽ thông qua thỏa thuận Brexit sớm nhất là ngày 22/5, vì nếu không nước Anh sẽ vẫn phải tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sau đó. Tuy nhiên, quốc hội Anh đã bác bỏ bản thỏa thuận này tới 3 lần.
Các nhà kinh tế và giới doanh nhân cho rằng việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào sẽ là thảm họa với nền kinh tế, khi các hoạt động du lịch và thương mại bị gián đoạn, có thể khiến Anh thiếu hụt lương thực.
Trong khi đó, tương lai của Thủ tướng May là một dấu hỏi, bà đối mặt nhiều sự phản đối từ đảng đối lập và cả từ các thành viên đảng Bảo thủ của bà. Thủ tướng Anh đã cố gắng để đối thoại với các bên, nhưng chưa có kết quả đáng kể. Bà May thậm chí còn đề xuất sẽ từ chức nếu các thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ kế hoạch Brexit của bà.