Hàng nghìn người đi xe máy, chở đồ đạc chạy về hướng miền Tây nhưng phải vạ vật suốt đêm để chờ được qua chốt là hình ảnh nổi bật tuần sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 1/10.
CỬA NGÕ TP.HCM ÙN Ứ GIỮA ĐÊM VÌ NGƯỜI DÂN KÉO VỀ QUÊ
Tối 30/9, sau khi TP.HCM gỡ bỏ nhiều chốt kiểm soát dịch, hàng nghìn người đi xe máy, chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh chạy về hướng miền Tây. Khi đến quốc lộ 1, đoạn huyện Bình Chánh giáp tỉnh Long An, họ bị lực lượng chức năng chặn lại, yêu cầu quay về nơi cư trú. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ở lại khu vực này chờ được qua chốt để về quê. Ảnh: Chí Hùng.
HÀNG TRĂM NGƯỜI VẠ VẬT SUỐT ĐÊM CHỜ QUA CHỐT CỬA NGÕ TP.HCM
Người dân các tỉnh miền Tây về quê tự phát bị chặn lại ở quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh, giáp ranh huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Họ vạ vật suốt đêm mong được qua chốt kiểm soát. Gần 50 cảnh sát cơ động được tăng cường giữ trật tự. Ảnh: Chí Hùng.
THỢ CẮT TÓC Ở TP.HCM MẶC ĐỒ BẢO HỘ ĐỂ PHÒNG DỊCH
Trước ngày mở cửa trở lại, nhiều tiệm tóc tại TP.HCM đã phun khử khuẩn và lau dọn thiết bị. 11h sáng 30/9, sau khi nhận thông báo chính thức về việc được hoạt động từ 1/10, chủ tiệm tóc Vũ Trí (đường số 10, quận 6, TP.HCM) gọi nhân viên của mình đến dọn dẹp, sắp xếp lại tiệm. Tất cả nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế, tiến hành lau chùi ghế ngồi, bàn, gương và quét dọn sàn nhà. Ảnh: Phương Lâm.
CẢNH DI DỜI CÂY ĐA HƠN 200 TUỔI Ở QUẢNG NGÃI
Hy vọng bảo tồn "di tích thiên nhiên" còn mãi với đời sau, Quảng Ngãi quyết định di dời cây đa hơn 200 tuổi về trồng lại bên núi Bút, giữa trung tâm thành phố. Sau khi cắt tỉa cành, rễ, cây đa nặng hơn 125 tấn, đường kính gần 6 m, dài hơn 10 m. Cơ quan chức năng Quảng Ngãi huy động 3 xe cẩu hạng nặng và bốn xe đầu kéo mới có thể vận chuyển cây đa cổ thụ vượt đường xa hơn 10 km từ phường Trương Quang Trọng về đến núi Bút, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.
NHỮNG RÀO CHẮN CUỐI CÙNG Ở TP.HCM TRƯỚC NGÀY NỚI LỎNG GIÃN CÁCH
Đến giữa tháng 8, TP.HCM có gần 5.300 điểm phong tỏa trên khắp 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Sau đó, ngành y tế không còn đếm số điểm phong tỏa nữa, TP.HCM bắt đầu bước vào đợt tăng cường giãn cách xã hội kéo dài hơn 5 tuần. Ảnh: Quỳnh Danh.
NHỮNG RÀO CHẮN CUỐI CÙNG Ở TP.HCM TRƯỚC NGÀY NỚI LỎNG GIÃN CÁCH
Hơn 4 tháng giãn cách xã hội, các chốt chặn, rào chắn trở thành một phần cuộc sống của người dân TP.HCM, đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đô thị hơn 10 triệu dân. Ảnh: Quỳnh Danh.
ĐƯỜNG PHỐ TP.HCM TRƯỚC NGÀY 1/10
Ngày 30/9, tình hình giao thông trên các tuyến đường ở TP.HCM nhộn nhịp hơn sau khi chính quyền tháo gỡ nhiều chốt kiểm soát. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra vào thành phố và 39 chốt tại nơi giáp ranh với các tỉnh. Ảnh: Duy Anh.
CHIẾC LAPTOP KHÔNG HOÀN HẢO GIÚP TRẺ EM NGHÈO HỌC ONLINE
Chị Đậu Thị Huyền, người khởi xướng hoạt động của nhóm “Laptop cho em” gồm 4 thành viên. Mọi người kêu gọi quyên góp những chiếc laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh cũ, sửa lại để tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học online. Trong buổi tối đầu tiên “khai trương” máy, Duyên, Phong, Giang hào hứng khi có thể nghe trọn những lời cô nói, không bập bõm lúc được lúc mất như trước. Chúng cẩn thận mở rồi tắt máy, có lẽ còn chưa tin chiếc máy tính này đã là của mình. Ảnh: Phạm Thắng.
NGƯỜI DÂN TP.HCM XẾP HÀNG CHỜ CẮT TÓC
Từ ngày 1/10, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu tại TP.HCM được hoạt động với công suất không quá 50%. 8h, tiệm cắt tóc bình dân của anh Thanh (quận 3) mở cửa trở lại sau hơn 4 tháng TP.HCM giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu.
Sân Mỹ Đình có nhiều hạng mục xuống cấp. Hệ thống trụ đèn chiếu sáng, mái khán đài A và B nhiều nơi bị gỉ sét. Nhiều bóng đèn công suất lớn cũng không đảm bảo, nhiều bóng vỡ, hỏng. Khu vực khán đài vẫn chưa được dọn dẹp, làm mới theo, nấm mốc cùng rác thải tạo nên hình ảnh nhếch nhác, không xứng tầm sân vận động quốc gia. Ảnh: Việt Linh.