Trong con hẻm nhỏ trên đường 22/12 (thị xã Dĩ An, Bình Dương), cả xóm trọ xôn xao về câu chuyện anh Nguyễn Văn Tâm (33 tuổi, thợ hồ quê An Giang) tìm thấy và đưa xác bé La Văn Tỷ (9 tuổi) lên bờ rạng sáng 9/9.
Anh Tâm chỉ khu vực cống phát hiện thi thể bé Tỷ. |
Anh Tâm cho biết, khi hay tin bé Tỷ mất tích, mọi người rất lo lắng và quan tâm đến công tác tìm kiếm nạn nhân nên thường đến hiện trường theo dõi tình hình. Thấy hoàn cảnh gia đình nạn nhân khó khăn, anh Tâm đứng ra kêu gọi đồng nghiệp và bà con khu trọ quyên góp được hơn 2 triệu đồng ủng hộ cha mẹ bé Tỷ.
"Chúng tôi đa số là người nhập cư, lao động chân tay, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mỗi người chỉ góp được năm bảy chục ngàn, có người hai ba chục. Nhưng trên hết là tinh thần lá lành đùm lá rách của người nghèo khó với nhau”, anh chia sẻ.
Tối 8/9, đi làm về sớm, anh ra hiện trường theo dõi công tác cứu hộ. Thấy người nhái và các cảnh sát PCCC quá mệt mỏi sau 2 ngày liên tục tìm kiếm, anh ngỏ ý muốn được giúp đỡ. Tuy nhiên, nhà chức trách không đồng ý vì anh không được trang bị cứu hộ.
"Tôi không trách vì họ chỉ lo cho sức khoẻ của mình thôi. Tuy vậy, tôi vẫn thấy trong lòng không yên và muốn làm gì đó để giúp đỡ cha mẹ bé trai xấu số", anh kể.
Nghĩ là làm, anh Tâm về phòng trọ lấy 2 đèn soi nhái, 1 ấm trà cùng bình nước nóng để uống cho đỡ lạnh rồi rời phòng trọ tiến về hướng cống nghi ngờ có thi thể bé Tỷ.
Ông Lạc Văn Ôi (54 tuổi, cha vợ anh Tâm) kể: "Tối đó tôi không biết thằng Tâm đi đâu, chỉ thấy khuya quá mà nó chưa về phòng. Cứ nghĩ Tâm ra xem người ta tìm xác chứ không ngờ một mình rúc xuống cống tham gia công tác cứu hộ".
Ra đến nơi, anh Tâm xin lực lượng cứu hộ cho chui xuống tìm nhưng nhận lại cái lắc đầu. Không bỏ cuộc, anh lần mò trong đêm tối về hướng cuối đường cống. Đến một hố ga, thanh niên này bắt đầu đội đèn lên đầu rồi rúc xuống cống bơi đi tìm bé Tỷ.
"Tôi là thợ hồ, có tham gia thi công một số đoạn cống nên cũng hiểu địa hình. Trước khi xuống hố ga, tôi xác định khoảng cách nơi mình xuống đến hố ga gần nhất để lượng sức, phòng khi mệt hoặc có biến cố thì lên bờ chứ không làm liều được", anh Tâm kể.
Tờ giấy anh Tâm ghi danh sách những người quyên góp ủng hộ. |
Xuống cống xong, anh bơi đến những hố ga đã định sẵn. Vừa bơi vừa quậy rác vì nghi ngờ xác bé Tỷ bị che lấp. "Trong cống vô cùng hôi thối khiến tôi muốn ngộp thở. Dưới chân thì bùn dày, phía trên rác đặc quánh. Tôi không phải bơi mà giống như trườn theo rác để đi tới", anh nhớ lại.
Đi được một đoạn thì đuối sức, anh Tâm trèo lên bờ uống nước trà mang theo giữ ấm cơ thể. Tổng cộng 4 lần anh chui xuống cống rồi lên bờ, nhưng đến 23h30 vẫn không có kết quả, thi thể bé Tỷ vẫn nằm đâu đó.
Rồi anh nhớ lại: "Có một đoạn, khi đang bơi thì thấy một vật giống người từ xa, cứ nghĩ là bé Tỷ nên cố gắng trườn tới, ai dè đó là con búp bê. Tôi thất vọng vô cùng".
Đến gần 0h sáng 9/9, anh Tâm thấy nhiều người cùng hợp sức phá vỡ một bức tường cống nhằm rút bớt nước cho người nhái lặn vào nên anh đến tham gia. Đập vỡ một đoạn tường, anh "lén" chui vào cống để tiếp tục tìm nạn nhân.
"Trước khi vào cống, tôi thầm vái nếu con còn ở đây thì cho chú nhìn thấy. Ba mẹ con đau khổ quá rồi. Cho chú tìm được để ba mẹ còn đưa về quê an táng, đừng nằm đây lạnh lắm", anh Tâm nói về thời điểm bắt đầu chui vào cống lần thứ 5.
Đi được vài chục mét, từ ánh sáng leo lét của ngọn đèn soi, anh Tâm phát hiện một vật thể giống người.
"Từ xa, tôi cứ nghĩ là con búp bê khi nãy đã gặp nhưng cảm thấy kỳ lạ vì búp bê ở cống bên kia tại sao lại trôi qua bên này. Tôi bơi nhanh đến rọi đèn vào thì mới phát hiện đó là thi thể bé trai. Lập tức tôi la lên thông báo cho mọi người nhưng phải hơn 2 phút sau mới có người chạy đến, vì ống cống rất kín nên ít người nghe thấy", anh nhớ lại giây phút tìm thấy bé Tỷ.
Khi người xung quanh đến hỗ trợ, anh Tâm dùng vỏ bao xi măng quấn thi thể bé rồi cột dây cho người trên bờ kéo lên. Mọi người lập tức thông báo cha mẹ bé đến nhận diện. Còn anh Tâm về phòng tắm rửa, nghỉ ngơi.
Nhiều người cho rằng, anh Tâm "có duyên" với bé Tỷ nên mới tìm được, và họ có ý định "thưởng nóng" nhưng anh từ chối.
Thi thể bé Tỷ được đưa lên bờ. Ảnh: H.Thu |
"Tôi cũng có con nhỏ, ở trọ như gia đình họ nên có sự đồng cảm chứ không vì mục đích gì khác. Khi người dân cho tiền, tôi không nhận. Nhưng giờ nghĩ lại thấy mình dại vì có thể nhận tiền rồi sau đó mang gửi lại cho gia đình bé Tỷ thì có lẽ tốt hơn", người thợ hồ chia sẻ.
Anh Tâm cùng chị Lạc Thị Lệ Thuý cưới nhau hơn 10 năm và có 3 con (2 gái, 1 trai). Gia đình ở quê nghèo khó, đi làm thuê làm mướn không đủ sống nên vợ chồng dắt díu nhau lên Bình Dương lập nghiệp.
Tuy nhiên, cái nghèo khó cũng không buông tha anh chị. Con gái đầu lòng - bé Cẩm Tiên không may bị bệnh não yếu bẩm sinh nên hai vợ chồng vẫn phải vay tiền đưa con về Sài Gòn chữa trị, tốn gần 1,5 triệu/tháng tiền thuốc.
"Lương thợ hồ của tôi và công nhân của vợ không đủ xoay sở nên mấy tháng gần đây không còn tiền để mua thuốc cho con. Giờ chỉ biết đến đâu hay tới đó thôi”, anh Tâm chia sẻ.
Do anh chị đi làm suốt ngày nên con trai phải gửi về gia đình nội chăm sóc, còn 2 con gái được ông bà ngoại ở phòng trọ bên cạnh trông coi giúp.
"Do hoàn cảnh giống nhau nên tôi cùng nhiều người dân có sự đồng cảm với gia đình bé Tỷ. Việc làm của tôi chỉ với mong muốn đưa được bé xấu số về với gia đình mà thôi", anh Tâm thổ lộ.