Máy bay của Trung Quốc hạ cánh tại đường băng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ông Asif Ahmad, Đại sứ Anh tại Philippines, tuyên bố, Anh phản đối mọi hành động cản trở tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, sau khi các phi công Philippines cho hay họ nhận được các tín hiệu cảnh báo mang tính "đe dọa" khi di chuyển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở vùng biển này ngày 7/1.
"Nếu một máy bay dân sự hay quân sự Anh bị ngăn chặn hoặc không được bay qua không phận mà chúng tôi coi là quốc tế, chúng tôi chỉ đơn giản là phớt lờ nó", đại sứ Asif Ahmad cho hay.
Theo Guardian, Đại sứ Anh tại Philippines đưa ra tuyên bố như vậy trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại các hành động có thể làm hạn chế quyền tự do hàng hải, hàng không gần những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp thành đảo nhân tạo trên Biển Đông suốt hai năm qua.
Hôm 18/1, Thủ tướng Australia, ông Malcolm Turnbull, cảnh báo Bắc Kinh không theo đuổi yêu sách lãnh thổ, theo cách có thể dẫn đến xung đột với Mỹ. Tháng 10 năm ngoái, Washington đã tiến hành cuộc tập trận hải quân gần hai hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông.
Ông Turnbull cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi các nước tránh rơi vào “bẫy Thucydides", ám chỉ những nguy hiểm có thể leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và đang lên.
"Nếu việc tránh 'bẫy Thucydides' là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc như lời ông Tập Cận Bình nói, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tính toán kỹ nhằm giảm nguy cơ xung đột", ông Turnbull nói trước khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19/1.
Ông Tumbull nói thêm, Trung Quốc cũng cần xem lại tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các rạn san hô và bãi cạn trên Biển Đông.
Các quan chức của Cơ quan hàng không dân dụng Philippines (CAAP) ngày 18/1 cho biết Hải quân Trung Quốc đã hai lần phát cảnh báo khi phi cơ dân sự Cessna của họ bay gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 7/1.
Sự việc xảy ra khi quan chức Philippines tới đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để khảo sát kỹ thuật trước khi lắp đặt một hệ thống theo dõi chuyến bay dân sự vào cuối năm nay.
Theo ông Eric Apolonio, phát ngôn viên CAAP, khi phi cơ đến gần đảo, nó nhận được tin nhắn qua hệ thống liên lạc vô tuyến khẩn cấp rằng: "Máy bay nước ngoài, đây là hải quân Trung Quốc. Các anh đang đe dọa an ninh của trạm chúng tôi".
Phi công Philippines phớt lờ cảnh báo và tiếp tục bay theo dự định do máy bay của họ là loại dân dụng. Trung Quốc tiếp tục phát cảnh báo. Lúc này, phi cơ Philippines mới rời đi.
Ông Apolonio cho hay, động thái đe dọa của Trung Quốc khi đó khiến một số người trên máy bay lo lắng. "Bạn sẽ không thể biết trước được. Chúng tôi có thể bị bắn", ông Apolonio nói.
Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ hai trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines đang kiểm soát đảo này.
Cũng trong ngày 18/1, Rodante Joya, Phó cục trưởng Cơ quan hàng không dân dụng Philippines, cho hay Philippines dự định lắp đặt hệ thống vệ tinh trị giá hơn một triệu USD để theo dõi các chuyến bay thương mại trên Biển Đông.