Chiều 20/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn trước QH, tập trung 2 nhóm vấn đề lớn: công tác quản lý nhà nước liên quan đến báo chí, thông tin, truyền thông và giải pháp thúc đẩy thị trường viễn thông.
Lúa tốt thì không còn cỏ dại
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) quan tâm đến quy hoạch báo chí. Ông nêu số liệu cho thấy cả nước hiện có 838 tờ báo in với hàng ngàn ấn phẩm, 67 đài phát thanh truyền hình với hơn 300 kênh trong nước, hơn 80 kênh nước ngoài, hàng trăm báo và trang tin điện tử.
Ông nêu câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong trong quy hoạch báo chí? Làm thế nào để khắc phục tình trạng trùng lắp thông tin, phân tán nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh?
Trước và sau ĐB Tiến, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cũng nêu thực tế hiện nay các trang thông tin điện tử ngày càng nhiều, không ít trang đưa tin giật gân, giật tít nhằm câu khách thu hút quảng cáo để kiếm lời, trách nhiệm của Bộ?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, bên cạnh việc nêu những đóng góp của báo chí, cũng thừa nhận báo chí còn những yếu kém như chưa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích (về nội dung, đối tượng, phạm vi đưa tin), đưa nhiều tin tiêu cực, một số tin thiếu chính xác, sai trái do không kiểm chứng gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, còn tình trạng báo chí đưa tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục...
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Báo chí phải xây dựng lòng tin |
Sau khi phân tích những hạn chế trên, Bộ trưởng nhấn mạnh “báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin, tạo dựng đồng thuận xã hội”.
Ông cũng cho rằng quản lý báo chí là trách nhiệm chung của cả đất nước, xã hội. Với Bộ TT&TT, trách nhiệm đó là tham mưu quản lý nhà nước về báo chí, sửa luật Báo chí, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế cung cấp thông tin để báo chí được tiếp cận thông tin chính thống kịp thời nhất.
“Nếu ta có nhiều tin tốt thì sẽ có điều kiện đẩy lùi tin xấu chưa được kiểm chứng trên các trang mạng, trang báo, như người ta đã nói “khi lúa tốt thì không còn cỏ dại nữa”, khi ánh sáng tỏa khắp mọi nơi thì bóng tối không còn”, ông Son khẳng định.
Đưa tin chậm hơn mạng xã hội vì phải kiểm chứng
Phó đoàn ĐB Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi: Có một số sự kiện trong việc giải quyết tranh chấp dân sự ở địa phương, báo chí trong nước không đưa tin kịp thời, đưa tin chậm so với các trang mạng xã hội.
Việc đưa tin chậm trễ khiến dư luận xôn xao đồn thổi khiến sự việc không được phản ánh một các khách quan. Vì sao có tình trạng đó? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp khắc phục?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Thời gian vừa qua, các trang truyền thông xã hội phát triển rất mạnh mẽ, tất cả các loại thông tin đưa lên rất nhanh nhưng độ chính xác thì còn phải xem xét.
Báo chí, đặc biệt là báo điện tử, đã nhanh hơn nhiều rồi nhưng cũng không thể nhanh bằng các trang mạng được. Bởi theo quy định thì báo chí phải xác minh, kiểm chứng nguồn tin xong mới được đưa lên, còn các trang mạng xã hội vừa nghe tin đã đưa ngay, thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí sai vẫn đưa lên.
Ngoài ra, có tình trạng một số địa phương, bộ ngành chưa thực hiện đầy đủ quyết định của Chính phủ về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí và quy chế người phát ngôn khiến thông tin chính thống chưa được cung cấp nhanh nhất.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Nếu các cấp, các ngành phát hiện ra thông tin sai đề nghị người phát ngôn phải công bố, bác bỏ ngay trên phương tiện truyền thông, tránh tình trạng trang mạng xã hội đưa tiếp thông tin sai sang các trang khác.
An ninh thông tin: Thách thức lớn
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Vấn đề an toàn, an ninh mạng thành vấn đề nóng, mang tính toàn cầu, nhiều quốc gia và người dân lo ngại nghe lén, đe dọa an ninh chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng và Bộ TT&TT có giải pháp gì bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin ở Việt Nam?
ĐB Ngô Đức Mạnh |
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận định an toàn thông tin nói chung và an toàn mạng nói riêng là thách thức rất lớn của tất cả các nước trên thế giới.
Thách thức này ngày càng gia tăng do hiện nay tất cả các hoạt động (trong đời sống và quản lý Nhà nước của ta) đều liên quan đến hệ thống mạng, hệ thống công nghệ thông tin và đặc biệt là tất cả các công nghệ, thiết bị ta đều phải nhập ngoại.
Ông cũng nêu thực trạng trong thời gian qua đã xảy ra như các trang web trong nước bị tấn công bằng mã độc để lấy thông tin, điều khiển trang web của chúng ta thành nơi cung cấp ngược trở lại những mã độc, thông tin sai trái đến các máy chủ khác.
Theo ông, bản thân người dùng máy tính rất nhiều nhưng không phải tất cả có trình độ sử dụng máy tính quản lý thành thạo nên dễ nhiễm mã độc, mật khẩu không mạnh nên dễ bị ăn cắp và bị tấn công.
Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra là đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao kiến thức người dân về công nghệ thông tin và khuyến khích họ sử dụng những phần mềm do nhà cung cấp phát hành, đề nghị các cấp các ngành cùng tham gia bằng cách tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng lẫn con người.
Tăng cước 3G là bình thường
Việc tăng giá cước 3G cũng được các ĐB quan tâm.
Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải |
Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về việc tăng giá cước trong khi chất lượng dịch vụ 3G chưa được cải thiện có phải là một giải pháp để bù đắp phần doanh thu bị giảm của các DN viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết:
Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua nhưng giá cước từ khi phát triển đến nay hầu như không tăng, trong các báo cáo thống kê hàng năm thì giá cước viễn thông đều giảm. Tăng giá cước viễn thông là chủ trương chung của Nhà nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với những quy định hiện hành cũng như cam kết của Việt Nam với quốc tế.
“Chúng ta không thể bán dịch vụ dưới giá thành. Thời gian qua, giá của ta so với khối ASEAN thấp hơn 34,9%, so với châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn 34-57%. Ta bán chưa đầy 50% giá thành, nâng giá lên rồi vẫn chưa đủ giá thành”, ông nói.
Do đó, ông khẳng định việc tăng giá cước 3G là điều bình thường trong cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, các nhà mạng đều là của Nhà nước, tăng giá cước để góp phần đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Năm 2012, VNPT đóng góp 7.300 tỷ đồng, Viettel 11.300 tỷ cho đất nước. Việc tăng giá còn thể hiện sự chia sẻ với các nhà mạng, bởi hầu hết các thiết bị đều nhập từ nước ngoài, giá rất cao. Khi người dân dùng dịch vụ Internet thì nhà mạng phải thanh toán tiền với quốc tế, nhà mạng không thể thanh toán giá cao mà bán giá thấp.
Ngày mai (21/11), phiên chất vấn tiếp tục với phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, sau đó đến lượt Chánh án TANDTC. Thủ tướng là người cuối cùng sẽ đăng đàn.