Chọn một đề tài tưởng như đã có nhiều cây bút đề cập - cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai - nhưng Markus Zusak, Janet Skeslien Charles hay Madeline Martin vẫn gây bất ngờ cho người đọc khi khắc họa trong thế chiến hình ảnh con người tìm thấy niềm an ủi qua những trang sách.
Sách Một thư viện ở Paris. Ảnh: T.V. |
Niềm an ủi trong thư viện
Năm 2010, khi Janet Skeslien Charles làm quản lý chương trình cho Thư viện Mỹ tại Paris, các đồng nghiệp của bà đã kể cho nghe câu chuyện về những nhân viên can đảm trông giữ thư viện này mở cửa trong suốt thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngạc nhiên trước sự dũng cảm và tận tụy của các thủ thư tại đây, bà viết nên cuốn tiểu thuyết Một thư viện ở Paris.
Sách có cốt truyện song song, đan cài giữa quá khứ và hiện tại, kể về những người phụ nữ có mảnh đời và số phận khác nhau nhưng đều có điểm chung là được người bên cạnh truyền cho tình yêu đọc sách.
Dựa trên câu chuyện có thật diễn ra ở thủ đô nước Pháp những năm 1940, tác phẩm cho thấy dù trong chiến tranh khốc liệt, thư viện vẫn là cầu nối sách giữa các nền văn hóa của mọi quốc gia và văn chương luôn có sức mạnh cứu rỗi con người thoát khỏi thực tại, giống châm ngôn của Thư viện Mỹ tại Paris: “Ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong màn đêm của chiến tranh”.
Nhân vật chính trong truyện là Odile, một cô gái Pháp say mê đọc sách và có một tình yêu đặc biệt với thư viện. Ngay từ nhỏ, cô đã theo chân người dì đến thư viện để đọc sách. Mùi của những trang sách luôn khiến cô mê mẩn. Lớn lên, cô khao khát được làm thủ thư để hàng ngày được đắm chìm trong thế giới của văn chương.
Lẽ ra 1939 có thể là một năm hoàn hảo với Odile vì cô đã thực hiện được ước mơ trở thành thủ thư. Nhưng khi Đức quốc xã tiến vào chiếm đóng Paris, mọi thứ đã thay đổi. Các thư viện trở thành mục tiêu để Phát xít thôn tính. Chúng thậm chí còn yêu cầu tiêu hủy những cuốn sách mà chúng cho là ảnh hưởng đến chế độ.
Chính lòng dũng cảm cùng tình yêu sách của những thủ thư đã giúp nơi đây tồn tại quật cường sau những đợt tàn phá và lệnh cấm hoạt động hà khắc của quân Phát xít. Thư viện vẫn âm thầm giao sách đến tận tay những người không được phép vào bên trong, cũng như gửi đi các cuốn sách bị cấm đọc thay vì phải tiêu hủy chúng theo mệnh lệnh.
Cuốn tiểu thuyết có sự kết hợp nhuần nhị giữa yếu tố lịch sử và hư cấu, nói lên tình yêu, sự hy sinh, phản bội và cả lòng khoan dung. Nhưng trên tất cả, nó gợi nhắc chúng ta về tình yêu với thư viện, nơi con người có thể tìm thấy sự bình yên và thoát khỏi thực tại tăm tối nhất. Những người yêu sách chắc chắn sẽ tìm thấy niềm an ủi khi đọc cuốn tiểu thuyết này.
Hình ảnh một hiệu sách ở London năm 1940. Ảnh: AP. |
Đem tình yêu sách lan tỏa đến mọi người
Trong tiểu thuyết Hiệu sách cuối cùng ở London, thông qua câu chuyện về cô gái đem tình yêu sách lan tỏa đến mọi người, tác giả Madeline Martin khẳng định văn chương có sức mạnh xoa dịu tâm hồn, giúp con người vượt lên mọi khó khăn trong thời chiến.
Nhân vật chính trong truyện là Grace Bennett - cô gái luôn ấp ủ ước mơ được chuyển đến sống ở London. Và rồi cô được người quen giới thiệu làm việc tại hiệu sách Đồi Primrose. Bằng tình yêu sách được nhen nhóm từ George - một chàng trai mới gặp, cô bắt đầu tìm hiểu về sách nhiều hơn.
Tháng 8 năm 1939, lực lượng Hitler càn quét qua châu Âu, London gấp rút chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ hai. Thế nhưng, giữa những biến động của thời cuộc, hiệu sách Đồi Primrose cũ kỹ vẫn nằm yên tĩnh trong lòng thành phố như một khoảng lặng giữa bom đạn.
Trải qua những ngày lóng ngóng với các chồng sách lẫn lộn, dần dần, Grace quen với công việc của mình. Cô quyết tâm vực dậy Đồi Primrose, biến nó trở thành điểm hẹn văn hóa cho thành phố, nơi mà ngày ngày người ta kéo nhau đến mua sách và đắm chìm trong văn chương.
Hành trình làm việc tại hiệu sách, dùng tình yêu sách để tránh tiếng bom, lan tỏa những điều nhân văn, giá trị nhất đến con người được tác giả Madeline Martin kể lại bằng giọng văn đầy lãng mạn, một mặt làm giảm nhẹ tính khốc liệt của chiến tranh; mặt khác ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của văn chương.
Những câu nói về giá trị của sách cũng được nhắc đến rất nhiều trong tác phẩm: “Thắp sáng những ngày tháng tắt điện tăm tối bằng niềm vui khi thưởng thức các trang sách”, “Đọc sách để bước vào một chuyến phiêu lưu mới mẻ, thoát khỏi cuộc chiến khắc nghiệt này”, “Đọc sách sẽ đưa ta đến bất cứ nơi đâu mà không cần bắt xe lửa hay đón tàu”, “Sách mang ta đi chu du những thế giới mới mẻ ngoài sức tưởng tượng”…
Trong quãng thời gian chiến tranh nổ ra, Đức quốc xã cho ném bom khắp thành phố London, nhưng nhờ sống trong thế giới sách và được truyền cảm hứng từ những người đam mê đọc sách, Grace đã đem tình yêu này lan tỏa mãnh liệt hơn tới mọi người. Cô lạc quan tin tưởng văn chương sẽ là yếu tố chống lại những đêm đen tối nhất của cuộc chiến.
Bằng sức mạnh diệu kỳ, Đồi Primrose - nơi gắn kết những trái tim - cũng chính là hiệu sách duy nhất còn sót lại ở London dù từng bị mưa bom của Đức quốc xã dội xuống. Nơi đây còn mở ra cái kết ngọt cho mối tình giữa Grace và George.
Diễn viên Sophie Nélisse vào vai Liesel trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên The Book Thief (Kẻ trộm sách). Ảnh: Movie wallpapers. |
Sức mạnh của sách
Cùng mang trong mình lời khẳng định về sức mạnh của những cuốn sách, Kẻ trộm sách như một lời an ủi nhẹ nhàng gửi tới độc giả tình yêu sách dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Lấy bối cảnh ở những năm thế chiến thứ hai, cuốn sách kể về Liesel Meminger - một bé gái 9 tuổi được nhận nuôi ở phố Thiên Đàng. Bằng tình yêu và sự đam mê nồng cháy với sách, Liesel đã gắn kết bản thân với mọi người xung quanh.
Bối cảnh chiến tranh được khắc họa qua bi kịch bố mẹ Liesel bị đưa đến trại tập trung, còn cậu em trai thì chết trên đường đến nhà bố mẹ nuôi. Liesel lớn lên giữa tấn bi kịch đó cùng sức mạnh diệu kỳ của những cuốn sách.
Đối với cô bé Liesel, sách luôn mang vẻ đẹp huyễn hoặc, khó lòng chối từ. Thậm chí khi ở trong hầm tránh bom, cô bé vẫn hào hứng kể chuyện từ những trang sách với mọi người xung quanh.
Giữa bom đạn thời chiến, sách còn được khắc họa như vị cứu tinh giúp người dân phố Thiên Đàng vượt qua giai đoạn cam go nhất của bom đạn. Do đó, dù lấy bối cảnh chiến tranh khắc nghiệt, Kẻ trộm sách vẫn nhen nhóm trong lòng người đọc những giá trị tốt đẹp nhất của văn chương, ngôn từ.