Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai Nhật mở cửa hàng sách cũ

Atsushi Kagaya quyết định mở cửa hàng sách cũ với mong muốn tạo không gian trao đổi, chia sẻ tình yêu sách với mọi người.

Atsushi Kagaya, 27 tuổi, có niềm đam mê đặc biệt đối với văn học cổ. Anh yêu thích những tác giả như Yasunari Kawabata, Chiyo Uno, Hakushū Kitahara, Murō Saisei, Sakutarō Hagiwara, Shiro Ozaki, Muraoka Hanako, Mishima Yukio, Shugoro Yamamot... Đây đều là những tác giả từng sống trong "làng văn sĩ" Magome.

Van hoa Nhat Ban anh 1

Atsushi Kagaya từ bỏ công việc văn phòng để mở cửa hàng sách cũ. Ảnh: Intagaram Anzu Bunko.

Nhìn từ bên ngoài, đây có vẻ là quán cà phê bình lặng, nhưng khi bước qua cánh cửa, bạn sẽ thấy những cuốn sách cũ xếp đầy trên giá.

Atsushi Kagaya nói: “Đây là cửa hàng sách cũ, nhưng chúng tôi cũng có bán cà phê và rượu, với mong muốn tạo không gian thưởng thức, thư giãn cho khách hàng. Họ có thể vừa chậm rãi thưởng thức đồ uống, vừa tìm đọc cuốn sách phù hợp”.

Hiệu sách bắt đầu hoạt động từ năm 2019, chủ yếu bán các tác phẩm của những tác giả từng sống ở “Magome Bunshi Mura”. Bên cạnh đó, bạn đọc có thể mua những sách triết học, văn học cổ điển của tác giả Pháp như Rousseau và Roland Barthes.

Atsushi Kagaya chia sẻ rằng anh bắt đầu quan tâm văn học từ những năm trung học. Khi đó, những tác phẩm của Dazai Osamu đã cuốn hút anh.

Trong thời gian ở đại học, chàng trai này theo chuyên ngành Văn học Pháp, đồng thời làm việc bán thời gian tại một cửa hàng sách cũ ở Jimbocho.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh từng làm nhân viên cho một công ty xuất bản.

“Tôi cảm thấy có nhiều niềm vui khi tiếp xúc khách hàng, nhưng lại không thể hòa nhập được với đồng nghiệp, nên đã nghỉ sau hơn một năm làm việc”.

Van hoa Nhat Ban anh 2

Không gian tạo cảm giác ấm áp, dễ chịu cho khách hàng - người đọc. Ảnh: Instagram Anzu Bunko.

Atsushi Kagaya sống trong lặng lẽ một thời gian, cảm thấy mệt mỏi, bế tắc. Sau đó, anh quyết định bỏ lại thành phố để đi du lịch. “Tôi muốn ngắm nhìn thế giới, đồng thời tìm kiếm điều mình thực sự muốn làm”.

Trong thời gian du lịch, anh thỉnh thoảng nhận làm thêm công việc quản lý quầy bar cho các khách sạn và cảm thấy công việc vô cùng thú vị.

“Tôi muốn mở một cửa hàng của riêng mình, tạo một không gian phù hợp, giúp bản thân cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống”, chàng trai tâm sự.

Anh quyết định mở cửa hàng sách với mong muốn có thể tạo không gian trao đổi, chia sẻ tình yêu sách cho mọi người.

Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn văn học cổ và triết học là hai loại sách chủ đạo của cửa hàng, anh chia sẻ đọc những tác phẩm cổ có thể gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu đọc và hiểu dần dần, bạn sẽ thấy những điều rất gần gũi với xã hội hiện đại. "Tôi muốn cùng cửa hàng của mình thúc đẩy điều đó”, anh nói.

Van hoa Nhat Ban anh 3

Văn học cổ và triết học là hai thể loại chính trong cửa hiệu sách cũ Anzu Bunko. Ảnh: Instagram Anzu Bunko.

“Tên cửa hàng được lấy từ cuốn tiểu thuyết Anzukko của Murō Saisei. Chúng tôi cũng thiết lập một quầy bar và quyết định phục vụ rượu theo phong cách phương Tây, chủ yếu là cà phê và rượu whisky”.

Cửa hàng hoạt động không lâu thì dịch Covid-19 lan rộng, "ông chủ trẻ" phải tính đến phương án bán hàng trực tuyến.

Atsushi Kagaya luôn muốn khách của mình có thể đến cửa hàng, đọc và lựa chọn những cuốn sách tại đây. Nhưng khi bán hàng qua mạng, anh lại thấy vui vì có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với những người yêu sách ở những vùng khác.

“Tôi rất vui vì đã có thể tương tác với những người ở xa, không thể ghé thăm cửa hàng mua sách. Tôi đã gửi một số cuốn sách kèm những bức viết tay để cảm ơn với mong muốn truyền tải những thông điệp mà không cần nói chuyện trực tiếp”.

Một vị khách từng nói với anh: “Bức thư được đính kèm cuốn sách đã đem đến cho tôi cảm giác sự chia sẻ, động viên to lớn”.

Atsushi Kagaya nói rằng điều đó có ý nghĩa to lớn đối với anh, khiến chàng trai này cảm thấy có động lực để tiếp tục phát triển hiệu sách cũ của mình.

Tủ sách 3.500 cuốn của cựu cầu thủ Martellus Bennett

Giã từ sân cỏ, Martellus Bennett tìm kiếm niềm vui trong những cuốn sách và khởi nghiệp văn chương thiếu nhi vào năm 31 tuổi.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm