Đây là thỏa thuận đầu tiên về loại công nghệ nói trên được ký công khai kể từ khi ba nước tuyên bố thành lập liên minh quốc phòng có tên AUKUS hồi tháng 9 nhằm ứng phó sự căng thẳng chiến lược ở vùng Thái Bình Dương, nơi cạnh tranh Mỹ - Trung đang gia tăng, theo AFP.
Lễ ký thỏa thuận được tổ chức tại Canberra vào ngày 22/11 với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Đại biện lâm thời Mỹ Michael Goldman và Cao ủy Anh Victoria Treadell.
Australia kỳ vọng sẽ có tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân thông qua AUKUS. Ảnh: Lực lượng phòng vệ Australia. |
“Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác, qua đó cải thiện tư thế phòng vệ chung của chúng ta”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về thỏa thuận trên vào ngày 19/11.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ có 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến, có khả năng thực hiện nhiệm vụ tầm xa bí mật. AUKUS cũng cho phép chia sẻ các năng lực khác như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử…
Thỏa thuận AUKUS đã chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh từng cho rằng thỏa thuận này là một mối đe dọa “vô trách nhiệm” đối với sự ổn định của khu vực.
AUKUS cũng làm “phật lòng” Pháp vì nước này bị Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm diesel-điện ước tính có giá trị 65 tỷ USD.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đến nay vẫn không biện minh cho cách mình xử lý thỏa thuận AUKUS. Ông khẳng định điều này là phù hợp với lợi ích quốc gia và ông biết rằng AUKUS sẽ “động chạm” tới một số bên.