Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Anh Khải luôn day dứt vì những điều chưa hoàn thành'

"Khi anh Phan Văn Khải nhậm chức, mọi người đặt nghi vấn liệu tân Thủ tướng có tiếp nối được truyền thống, di sản, có hoàn thành trọng trách", ông Vũ Mão chia sẻ với Zing.vn.

“Tôi xin phép gọi là anh Khải cho thân mật. Ngoài cương vị công tác, chúng tôi còn là những người bạn, người anh em thân thiết”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão bắt đầu cuộc trò chuyện.

Lấy bức ảnh treo trang trọng ở phòng làm việc xuống, ông kể: “Bên lề kỳ họp Quốc hội, khi đang trò chuyện, anh Khải chủ động rủ tôi chụp chung và yêu cầu để lời tựa bức ảnh là ‘Những người bạn 5 khoá Trung ương’. Đó thực sự là những điều gần gũi, thân tình”.

'Tôi trân trọng những kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải' Bày tỏ cảm xúc khi nhắc tới kỷ niệm như bức ảnh chụp chung với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Vũ Mão chia sẻ rằng đó là những điều gần gũi, thân tình.

Tư tưởng đổi mới là một phần máu thịt

- Cùng là Ủy viên Trung ương nhiều khóa và có thời gian quan sát ở nhiều góc độ, theo ông, đâu là điểm nổi bật nhất trong phẩm chất lãnh đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải?

- Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, là người rất giản dị, quần chúng, khiêm tốn và nhã nhặn. Những phẩm chất tốt đẹp của anh Khải thể hiện sự trưởng thành trong quá trình tham gia cách mạng.

Trước hết, anh Khải là người có học thức, trình độ. Anh ấy được đào tạo bài bản tại Đại học Kinh tế ở Moskva (Liên Xô), đó là nền tảng rất tốt cho sự phát triển sau này. Khi nắm giữ những chức vụ quan trọng, anh ấy được đánh giá là nhà lãnh đạo kỹ trị.

Xuyên suốt quá trình công tác từ cơ sở tới Trung ương, anh Khải luôn năng động, tư duy đổi mới. Tôi cảm nhận tư tưởng đổi mới đã trở thành một phần máu thịt của anh ấy.

Về thành tựu kinh tế, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn tìm tòi những khía cạnh mới mẻ, tập trung phát triển nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Trước đây, anh Khải rất trăn trở với chủ trương xây dựng nền kinh tế quốc doanh, quan liêu bao cấp thiếu hiệu quả. Do vậy, ở cương vị lãnh đạo, anh Khải luôn học hỏi trong nước và quốc tế để từng bước, cùng tập thể Chính phủ xây dựng nền tảng phát triển cho đất nước.

Nguyen Thu tuong Phan Van Khai tu tran anh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 2005. Ảnh: Getty.

- Nhiều ý kiến cho rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp nối thành công di sản Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong 2 nhiệm kỳ, ông đưa Việt Nam vượt qua khủng hoảng và bước vào giai đoạn phát triển ổn định, thành công. Ông đánh giá sao về điều này?

- Nếu nhìn vào lớp cán bộ tiền nhiệm, chúng ta thấy rằng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người từng trải, sắc sảo, quyết liệt, rất nổi bật.

Khi anh Phan Văn Khải nhậm chức, ban đầu mọi người còn nghi ngờ khả năng, trình độ của tân Thủ tướng. Nhiều người đặt ra những nghi vấn đại loại như: “Liệu tân Thủ tướng có tiếp nối được truyền thống, di sản?” hay “Liệu ông ấy có hoàn thành trọng trách được giao?”

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo tốt và có nhiều nét đặc trưng, khác với các đời thủ tướng tiền nhiệm.

Anh Khải biết trân trọng, học hỏi thành quả, di sản của thế hệ tiền nhiệm. Anh không nói nhiều, chỉ suy ngẫm về những thành quả đó để tìm cách phát huy.

Khi anh Phan Văn Khải nhậm chức, ban đầu mọi người còn nghi ngờ khả năng, trình độ của tân Thủ tướng

Ông Vũ Mão

Thời điểm anh Phan Văn Khải được tin tưởng bầu giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ (năm 1997), kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng. Việt Nam phải đương đầu với nhiều áp lực, khó khăn. Nguyên Thủ tướng đã phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe chuyên gia để tìm giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, anh ấy còn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước láng giềng, với thái độ chân thành, cởi mở.

Tôi cho rằng nền tảng giáo dục bài bản cùng với sự trưởng thành từ thực tiễn, cuộc sống giúp anh Phan Văn Khải có những bước đi vững chắc, vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo nền kinh tế phát triển, tích luỹ cho đất nước, nhân dân. Đó là điều đáng ca ngợi.

Nguyen Thu tuong Phan Van Khai tu tran anh 2
Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi năm 2004. Hai nhiệm kỳ đứng đầu Chính phủ của ông Phan Văn Khải là thời kỳ sôi động của Việt Nam trong việc hội nhập, ký kết nhiều hiệp định quốc tế. Ảnh: Getty.

- Những quyết sách và tinh thần cải cách về kinh tế, hành chính của Chính phủ và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thời đó gần đây được nhắc nhiều trong bối cảnh Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao phương châm kiến tạo, hành động... Điều này có ý nghĩa thế nào?

- Từ năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch, hành chính quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường năng động, sáng tạo phát triển đa dạng, coi trọng kinh tế tư nhân. Tất nhiên, không phải mọi ý kiến đều thống nhất, cũng có những mâu thuẫn, tranh luận.

Với tinh thần của người tiền nhiệm là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục phát huy, khai phá, mở đường. Tôi cho rằng ngay thời kỳ đó, tinh thần đổi mới rất cao. Còn hiện nay, các vị lãnh đạo đang tiếp nối tư tưởng đó.

Những năm vừa qua, quá trình phát triển dường như chững lại. Điều đó phản ánh sự chủ quan, tự mãn của chúng ta. Đối chiếu với hiện tại, tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính là điều tất yếu, phù hợp với xu thế chung. Bởi nếu không làm vậy, đất nước còn trì trệ nữa.

Thủ tướng đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội

- Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là thủ tướng đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp ở Quốc hội, ông có thể kể bối cảnh hoạt động đó?

- Từ trước tới nay, các kỳ họp Quốc hội dù có trực tiếp hay không, các bộ trưởng thay mặt Chính phủ để trả lời chất vấn, hay cấp cao hơn là phó thủ tướng sẽ tổng kết, bao quát lại vấn đề. Có đồng chí bộ trưởng còn than phiền: “Tôi có phải là học sinh đâu mà đi thi vấn đáp. Tôi là chính khách, nhà chính trị sao phải làm điều đó”.

Hơn nữa, bản thân một số đồng chí Thủ tướng và thành viên Chính phủ thích dùng cụm từ “trình bày một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm”, hơn là “trả lời chất vấn”. Chính điều này khiến các đại biểu Quốc hội không hài lòng.

Nguyen Thu tuong Phan Van Khai tu tran anh 3
Tấm ảnh chụp chung của "Những người bạn 5 khóa Trung ương" được ông Vũ Mão đặt ở vị trí trang trọng trong phòng làm việc. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Tại Quốc hội khóa XI, cùng với sự đóng góp ý kiến của mọi người, tôi nói rằng anh Khải nên trực tiếp trả lời chất vấn, đáp ứng sự tin tưởng và mong đợi của người dân. Thấy xu hướng chung như vậy và nhiều vấn đề bộ trưởng trả lời chưa thoả mãn, anh Khải đồng ý.

Những đổi mới trong Quốc hội hoạt động chưa thoả mãn tất cả nhưng Chính phủ đã ủng hộ Quốc hội thay đổi, đặc biệt dưới thời anh Phan Văn Khải. Đó là cả quá trình nhận thức và đấu tranh. Khi nhận thức được thì làm và làm có hiệu quả.

Quốc hội hoạt động sôi nổi dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải Được đánh giá là nhà lãnh đạo đổi mới, kỹ trị, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên trả lời chất vất trước Quốc hội.

Lái con tàu đối ngoại 

- Khi đương nhiệm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều nỗ lực trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, nổi bật là chuyến đi lịch sử tới xứ cờ hoa năm 2005. Xung quanh chuyến đi có nhiều đánh giá, ông thì sao?

- Từ Đại hội VI, Đảng ta chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ, giao lưu, tiếp xúc với các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là thời điểm chúng ta gặp nhiều khó khăn trong quá trình củng cố mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Thực tế, khi anh Khải lên làm Thủ tướng, vấn đề được coi trọng là giải quyết nội bộ, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân. Về đối ngoại, ứng xử quốc tế, anh ấy phải tự quan sát, học hỏi.

Nhiều lúc, anh ấy băn khoăn, buồn bã khi không thể ký kết các hiệp định đúng thời điểm như kỳ vọng, bỏ lỡ nhiều cơ hội quý báu

Ông Vũ Mão

Chuyến thăm cấp cao tới Mỹ lúc đó là tính toán rất công phu. Chúng ta cân nhắc rất nhiều về mục đích của chuyến đi, nội dung làm việc, mức độ hiệu quả và cả sự quan tâm của dư luận trong nước, quốc tế.

Tôi đánh giá chuyến đi được chuẩn bị kỹ lưỡng, cơ bản đạt được những mục đích, yêu cầu đề ra trước đó.

- Giữa thập niên 2000 cũng là thời điểm Việt Nam tham gia APEC rồi WTO, mở ra bước hội nhập sâu rộng của nền kinh tế với thế giới. Đằng sau những thành công đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ tâm tư gì với ông?

- Lúc bấy giờ, anh Phan Văn Khải làm Thủ tướng còn tôi giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Cấp độ tuy khác nhau nhưng chúng tôi là những người bạn thân thiết. Vì công việc chung, chúng tôi thường xuyên trao đổi, thảo luận với nhau. 

Thời kỳ đó rất sôi động, nhiều ý tưởng lớn để Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước, ký nhiều hiệp định thương mại. Là người tích cực đổi mới, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tính toán kỹ lưỡng đến việc Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế.

Nhiều lúc, anh ấy băn khoăn, buồn bã khi không thể ký kết các hiệp định đúng thời điểm như kỳ vọng, bỏ lỡ nhiều cơ hội quý báu.

Vậy mới nói, một con người có tinh thần đổi mới như vậy, nhưng không phải cứ muốn là có thể làm được. Ở vị trí lãnh đạo, anh Phan Văn Khải đạt được nhiều vinh quang, thành tựu, bên cạnh đó, cũng có những lúc anh day dứt về những điều chưa thể hoàn thành khi đương nhiệm.

Tiếc nuối khi nghe bài phát biểu từ nhiệm

- Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát biểu từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ gần 1 năm. Chứng kiến giây phút đó, ông có cảm xúc như thế nào?

- Không chỉ riêng tôi, mọi người tham dự buổi họp hôm đó đều rất xúc động, xen lẫn với đó là cảm giác tiếc nuối, bâng khuâng.

Bài phát biểu từ nhiệm của anh Khải nhẹ nhàng, giản đơn. Anh bày tỏ sự biết ơn khi được cách mạng rèn luyện, trưởng thành để cống hiến cho nhân dân. Bên cạnh đó, anh ấy trăn trở, áy náy nhiều điều và mong người kế nhiệm sẽ tiếp tục cống hiến để phát triển đất nước.

Khi tại vị, anh Khải rất tâm huyết, chân thành và thực sự đóng góp hiệu quả cho đất nước. Chúng tôi trân trọng điều đó.

Nguyen Thu tuong Phan Van Khai tu tran anh 4
Ông Vũ Mão: "Trong lời từ nhiệm, anh Khải dự báo được một số vấn đề cho các thế hệ kế nhiệm, như công tác cán bộ, chống tham nhũng và những mầm mống nguy hiểm cho đất nước". Ảnh: Hoàng Hiệp.

- Nội dung bài phát biểu từ nhiệm đến nay vẫn rất thời sự khi đề cập 2 vấn đề: hoạt động của bộ máy hành chính thiếu chuyên nghiệp và tình trạng tham nhũng. Đặt trong bối cảnh những năm sau đó và hiện nay, ông có suy nghĩ gì?

- Tiếp nối tinh thần của người tiền nhiệm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát huy, khai phá nhiều thành tựu mới mẻ. Tôi cho rằng, ngay từ thời kỳ đó, tinh thần đổi mới luôn dâng cao, song có thể chững lại vào giai đoạn 2005-2015.

Trong lời từ nhiệm, anh Khải dự báo được một số vấn đề cho các thế hệ kế nhiệm, như công tác cán bộ, chống tham nhũng và những mầm mống nguy hiểm cho đất nước.

Thời điểm đó, chúng ta đã nói tới nội xâm chính là vấn đề tham nhũng. Đấy là bài học không bao giờ có thể chủ quan, anh Khải thẳng thắn thừa nhận mình làm chưa tốt điều này.

Những năm vừa qua, Chính phủ nhận ra còn chủ quan, tồn tại nhiều vấn đề, đất nước tụt hậu, thu nhập người dân ở mức thấp... Vì vậy, thời kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính là điều tất yếu.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người đi trước về nhận thức và hành động

Thị trường hội nhập và cải cách bộ máy hành chính là hai di sản mà ông Phan Văn Khải để lại trong thời kỳ làm Thủ tướng của mình (1997-2006).

Tổ chức quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 2 ngày

Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức trong 2 ngày 20-21/3 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Trà My thực hiện

Bạn có thể quan tâm