Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm của 'Chính phủ kiến tạo, hành động'

GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), TS Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) và TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ với Zing.vn về năm đầu tiên hoạt động của Chính phủ mới.

Ngày 7/4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ nhậm chức Thủ tướng lần đầu sau khi được Quốc hội bầu với hơn 90% số phiếu thuận.

Hai ngày sau, Chính phủ của ông được kiện toàn với 27 thành viên, chính thức nhận nhiệm vụ. 

Zing.vn trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về một năm nhận nhiệm vụ của Chính phủ mới, vắt qua 2 nhiệm kỳ khóa XII và XIII.    

1 nam Chinh phu moi anh 1
Ngày 7/4/2016, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Hoàng Hà.

 

‘Hành động thực tiễn’

- Ông đánh giá thế nào về Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong năm đầu tiên hoạt động?

GS Carl Thayer từ Australia: Theo tôi, năm 2016 thể hiện tính liên tục và thực tiễn trong chương trình cải cách của Việt Nam hơn là một thay đổi mang tính quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều kinh nghiệm trong Chính phủ khi từng là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Phó thủ tướng. Những cải cách mà ông đang ủng hộ, ví dụ như gia tăng tính minh bạch của Chính phủ, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, chống lãng phí để tăng tính hiệu quả, cải tiến cách thức hoạt động của Chính phủ, kiểm soát chi tiêu... sẽ mất nhiều thời gian để thực hiện. Thủ tướng cũng đã sử dụng Tổ công tác khá hiệu quả.

TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc CECODES: Chính phủ đã đưa ra một thông điệp hợp lý, một hướng đi đúng: Chính phủ kiến tạo và hành động. Đó phải là một Chính phủ hiện đại, minh bạch, hiệu quả, sử dụng nhiều chứng cứ, số liệu trong quyết sách và mang tính phục vụ cao chứ không chỉ là quản lý.

Trong năm qua, Thủ tướng và các cộng sự của ông đã có nhiều động thái tốt mà tôi và đồng nghiệp quan sát được: giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp cho doanh nghiệp, dừng khai thác rừng… Đó là những việc quan trọng để Việt Nam không bị tụt lại phía sau.

Tuy nhiên, về lâu dài, cam kết đó có thành hiện thực được hay không vẫn là câu hỏi ngỏ.

Tôi ấn tượng nhất với thành tựu của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm nay, Việt Nam đã tăng tới 9 bậc, trở thành một trong 60 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.

Đại sứ Anh Giles Lever

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam: Ấn tượng lớn nhất của tôi với Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là những hành động thực tiễn, đúng với khẩu hiệu Chính phủ hành động mà ông đã đề ra.

Vấn đề của Việt Nam thì ai cũng biết, điều cần thiết là hành động. Vừa qua, Chính phủ của đã có một số chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là những chỉ đạo cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cố gắng cải cách thể chế để tạo ra sự minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành.

1 nam Chinh phu moi anh 2
Thủ tướng thăm Phố cổ Hội An ngày 8/8/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng cũng cố gắng đi nhiều, làm việc với nhiều ngành, nhiều địa phương. Về cơ sở hạ tầng, tôi nhận thấy Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt về giao thông như làm đường cao tốc Bắc - Nam chẳng hạn.

- Những bộ trưởng nào trong Chính phủ gây ấn tượng lớn nhất với ông trong năm qua?

TS Huỳnh Thế Du: Tôi chưa thấy bộ trưởng nào thực sự sắc sảo, để lại dấu ấn lớn trong chỉ đạo, hành động. Nếu chọn ra một người tôi ấn tượng thì đó là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ông Dũng cho thấy ông là người hiểu về hệ thống, có tư duy quản lý ngân sách chặt chẽ. Người giữ túi tiền ngân sách, nhất là trong bối cảnh hiện tại cần phải cần nhắc, tính toán từng đồng. Tôi thấy ông Dũng đang theo cách tiếp cận này.

GS Carl Thayer: Theo tôi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện mình là một người có tinh thần đồng đội, trong câu chuyện cân bằng giữa cải cách và xử lý những tồn tại từ các nhiệm kỳ trước.

Những chuyến thị sát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Tới chợ đầu mối Long Biên, vào quán phở bên đường ở TP.HCM mời cả đoàn công tác ăn sáng, uống cà phê… là những chuyến thị sát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một năm qua.

- Những điều gì trong một năm qua của Chính phủ khiến các ông chưa hài lòng, hoặc thấy có thể làm tốt hơn?

TS Huỳnh Thế Du: Tôi chưa thấy một chiến lược rõ ràng để giải quyết căn bản vấn đề bộ máy hành chính cồng kềnh, thể chế thiếu minh bạch, chưa rõ trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo.

Về xây dựng đường cao tốc, trong điều kiện nguồn lực có hạn, tôi cho rằng cần tập trung vào hạ tầng ở những vùng có khả năng tạo ra động lực như TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ thay vì đầu tư dàn trải. Việc đầu tư hạ tầng vào những vùng này còn giúp thu hút nguồn nhân lực bởi nguồn nhân lực chất lượng cao có rất nhiều lựa chọn, họ có thể làm việc ở Singapore, Malaysia, Indonesia. Nếu Việt Nam không có môi trường, cơ sở hạ tầng tốt thì khó giữ chân người tài.

Cơ chế hiện nay người làm không tốt, không làm thì có thể được lợi, còn người làm nhiều thì lại dễ bị chỉ trích

TS Huỳnh Thế Du

Tôi xin nhấn mạnh là việc phát triển hài hòa giữa các vùng miền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là Việt Nam cần giành được lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu mà trọng tâm của nó là thu hút và giữ chân được người giỏi, người giàu và các doanh nghiệp.

Cách tiếp cận trong nhiều năm qua phù hợp với nền kinh tế đóng chứ chưa phù hợp cho xu hướng toàn cầu cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là khi mà cuộc cách mạng về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đang tiến lên như vũ bão.

7 chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Trong năm đầu giữ cương vị đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Lào, Campuchia và Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác.

Nếu không có và giữ được ba đối tượng này thì sẽ khó về mọi mặt và sự tụt hậu của Việt Nam khả năng sẽ còn xa hơn nữa. Do vậy, một trong những vấn đề quan trọng trong thời gian tới là cần tập trung nguồn lực để tạo ra những nơi có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi xin trao đổi về khía cạnh Chính phủ vì người dân, vì đó là lĩnh vực mà tôi có theo dõi. Nhìn vào chỉ số về dịch vụ công, hệ thống trường học, bệnh viện, đường, điện, thì thấy tình hình đã có cải thiện lớn, dù người dân vẫn còn kêu ca. Và những cải thiện đó không dễ thực hiện, chúng đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn.

Trong khi đó một số lĩnh vực khác vẫn đứng yên tại chỗ: minh bạch, tham nhũng, phản hồi ý kiến của dân.

Khó như chuyện đầu tư cho dịch vụ công còn làm được, tại sao minh bạch lại khó thế? Điều này chỉ có thể giải thích là sự không minh bạch mang lại lợi ích cho những nhóm nhất định, khiến họ không muốn.

GS Carl Thayer: Việc cá chết do nhiễm độc ở miền Trung Việt Nam là một vấn đề di sản mà đã phơi bày những khó khăn trong sự phối hợp liên bộ. Sự cố ô nhiễm môi trường biển cho thấy nhiều bất cập trong thực thi quy định về môi trường và đáp ứng nhanh chóng để làm sạch môi trường, bồi thường cho nạn nhân, ngư dân và gia đình của họ.

1 nam Chinh phu moi anh 3
Trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đón rất nhiều nguyên thủ, các đoàn quốc tế tới Việt Nam. Trong ảnh, Thủ tướng trò chuyện cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

 

ngày 22/3 vừa qua. Ảnh: Tiến Tuấn.

Có người kéo tàu, nhưng cũng cần người đẩy tàu

- Theo các ông, đâu là những khó khăn đang cản trở, làm chậm quá trình cải cách ở Việt Nam và giải pháp là gì?

TS Huỳnh Thế Du: Khó khăn nhất là làm sao khuyến khích mọi người làm việc. Cơ chế hiện nay người làm không tốt, không làm thì có thể được lợi, còn người làm nhiều thì lại dễ bị chỉ trích.

Tôi lấy ví dụ, một số bộ muốn xoá bỏ giấy phép con, Chính phủ muốn bỏ giấy phép con, nhưng bỏ giấy phép con có khi đồng nghĩa với việc bị mất nguồn thu nhập lớn nên các bộ hoặc các cơ quan bên dưới không muốn bỏ.

Ngoài người kéo tàu là Thủ tướng thì cũng cần những người đẩy tàu. Ai trong xã hội là những thành tố muốn thay đổi, ủng hộ Chính phủ kiến tạo? Là người dân, báo chí, tổ chức xã hội... cần tận dụng họ.

TS Đặng Hoàng Giang

Vấn đề minh bạch thông tin là cực kỳ quan trọng, nhưng con đường cải tổ để tạo ra các quá trình xử lý thủ tục hành chính một cách minh bạch sẽ gặp cản trở từ chính hệ thống hành chính.

Một vấn đề  khác là cơ chế kết nối và thảo luận để có các ý tưởng tốt. Thủ tướng rất nhiều việc nên khó có thể tham gia hay gặp gỡ nhiều người hay  nhiều giới khác nhau. Hơn thế, sau khi gặp gỡ hay trao đổi thì cũng cần phải thảo luận và cân nhắc thêm các ý tưởng hay các ý kiến đề xuất.

Thời ông Phan Văn Khải có Ban nghiên cứu của Thủ tướng là rất quan trọng. Đó là bộ lọc và là đầu mối kết nối các ý tưởng hiệu quả cho Chính phủ nói chung, Thủ tướng nói riêng.

Đến nay, tôi chưa thấy một cơ chế tương tự để có thể thu hút được sự tham gia của đông đảo đội ngũ trí thức người Việt cũng như những người quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam. Nhóm/ban nghiên cứu của Thủ tướng có lẽ chỉ một số người giới hạn, nhưng điều quan trọng là làm sao để họ có thể kết nối và tương tác giúp cho bất kỳ ai muốn tham gia vào quá trình thảo luận và góp ý chính sách đều có thể và được lắng nghe.

TS Đặng Hoàng Giang: Ngoài người kéo tàu là Thủ tướng thì cũng cần những người đẩy tàu. Ai trong xã hội là những thành tố muốn thay đổi, ủng hộ Chính phủ kiến tạo? Đó là người dân, báo chí, tổ chức xã hội… chúng ta cần tận dụng nguồn lực từ họ.

Chừng nào Chính phủ không làm việc với các chuyên gia thì sẽ vướng vào những vấn đề lớn; từ chuyện Formosa, xây cáp treo vào Sơn Đoòng đến chuyện bê tông hoá khu bảo tồn Sơn Trà. Tôi lo ngại xu hướng tạm gọi là “phát triển chộp giật”, thấy chỗ nào ra lợi nhuận dễ dàng thì bê tông hóa để khai thác ồ ạt, nhưng có thể mất nhiều thứ: rừng, đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên….

Phát triển ồ ạt thì sẽ có lúc phải trả giá. Lúc đó ta sẽ không có cả môi trường lẫn phát triển kinh tế.

Tôi mong Chính phủ hãy dựa nhiều hơn, tin tưởng hơn vào sự đóng góp của dân, của các chuyên gia, của xã hội dân sự, cho báo chí và người dân không gian lớn hơn để thảo luận và lên tiếng.

GS Carl Thayer: Tôi xin đưa ra một câu nói kinh điển: nơi nào có quyết tâm, nơi ấy có đường đi. Việt Nam cam kết cải cách cơ bản, nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao sự ổn định về kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội trong nước. Họ cũng có những bất lợi và điều này làm chậm tốc độ cải cách.

Việt Nam cần phải có sự nhất trí của tập thể lãnh đạo để bước nhanh tiến trình cải cách, ví dụ như rút vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước, giảm nợ, và thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Tuy nhiên, những cải cách kinh tế trong nước của Việt Nam cũng gắn liền với tình trạng ổn định toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi.

Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du là giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Lĩnh vực nghiên và giảng dạy chính của ông gồm: kinh tế đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính ngân hàng. Ông thường xuyên tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông hiện nghiên cứu tại Đại học Harvard, Mỹ.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Ông sở hữu nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Từ năm 2008, ông là Phó giám đốc CECODES - một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia Trong một năm điều hành Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón tiếp 16 nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách quốc tế tới Việt Nam.







Phương Loan - Káp Long

Bạn có thể quan tâm