Publishers Weekly, tạp chí chuyên về xuất bản có lịch sử 150 năm tại Mỹ, đánh giá nền xuất bản nước này vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế không sáng sủa đã tác động tiêu cực tới công nghiệp xuất bản.
Vẫn chưa thoát khỏi tác động của đại dịch
Vào năm ngoái, ngành công nghiệp xuất bản đối phó với những hậu quả do đại dịch gây ra. Chính sách quay trở lại văn phòng phải thay đổi liên tục trong cả năm; ngay khi một nhà xuất bản công bố kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng được vài ngày cho đến một tuần, một đợt dịch khác xuất hiện phá hỏng kế hoạch đó.
Ngoài ra, giám đốc điều hành tại các nhà xuất bản lớn đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhân viên về hình thức làm việc tại văn phòng. Trong cuộc khảo sát về tiền lương và việc làm gần đây nhất, những người được hỏi nói rằng việc tạo ra các chính sách làm việc tại nhà là lợi ích quan trọng nhất mà công ty của họ đã thiết lập trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và đại đa số những người được hỏi lo ngại rằng công ty của họ sẽ sớm yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng trong một số ngày nhất định mỗi tuần.
Các vấn đề phổ biến về chuỗi cung ứng ảnh hưởng suốt năm 2021 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2022. Trong năm nay, các vấn đề về chuỗi cung ứng như in ấn, giấy và vận chuyển đã giảm tỷ lệ tăng giá.
Tuy vậy, lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đã bắt đầu, dẫn đến chi phí sản xuất vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với mức của năm 2019, điều này làm giảm tỷ suất lợi nhuận ngành sách. Các nhà in nhận được ít đơn đặt hàng hơn do doanh số bán sách giảm.
Từ năm 2020, khi đại dịch bắt đầu, người tiêu dùng đã chuyển chi tiêu sang các nhà bán lẻ trực tuyến và rời xa các cửa hàng truyền thống vào năm 2020 và 2021. Sự thay đổi đó đã khiến Amazon đặt hàng số lượng lớn cho tất cả mặt hàng, bao gồm cả sách. Khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại cửa hàng với số lượng lớn hơn vào năm 2022, mức tăng chi tiêu trực tuyến đã chậm lại, ảnh hưởng nặng nề đến Amazon.
Nhằm giảm số lượng sách tồn kho, Amazon đã cắt giảm đáng kể các đơn đặt hàng mới mà họ đã đặt trong mùa hè. Một số nhà xuất bản báo cáo doanh số bán hàng giảm sâu tới 70% với Amazon trong những tháng mùa hè.
Sự sụt giảm đơn đặt hàng từ Amazon là lý do chính khiến doanh số bán hàng trong quý (kết thúc vào ngày 30/9) của HarperCollins giảm 11%. Sự sụt giảm nghiêm trọng các đơn đặt hàng từ Amazon, cùng thông tin Amazon cắt giảm một số công việc trong bộ phận Sách, khiến một số thành viên trong ngành tự hỏi liệu công ty có đang mất hứng thú với thị trường sách hay không. Amazon kiên quyết phủ nhận suy đoán này. Các nhà xuất bản đã báo cáo rằng các đơn đặt hàng từ nhà bán lẻ điện tử đã được cải thiện vào đầu mùa thu.
Việc người mua sắm quay trở lại với các nhà bán lẻ truyền thống là một tin tốt cho các hiệu sách. Hiệp hội những người bán sách Mỹ (American Booksellers Association) đã báo cáo số lượng thành viên kỷ lục, trong khi chuỗi hiệu sách Barnes & Noble bắt đầu mở các cửa hàng mới trong năm và dự kiến sẽ mở 30 cửa hàng mới vào năm 2023.
Tổng doanh số bán hàng tại hiệu sách tính đến tháng 10 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021 và sau hai năm giảm, có thể trở lại mức của năm 2019. Tuy nhiên, môi trường bán lẻ đang cải thiện không phải là dòng nước nâng được tất cả con thuyền. Vào mùa xuân, Amazon thông báo họ sẽ đóng cửa tất cả 24 cửa hàng sách thực địa của mình; Amazon đã mở cửa hàng sách đầu tiên vào tháng 11/2015 với sự phô trương lớn.
Hội sách trở lại, doanh thu giảm
Với việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch, ngành xuất bản đã dần trở lại bình thường. Tại Mỹ, các hoạt động trong chương trình bán sách mùa thu có lượng người tham dự đông đảo khi họ quay trở lại các sự kiện trực tiếp.
Hầu hết hội sách quốc tế chính cũng tổ chức các sự kiện trực tiếp, dù nhiều hội chợ vẫn chứng kiến lượng người ghé thăm giảm so với mức trước đại dịch do lạm phát.
Vào tháng 3, Hội chợ sách dành cho trẻ em Bologna đã tìm cách thu hút nhiều nhà xuất bản hơn bằng cách mở rộng hoạt động xuất bản dành cho người lớn với chương trình Bologna Book Plus.
Tiếp theo, vào tháng 4, Hội sách London, nơi được coi là địa điểm giao dịch bản quyền chính đối với sách tiếng Anh, đã chứng kiến sự náo nhiệt khi trở lại sau ba năm không gặp mặt trực tiếp.
Điều tương tự cũng xảy ra vào tháng 10 ở Frankfurt, nơi trung tâm trao đổi bản quyền đã bán hết vé và nhiều nhà xuất bản quốc tế quay trở lại. Một số nhà xuất bản lớn đã thu nhỏ gian hàng của họ.
Một sự kiện đã phát triển vào năm 2022 là Hội chợ sách quốc tế Sharjah, nơi đã chào đón hơn 971 nhà xuất bản, đại lý văn học và các chuyên gia về bản quyền từ 92 quốc gia.
Khi chỉ còn một tuần nữa là sang năm 2023, NPD BookScan đã báo cáo doanh số xuất bản Mỹ. Doanh số bán hàng của ngành sách, sau hai năm liên tiếp tăng trưởng tốt, đã giảm vào 2022.
Theo đó, doanh số sách in đã giảm khoảng 6,5% so với năm 2021, nhưng cao hơn 12% so với năm 2019. Báo cáo của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ cho thấy tổng doanh số bán hàng trong ngành đã giảm 5,1% tính đến tháng 10 so với năm 2021, trong đó doanh số bán hàng thương mại giảm 5,1%, với 1.368 nhà xuất bản tham gia báo cáo.
Tổng quan thị trường xuất bản Mỹ 5 năm qua
Ước tính ngành xuất bản sách của Mỹ đã tạo ra 29,33 tỷ USD trong năm 2021 - con số cao nhất từng được báo cáo bởi StatShot. Trong đó, sách nói phát triển nhanh nhất.
Tương lai xuất bản Mỹ vẫn ảm đạm sau chiến thắng của Bộ Tư pháp
Ngăn chặn thành công vụ sáp nhập 2,175 tỷ USD không khiến người làm xuất bản Mỹ yên tâm, nhất là trong thời điểm hậu đại dịch, suy thoái kinh tế khiến doanh số bán sách sụt giảm.
Sắp Tết, nhà nhà trong xóm nô nức sửa sang. Những căn nhà cũ kỹ được khoác lên nước sơn mới, trông sáng sủa, khang trang hẳn ra. Lòng người bỗng thấy háo hức, mong Tết đến mau.