Theo Bangkok Post, trước thềm bầu cử, nhiều đợt thăm dò cử tri chỉ ra động lực ủng hộ phe đối lập như Pheu Thai (PTP) và Move Forward (MFP) vượt xa phe chính phủ, gồm Palang Pracharath (PPRP), Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN), Bhumjaithai (BJP) và Dân chủ (DP).
Về mức độ phổ biến của các ứng viên thủ tướng, kết quả khảo sát chỉ ra tương tự, khi ứng viên Pita Limjaroenrat (MFP) và Paetongtarn Shinawatra (PTP) - con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - ngang nhau, bám đuổi bởi Srettha Thavisin (PTP) và thủ tướng đương nhiệm từ UTN.
“Thái Lan chứng kiến sự phân cực chính trị trong thời gian rất dài, từ trước năm 2014, với hai phe áo đỏ và áo vàng - nông thôn và thành thị”, bà Punchada Sirivunnabood - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mahidol (Thái Lan) - chia sẻ với Zing.
Bà Punchada Sirivunnabood là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mahidol (Thái Lan). Ảnh: Punchada Sirivunnabood. |
Theo BBC, “áo đỏ” chỉ nhóm ủng hộ ông Shinawatra, người bị lật đổ sau đảo chính năm 2006. Sự ủng hộ này chuyển sang đảng Pheu Thai do em gái ông Thaksin, Yingluck Shinawatra, lãnh đạo.
Thành viên chủ yếu là lao động nông thôn bên ngoài Bangkok, nhưng cũng có một số sinh viên, nhà hoạt động cánh tả, doanh nhân coi nỗ lực của giới tinh hoa thành thị và quân đội nhằm kiểm soát chính trị Thái Lan là mối đe dọa với nền dân chủ.
Những người “áo vàng” đại diện cho nhóm phản đối ông Thaksin là lực lượng đứng sau các cuộc biểu tình trên đường phố, dẫn tới cuộc chính biến năm 2006.
Tuy nhiên, kỳ bầu cử sắp tới đã có sự thay đổi.
“Tôi nhận thấy càng trẻ thì càng có xu hướng ủng hộ những đảng đối lập, những đảng có lãnh đạo là người trẻ, chẳng hạn Move Forward. Trong khi đó, nhóm lớn tuổi đang bỏ phiếu hoặc ủng hộ phe bảo thủ. Do đó, có thể nói lần bầu cử này là sự chia rẽ giữa người trẻ và người già”, vị phó giáo sư cho hay.
Chưa đủ lớn để chi phối kết quả
Bà Sirivunnabood nhận định xu hướng người trẻ quan tâm nhiều hơn tới chính trị là dấu hiệu tích cực cho Thái Lan.
“Ở thế hệ tôi, những người ở độ tuổi 20 thường không quan tâm nhiều tới chính trị. (Nhưng) thế hệ hiện tại có rất nhiều người hứng thú với chủ đề này. Càng nhiều người tò mò về chính trị, sự giám sát chính phủ càng tăng, thúc đẩy thực thi chính sách và kiểm tra các hành vi tham nhũng trong chính phủ”, bà chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân ngày càng nhiều người trẻ Thái Lan sẵn sàng bày tỏ quan điểm chính trị, vị phó giáo sư cho rằng là vì gần 10 năm qua, đất nước đứng dưới sự lãnh đạo của quân đội, mặc dù các tướng lĩnh cũng biến mình thành chính trị gia thông qua việc thành lập đảng phái. Những người này vẫn duy trì quyền lực từ quân đội để kiểm soát đất nước.
Ngoài ra, bà nhận định còn nhiều vấn đề khác, “như Thái Lan đối mặt với kinh tế ảm đạm, không chỉ vì dịch Covid-19 mà còn vì không có nhiều chính sách cải thiện đời sống người dân”.
“Đó là lý do người trẻ muốn chứng kiến những thay đổi, nên họ cởi mở lựa chọn”, vị chuyên gia cho hay.
Chuyên gia cho rằng nhóm lớn tuổi có xu hướng ủng hộ phe bảo thủ. Ảnh: Reuters. |
Dẫu vậy, bà Sirivunnabood cho hay nhóm trẻ cũng không quá chi phối kết quả bầu cử lần này, khi về cơ bản, số người có quyền bầu cử lần đầu và người trong độ tuổi 18-30 không nhiều bằng số lượng người 30-50 tuổi.
“Nhóm này có quan điểm đa dạng khi có thể bầu cho đảng trẻ hoặc đảng bảo thủ, trong khi nhóm cao tuổi hầu như về phe bảo thủ. Do đó, tôi không nghĩ nhóm người trẻ lớn tới mức mang yếu tố quyết định tới bầu cử lần này, nhưng kỳ bầu cử tới có thể là câu chuyện khác”, bà nói thêm.
Theo tờ Nation Thailand, Cục Quản lý Đăng ký nước này cho biết tổng số cử tri đủ điều kiện trong kỳ bầu cử sắp tới là hơn 52 triệu người.
Trong số này, Gen X (43-58 tuổi) chiếm nhiều nhất với 16 triệu người, theo sau là Gen Y (27-42 tuổi) với 15 triệu người. Có tới 13 triệu người thuộc nhóm nhân khẩu học cao tuổi (trên 59 tuổi), trong khi Gen Z (tính từ 18-26) chỉ có khoảng 7,6 triệu người.
Lựa chọn của Pheu Thai
Theo nhận định của bà Sirivunnabood, việc đảng nào giành được số ghế lớn nhất trong quốc hội là câu hỏi quan trọng trong cuộc bầu cử lần này.
“Tuy nhiên, giành số ghế nhiều nhất trong quốc hội không có nghĩa sẽ thành lập được chính phủ. Ở Thái Lan, cơ chế khác có thể xảy ra”, bà nói.
“Nếu đảng giành được nhiều ghế nhất không thể thành lập chính phủ sau bầu cử, bên chiến thắng thứ hai có thể tham gia thành lập chính phủ. Vì vậy, tôi nghĩ cuộc bầu cử phụ thuộc vào việc đảng nào có thể lập chính phủ trước”, bà lý giải.
Kể từ đầu tháng 4, đảng Pheu Thai đã trấn an những người ủng hộ và tuyên bố mục tiêu giành được ít nhất 310/500 ghế trong quốc hội. Nhiều cuộc thăm dò cũng cho thấy Pheu Thai là lựa chọn phổ biến nhất cho trọng trách lãnh đạo chính phủ, với ít nhất 35% ủng hộ.
Tuy nhiên, việc đảng này có thể thành lập chính phủ độc đảng hay thậm chí giành được ghế thủ tướng hay không vẫn là câu hỏi lớn, theo Politico.
Đảng Pheu Thai và những tổ chức tiền nhiệm từng nhiều lần giành được số ghế nhiều nhất trong quốc hội kể từ năm 2001. Tuy nhiên, Pheu Thai sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi thành lập chính phủ, với việc 250 thượng nghị sĩ tham gia bỏ phiếu do quân đội bổ nhiệm.
Theo Hiến pháp Thái Lan 2017, các ứng viên thủ tướng không cần ứng cử. Thay vào đó, mỗi đảng có thể đề cử tối đa 3 ứng viên với Ủy ban Bầu cử Thái Lan trước ngày bầu cử.
Chỉ những ứng viên của đảng giành được tối thiểu 25 ghế trong quốc hội mới đủ điều kiện xem xét. Cho đến năm 2024, cả Hạ viện (500 nghị sĩ) và thượng viện (250 nghị sĩ) đều tham gia lựa chọn thủ tướng. Điều đó có nghĩa để giành được chức thủ tướng, các ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của 376 nghị sĩ quốc hội.
“Chiến lược long trời lở đất” của PTP nhằm giành ít nhất 310 ghế trong hạ viện sẽ cho phép đảng này, với sự hỗ trợ của các đảng đối lập khác, tuyên bố chiến thắng rõ ràng và chỉ định một thủ tướng dù có ít sự ủng hộ từ Thượng viện.
Số cử tri đủ điều kiện đi bầu cử sắp tới là hơn 52 triệu người Thái Lan. Ảnh: AP. |
Song giành được 310 ghế không phải nhiệm vụ dễ dàng với PTP. Theo các cuộc phỏng vấn gần đây trên truyền thông địa phương, các thành viên cấp cao của PTP cho biết chiến lược này được xây dựng dựa trên chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2001 và 2005, trong đó PTP lần lượt giành được 248 và 377 ghế.
Tuy nhiên, trong hai cuộc bầu cử này, người dân không có nhiều lựa chọn thay thế cho Pheu Thai. Ngược lại, vào năm 2023, chiến trường bầu cử sẽ đông đúc hơn.
Số lượng lớn lựa chọn khiến đảng Pheu Thai khó giành được chiến thắng áp đảo. Và nếu không có chiến thắng rõ ràng, đảng này có thể buộc phải thành lập chính phủ liên minh với các đảng khác từ phe tự do, bao gồm Seri Ruam Thai và MFP.
Tuy nhiên, bà Sirivunnabood cho rằng các đảng thuộc phe dân chủ sẽ khó thành lập chính phủ liên minh, “vì đảng MFP có những chính sách thực sự quyết liệt mà tôi không nghĩ đảng Pheu Thai (PTP) muốn chấp nhận, chẳng hạn cải cách Điều 112 trong hiến pháp”.
“Và nếu cố gắng liên minh với MFP, (đảng Pheu Thai) có thể cần phải thỏa hiệp về một vài chính sách - điều mà họ không sẵn lòng”, bà nói.
Ngoài lựa chọn trên, PTP có thể tham gia các liên minh từ phe bảo thủ, bao gồm PPRP và BJP.
Đảng PPRP đã đứng đầu chính phủ dưới thời ông Prayut từ năm 2019 và nắm giữ chức vụ thủ tướng dù chỉ là đảng lớn thứ hai trong quốc hội, nhờ sự ủng hộ của 250 thượng nghị sĩ.
Khi liên minh với PPRP, Pheu Thai có khả năng nhận được sự ủng hộ từ thượng viện. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Pheu Thai mất vị trí thủ tướng, vì ứng viên của PPRP - tướng Wongsuwan - muốn trở thành người đứng đầu hơn là lùi lại phía sau Pheu Thai.
“Tôi nghĩ nếu Pheu Thai về thứ hai, họ có thể sẽ liên minh với các đảng bảo thủ khác, chẳng hạn khả năng cao là đảng PPRP. Chính phủ liên minh mới có thể tương tự chính phủ liên minh đã thành lập vào năm 2019”, bà Sirivunnabood nói.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.